Khi Afghanistan chìm trong khủng hoảng kinh tế, nhiều người dân nghèo đói đặc biệt là phụ nữ buộc phải đưa ra lựa chọn đau lòng.

Phụ nữ Afghanistan phải bán dâm, bán con vì nghèo đói

Cẩm Bình | 03/04/2022, 10:17

Khi Afghanistan chìm trong khủng hoảng kinh tế, nhiều người dân nghèo đói đặc biệt là phụ nữ buộc phải đưa ra lựa chọn đau lòng.

Hawa - góa phụ 30 tuổi có 4 con, sống tại quận Dasht-e-Barchi thuộc Kabul - đang rất vất vả lo bữa ăn cho gia đình. Cô vừa quyết định rao bán con gái út của mình trên Facebook với giá 100.000 afghani (1.100 USD).

“Tôi nghe tin tức có người bán con trên TV. Hơn một tuần qua chúng tôi không có thức ăn hay tiền bạc, đó là lúc tôi quyết định bán con gái út”, Hawa nói với Nikkei Asian Review.

Bài đăng rao bán con trước khi bị xóa không nhận được lời hỏi mua nào, nhưng thu hút sự chú ý của một nhà thiết kế đồ họa kiêm nhiếp ảnh gia tự do người Iran Nava Jamshedi.

Nava Jamshedi cho biết, một trong những người bạn nói với cô về trường hợp bán con của gia đình Hawa: “Tôi quyết định giúp tiền và thức ăn. Tôi cũng định mua cho Hawa một số thiết bị để cô ấy có thể kinh doanh, làm ít bánh mì bán cho hàng xóm”.

phaf.jpg
Từ khi Taliban tái nắm quyền, nhiều phụ nữ Afghanistan không được tham gia lao động - Ảnh: Nikkei Asian Review

Afghanistan lâu nay vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Từ khi Taliban tái nắm quyền, nước này rơi vào khủng hoảng kinh tế toàn diện, bị cắt đứt khỏi viện trợ nhân đạo cùng nhiều nguồn tài chính lớn khác.

Phó đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề Afghanistan Ramiz Alakbarov cảnh báo 95% người Afghanistan không đủ ăn. Một báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết có 24,4 triệu người - tương đương 55% dân số - đang cần hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức.

Từ khi Taliban tái nắm quyền, Zeba - một góa phụ tại Kabul - không chỉ mất công việc giáo viên mà còn phải bán dâm để nuôi gia đình 6 người.

“Ai lại thích công việc này chứ? Nhưng chủ nhà đe dọa nếu tôi không trả tiền thuê (đã quá hạn 2-3 tháng) thì sẽ đuổi tôi đi. Các con tôi đã không được ăn thức ăn ngon trong nhiều ngày, đôi khi chúng đòi giày hoặc sách mới. Vì hạnh phúc của chúng mà tôi quyết định kiếm tiền bằng mọi cách”, Zeba chia sẻ.

Mại dâm là hoạt động bất hợp pháp và phải chịu phạt nặng tại Afghanistan. Nhưng bất chấp cấm đoán của pháp luật, mại dâm ngầm vẫn tiếp diễn vì nhiều người nghèo đói phải cố gắng sinh tồn.

Zeba cho biết việc tìm khách rất nguy hiểm, mỗi tháng cô chỉ kiếm được 2.000 afghani: “Tôi thấy ghê tởm khi khách mua dâm chạm vào người mình. Tôi mong rằng nếu buộc phải làm công việc này thì ít nhất mình cũng được trả cao. Tôi nói với các con tôi kiếm được tiền từ việc ăn xin”.

Zeba đến từ tỉnh Badakhshan, có 3 chị gái và 5 anh em trai. Một trong số anh trai làm việc cho sở cảnh sát tại quê nhà nhưng đã không được trả lương suốt nhiều tháng qua, giống như bao công chức khác.

“Họ thường bảo tôi chuyển về sống cùng. Tuy nhiên khi biết về điều kiện kinh tế của họ thì tôi không nỡ đem gánh nặng của gia đình mình đặt lên vai họ”, Zeba cho biết.

Trong lúc Taliban vẫn đang nỗ lực để được quốc tế công nhận, các đơn vị viện trợ vì nhiều vấn đề như không tuyển được nhân viên hay thiếu kinh phí mà rất khó giúp đỡ được cho người dân Afghanistan. Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) gần đây ước tính họ cần 340 triệu USD để hỗ trợ người Afghanistan gặp khó khăn, nhưng đến nay chỉ mới huy động được khoảng 97 triệu USD.

Khi được hỏi về kế hoạch vực dậy nền kinh tế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan Abdul Qahar Balkhi cho biết: “Chính phủ mới có chiến lược tập trung vào phục hồi khu vực kinh tế tư nhân và nông nghiệp trong ngắn hạn, còn trong dài hạn là phục hồi đầu tư và kết nối khu vực”.

Tuy nhiên, những phụ nữ như Hawa và Zeba lo lắng cho tương lai trước mắt hơn. Thất nghiệp cùng giá lương thực cơ bản tăng cao buộc một số người phải tìm mọi cách đối phó.

“Trước đây tôi có thu nhập ổn định nhờ làm người giúp việc. Thế rồi Taliban quay lại, gia đình thuê tôi rời khỏi Afghanistan và tôi mất việc. Bây giờ Taliban không cho phép phụ nữ ra ngoài mà không có đàn ông đi cùng. Tôi không có thu nhập”, Hawa cho biết. Cậu con trai 10 tuổi của Hawa cũng phải làm việc cả ngày và chỉ kiếm được khoảng 10-20 afghani.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, thay đổi chế độ tại Afghanistan đã khiến mức độ phụ nữ tham gia lực lượng lao động trong quý 3/2021 của nước này giảm đến 16%, năm 2022 dự kiến giảm đến 28%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ Afghanistan phải bán dâm, bán con vì nghèo đói