Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng bền vững đang rất mạnh mẽ, hydro nhiên liệu nổi lên như ứng viên hàng đầu.
Chính phủ nhiều nước đang hợp tác với các đơn vị tư nhân lẫn chuyên gia nhằm xây dựng giải pháp khả thi. Giờ đây ngành công nghiệp quốc phòng cũng tham gia bằng cách khiến xe tăng, tàu chiến và tàu ngầm dùng được nhiên liệu hydro.
Quân đội Hàn Quốc (RoKA) đặt kế hoạch chuyển đổi phương tiện quân sự của mình từ loại sử dụng động cơ đốt trong sang loại sử dụng động cơ hydro. Sáng kiến này tập hợp nhiều công ty hàng đầu đất nước như Kia, Hyundai, Doosan. Hyundai đặt mục tiêu phát triển xe tiếp hydro nhiên liệu mang tên H-Moving Station phục vụ mục đích quân sự, trong khi công ty con của tập đoàn là Hyundai Rotem tập trung chế tạo động cơ hydro cho xe tăng cùng xe bọc thép. Kia phát triển phương tiện chạy bằng hydro (dạng pin nhiên liệu) còn Doosan phát triển máy bay không người lái dùng hydro. Ngoài ra Paprity và Hogreen Air cũng nỗ lực chế tạo động cơ hydro cho tàu chiến cùng tàu ngầm.
Hiệu suất phát điện thôi thúc RoKA chuyển đổi. Phát điện bằng nhiên liệu hóa thạch thông thường có hiệu suất 28 - 32%, trong khi phát điện bằng hydro có thể đạt 47% hoặc cao hơn. Pin hydro nhỏ hơn, nhẹ hơn pin điện thông thường, giúp đảm bảo khả năng cung cấp năng lượng ở bất cứ đâu.
Sử dụng hydro còn giảm thiểu nguy cơ bị kẻ địch phát hiện. Tiếng ồn cùng khói từ động cơ diesel dễ dàng làm lộ vị trí lực lượng RoKA.
Hydro nhiên liệu được sản xuất bởi quá trình điện phân nước, nếu dùng điện từ nguồn năng lượng tái tạo thì phương pháp này thân thiện với môi trường.
Hydro nhiên liệu về nguyên tắc có thể thay thế than đá, dầu mỏ lẫn khí đốt làm nhiên liệu cho công nghiệp và vận tải. Tuy nhiên, do phương pháp sản xuất hiện còn tiêu tốn nhiều năng lượng nên hydro xanh vẫn đắt hơn nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo gần đây của tổ chức tư vấn Common Wealth, quân sự là một trong số lĩnh vực tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới, chiếm 5,5% lượng khí thải toàn cầu – cao hơn mức 2% của hàng không dân dụng. Quân đội Mỹ là bên phát thải lớn nhất, có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình tăng đáng kể qua nhiều thập kỷ. Trong Thế chiến thứ hai, một người lính Mỹ dùng khoảng 3,8 lít nhiên liệu, đến khi Mỹ đưa quân vào Iraq con số này tăng lên đến 83,3 lít. Phần lớn nhiên liệu được tiêu thụ bởi chiến đấu cơ, xe tăng, tàu.