Chỉ đạo trong chuyến thị sát thi công sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: "Ai làm tốt phải được khen thưởng động viên, ai làm sai sẽ bị xử phạt, kỷ luật. Nhà thầu nào yếu kém sẽ cho rời khỏi công trình".
Chiều 16.10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công trường xây dựng sân bay Long Thành và làm việc với ACV, UBND tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan về tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng sân bay Long Thành, các tuyến giao thông kết nối sân bay.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm. Do đó các nhà thầu cần tăng tốc, đảm bảo tiến độ các hạng mục để đưa dự án về đích đúng hẹn. Đây là một công trình có tính lịch sử đối với ngành giao thông, là bước nhảy mạnh mẽ.
Thực tế, chưa có công trình nào ở Việt Nam sánh được với sân bay Long Thành về kỹ thuật, quy mô, tổng mức đầu tư. Do đó nếu dự án về đích chúng ta sẽ chứng minh được năng lực của các nhà thầu Việt Nam để tương lai các nhà thầu này tiếp cận được thêm nhiều dự án lớn.
"Sân bay Long Thành là một đại công trường nên công tác điều phối, quản lý cũng rất quan trọng. Do đó cần đôn đốc nhân lực tăng tốc ở tất cả các hạng mục, không được chậm trễ, trễn hẹn. Ghi nhận tại hiện trường, hiện nhiều hạng mục đồng loạt được triển khai...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu phải triển khai đồng bộ các hạng mục, không được để chậm trễ vì nếu một công trình chậm sẽ ảnh hưởng đến nhiều công trình khác.
"Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) cần xây dựng được sơ đồ tổng thể về công tác thi công, quản lý sâu sát, nhắc nhở các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý. ACV phải áp dụng năng lực quản lý, tiêu chuẩn quản lý trên toàn bộ dự án. Ai làm tốt phải được khen thưởng động viên, ai làm sai sẽ bị xử phạt, kỷ luật. Nhà thầu nào yếu kém sẽ cho rời khỏi công trình", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất của Đồng Nai là công tác giải phóng mặt bằng quá chậm. Đồng Nai phải thay đổi, tăng cường nhân lực để phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
"Hiện nay tuyến giao thông kết nối đến sân bay Long Thành là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai cũng mới chỉ bàn giao được diện tích quá nhỏ. Do đó Đồng Nai cần tăng tốc giải phóng mặt bằng, đồng loạt triển khai các dự án giao thông. Nếu làm được, đến 2030 Đồng Nai có hạ tầng giao thông kết nối tốt, khó có nơi nào sánh được", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nói rằng khó khăn của Đồng Nai là hai tuyến đường song hành hướng đi Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối sân bay Long Thành nhưng lại xảy ra việc áp cơ chế đền bù khác nhau. Đây là vấn đề cần tháo gỡ để giúp địa phương thuận lợi hơn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trước đoàn công tác, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng phục vụ thi công giai đoạn 1 sân bay Long Thành.
Riêng diện tích còn lại của giai đoạn 2, hiện cũng chỉ vướng bốn trường hợp với 10,38ha và Đồng Nai đang xin ý kiến các đơn vị liên quan để áp giá bồi thường… Cũng theo ông Đức, dự kiến mặt bằng giai đoạn 2 cũng sẽ được xử lý dứt điểm trong tháng 10.2023. Về giao thông kết nối, tuyến T1 hiện còn một trường hợp chưa bàn giao mặt bằng và UBND huyện Long Thành dự kiến cưỡng chế vào ngày 18.10 tới. Còn tuyến T2 dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện ACV, cho biết về giai đoạn 1, đến nay ACV đã nhận bàn giao 100% mặt bằng sạch để thi công. Về tuyến giao thông kết nối, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành (Đồng Nai) đã bàn giao 60,28/60,57ha đất hộ gia đình, cá nhân (đạt 99,53%) đối với tuyến số 1.
Còn tuyến số 2 đã bàn giao 14,08/50,1ha đất hộ gia đình, cá nhân (đạt 28,15%).Gói thầu san nền, thoát nước sân bay Long Thành hiện đã đạt khoảng 90% khối lượng công việc.
Đến nay ACV chuyển cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành với số tiền là hơn 950 tỉ đồng để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Công tác xây dựng tường rào trong phạm vi 1.810ha hiện khối lượng thi công đạt 100%. Phạm vi 5.000ha thời điểm này ACV vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng đơn vị tư vấn rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình tường rào ranh giới cảng hàng không ngoài phạm vi 1.810 ha theo yêu cầu của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải).
Gói thầu san nền thoát nước, tính đến ngày 13.10, tổng khối lượng đào đắp thực tế đạt được 101,619/115,533 triệu m3 (đạt gần 90% khối lượng thi công). Các khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các khu vực bố trí các dự án thành phần 1, 2, 4 đã hoàn thành để phục vụ thi công.
Còn gói thầu nhà ga các nhà thầu huy động 516 nhân sự và hơn 300 thiết bị máy móc, vật tư phục vụ thi công. Nhân lực triển khai các công việc gồm: lắp dựng hai trạm bê tông; hàng rào, cổng, đường nội bộ kết nối các đường công vụ hiện hữu của dự án. Thi công cọc khoan nhồi của 24 móng cẩu tháp (hiện đã thi công được 36/96 cọc khoan nhồi móng cẩu tháp) và đang hạ các trạm biến áp, khoan giếng để phục vụ công tác thi công… Tiến độ nhà ga hành khách đang đảm bảo theo kế hoạch đề ra sau hơn một tháng thi công.
Cũng theo ACV để triển khai các nhà thầu chính, các nhà thầu đã huy động gần 3.000 người trong đó trực tiếp hơn 2.000 cán bộ chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc...
ACV cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quản lý dự án cho Ban Quản lý dự án và làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu về sân bay như NACO, TUNER, Artelia, Hill international, Misa... để thuê các chuyên gia của họ hỗ trợ quản lý dự án.