Trên Al Jazeera, nhà phân tích người Anh Maximilian Hess cho rằng phương Tây đã không cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine như đã từng cung cấp viện trợ quốc phòng.

Phương Tây chỉ thích viện trợ Ukraine vũ khí chứ không chịu xóa nợ

Anh Tú (lược dịch) | 16/08/2022, 09:25

Trên Al Jazeera, nhà phân tích người Anh Maximilian Hess cho rằng phương Tây đã không cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine như đã từng cung cấp viện trợ quốc phòng.

Cuộc tấn công của Nga đã khiến người Ukraine chịu thương đau và kinh hoàng. Bên cạnh chuyện chiến trường, cuộc chiến còn có một yếu tố kinh tế, với việc Điện Kremlin đang tìm cách làm nghèo người Ukraine bằng cách phong tỏa các cảng và kiểm soát nguồn xuất khẩu của Ukraine, đồng thời đẩy mạnh áp lực kinh tế ngày càng gia tăng đối với Kyiv và các đồng minh.

Chính phủ Ukraine - và người dân của Ukraine hiện đang đứng trước bờ vực phá sản. Đồng tiền quốc gia, hryvnia, đã bị phá giá bởi ngân hàng trung ương vào tháng bảy. Bây giờ 1 USD mua được 37 hryvnia, tăng từ 1 USD ăn 26,50 một năm trước. Công ty năng lượng chủ chốt của Ukraine, Naftgaz, đã rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Nhận thức được rằng gánh nặng nợ nần của Ukraine là không thể trả đúng hẹn, những nước chủ nợ của Ukraine vào ngày 10.8 đã ủng hộ việc hoãn thanh toán lãi và gốc trong hai năm.

Điều đó đáng được hoan nghênh nhưng như thế vẫn không đủ.

Ngay cả khi Kyiv có thể đẩy bớt gánh nặng nợ của mình xuống, ngân sách của chính phủ vẫn sẽ không thể cân đối. Kyiv không thể tự mình gánh chịu chi phí bảo vệ mình khỏi cuộc chiến của Nga, chứ chưa nói đến chi phí xây dựng lại lâu dài. Ukraine hiện đang thâm hụt khoảng từ 4 đến 5 tỉ USD mỗi tháng. Dự trữ quốc tế của họ chỉ ở mức 22,3 tỉ USD, giảm khoảng 25% kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Trong khi đó, phương Tây đã không cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính như đã từng cung cấp viện trợ quốc phòng. Trong vài tháng qua, một lượng nhỏ khí tài quân sự đã bắt đầu tuồn vào ngay cả từ Berlin kín tiếng. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz - vốn sẽ không bao giờ có thể cung cấp đủ viện trợ để lật ngược tình thế cuộc chiến, ngay cả khi họ có thể tìm thấy ý chí chính trị, do tình trạng không thể tự chủ vũ trang - đã không góp ích thì chớ mà còn gây trở ngại khi giải quyết các vấn đề tài chính của Kyiv. Vào tháng 5, Liên minh châu Âu đã đồng ý cung cấp cho Kyiv khoản hỗ trợ tài chính lên tới 9 tỉ euro nhưng cho đến nay mới chỉ giải ngân khoản vay có điều kiện trị giá 1 tỉ euro và Berlin được cho là đang chặn hỗ trợ thêm.

Sự tức giận về sự chậm trễ - bao gồm cả những lời chỉ trích trực tiếp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - đã làm tăng áp lực buộc Brussels và Berlin phải hành động. Cơ quan này đã nhấn mạnh khoản tài trợ trị giá 1 tỉ euro, được phê duyệt vào tháng trước và kêu gọi 3 trong số 8 tỉ  euro còn lại được giải ngân theo hình thức tương tự, còn 5 tỉ euro còn lại được viện trợ dưới hình thức do EU đảm bảo bằng trái phiếu. Việc đảm bảo các khoản vay như vậy sẽ giữ cho các khoản thanh toán lãi suất trong tương lai cho Kyiv giảm xuống, nhưng thực tế là Ukraine không có sẵn tiền để trả thêm nợ, và cũng không có khả năng trả nợ trong tương lai gần - chắc chắn là không thể một khi quân đội Nga vẫn làm chủ các khu màu mỡ ở Donbas.

Vào đầu cuộc chiến, các khoản nợ nước ngoài của Ukraine ở mức 129 tỉ USD. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Mỹ đã gửi cho Ukraine những khoản viện trợ tài chính đáng kể và dự kiến ​​sẽ gửi thêm 4,5 tỉ USD vào cuối tháng này. Nhưng ngay cả điều đó cũng chỉ đủ để Kyiv trang trải trong một tháng. Nói trắng ra, nhiều khoản vay hơn và tình trạng nợ đọng là không đủ để giải quyết vấn đề cơ bản của Ukraine. Đây là lý do tại sao Ukraine cần được xóa nợ khẩn cấp.

Có rất nhiều tiền lệ cho một động thái như vậy khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc gia, và thậm chí để vượt qua những thách thức của một cuộc tấn công. Cái gọi là "thánh lễ" trong đó việc xóa các khoản nợ có từ thời Lưỡng Hà cổ đại và đã được một số nước thực hiện nhằm cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa thế giới đang phát triển và các quốc gia phát triển. Mặc dù những lập luận này không thể thay đổi các nhà hoạch định chính sách hoặc hệ thống kinh tế vĩ mô quốc tế cho đến nay, nhưng Ukraine có thể nhìn vào kinh nghiệm của một quốc gia bị chiến tranh tàn phá khác để làm tiền lệ gần đây.

Một bài báo mang tính bước ngoặt năm 2020 của nhà nghiên cứu nợ có chủ quyền Simon Hinrichsen đã cung cấp thông tin toàn diện liên quan đến các khoản nợ của chính phủ Iraq sau khi Mỹ tấn công nước này.

Khi chính quyền Bush tiến hành cuộc tấn công và đánh bại chính quyền của Saddam Hussein vốn bị Mỹ coi là bất hợp pháp, đã dẫn đến việc các chủ nợ quốc tế chấp nhận cắt nợ đáng kể.

Tất nhiên, việc xóa nợ và cắt nợ của Iraq không đảm bảo sự ổn định cho đất nước sau cuộc tấn công của Mỹ. Thế nhưng, chúng đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc Iraq quay trở lại nguồn đầu tư quốc tế, vốn bị chế độ Saddam và các lệnh trừng phạt của Mỹ đóng băng từ trước.

Dù vậy, người ta cũng không nên hy vọng rằng việc hủy bỏ phần lớn hoặc tất cả các khoản nợ của Ukraine sẽ cung cấp một “viên đạn ma thuật” để giải phóng nguồn vốn tập trung cho cuộc chiến chống lại Điện Kremlin hoặc để tái cơ cấu nền kinh tế Ukraine.

Nhưng nếu có bất kỳ hy vọng nào rằng Ukraine có thể được xây dựng lại, chứ đừng nói đến việc nước này có thể "xây dựng trở lại tốt hơn" như phương Tây tuyên truyền, việc xóa nợ nên được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Như vậy mới là thiết thực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương Tây chỉ thích viện trợ Ukraine vũ khí chứ không chịu xóa nợ