Theo hãng tin AP, vì nhiều lý do, quân đội Mỹ khó tăng sản lượng đạn pháo 155mm không chỉ để viện trợ Ukraine mà còn để tự sử dụng lúc xảy ra xung đột.

Quân đội Mỹ khó tăng sản lượng đạn pháo 155mm

Cẩm Bình | 25/04/2023, 08:40

Theo hãng tin AP, vì nhiều lý do, quân đội Mỹ khó tăng sản lượng đạn pháo 155mm không chỉ để viện trợ Ukraine mà còn để tự sử dụng lúc xảy ra xung đột.

Một trong những khí tài quan trọng nhất của cuộc chiến Ukraine đến từ một nhà máy lâu đời trên địa bàn thành phố Scranton (bang Pennsylvania). Tại đây, hàng trăm tấn thép vận chuyển bằng tàu hỏa được rèn thành đạn pháo 155mm.

Nhà máy đạn dược Scranton thuộc lục quân Mỹ là đơn vị tiên phong trong kế hoạch hiện đại và đẩy nhanh quá trình sản xuất đạn dược cùng thiết bị quân sự không chỉ để viện trợ Ukraine mà còn để tự sử dụng lúc xảy ra xung đột của Lầu Năm Góc.

qubb37dc5b9384efda842fcc03ffa953c.jpg.optimal.jpg
Bên trong nhà máy đạn dược Scranton - Ảnh: The Washington Post

Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy rõ Mỹ cùng các đồng minh châu Âu không chuẩn bị cho chiến tranh trên đất liền quy mô lớn nên rất vất vả tăng cường sản xuất khí tài. Nguồn cung dần cạn kiệt gióng lên hồi chuông cảnh báo với giới chức quân sự Mỹ. Lục quân Mỹ lên kế hoạch nâng cấp hàng loạt nhà máy trên khắp đất nước.

Tháng trước, Thứ trưởng Lục quân Mỹ Gabe Camarillo cho biết họ sẽ chi khoảng 1,5 tỉ USD tăng sản lượng đạn pháo 155mm từ 14.000 quả/tháng (trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra) lên hơn 85.000 quả/tháng (năm 2028).

Nhưng ngay cả khi tăng sản lượng ngắn hạn, Mỹ cũng không thể bổ sung kho dự trữ hay bắt kịp tốc độ tiêu hao đạn dược của Ukraine. Nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova từng tuyên bố quân đội nước này bắn khoảng 6.000 - 8.000 quả mỗi ngày - có nghĩa lượng đạn pháo Washington sản xuất trong 1 tháng chỉ đủ cho Kyiv dùng 2 ngày.

Ngoài nhà máy Scranton, đạn pháo 155mm còn được sản xuất tại nhà máy Wilkes-Barre. Cả hai đều thuộc sở hữu General Dynamics. Hai nhà máy này đang sản xuất theo hợp đồng 24.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Lục quân Mỹ đặt hàng thêm với đơn hàng trị giá 217 triệu USD (không rõ số lượng).

Loạt trở ngại mà quân đội Mỹ phải đối mặt trong nỗ lực tăng sản lượng có thể được thấy rõ tại nhà máy Scranton. Nhà máy được xây dựng ngay sau năm 1900 khi thành phố còn đang phát triển mạnh điện than và đường sắt, sản xuất đạn dược cỡ lớn cho quân đội Mỹ từ thời Chiến tranh Triều Tiên.

Giờ đây nhà máy Scranton nằm trong danh sách địa điểm lịch sử quốc gia, nên lục quân rất khó thay đổi kết cấu cơ sở này. Bên trong nhà máy chất đầy vỏ đạn, thiết bị cùng dây chuyền sản xuất. Tại đây cánh tay robot cùng các loại máy móc tiến hành cắt, đốt nóng, rèn, kiểm tra áp suất, rửa và sơn vỏ đạn.

Nhà máy được chi 120 triệu USD để hiện đại hóa. Lục quân hy vọng sẽ mở một dây chuyền sản xuất mới vào năm 2025, nhưng giải phóng mặt bằng phục vụ công tác mở rộng là nhiệm vụ khó khăn.

Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ Douglas Bush cho biết họ đã ký hợp đồng sản xuất đạn pháo 155mm với một số nhà máy tại bang Texas và Canada. Mỹ cũng đang tìm kiếm thêm đồng minh nước ngoài để hợp tác tăng sản lượng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Mỹ khó tăng sản lượng đạn pháo 155mm