Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) cáo buộc quân đội Myanmar sử dụng vũ khí và đơn vị chuyên tham gia chiến đấu để đàn áp lực lượng biểu tình.

Quân đội Myanmar dùng chiến thuật đánh trận đối phó biểu tình, Mỹ trừng phạt 2 con thống tướng

Cẩm Bình | 11/03/2021, 08:00

Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) cáo buộc quân đội Myanmar sử dụng vũ khí và đơn vị chuyên tham gia chiến đấu để đàn áp lực lượng biểu tình.

Xem xét hơn 50 video quay lại cảnh đàn áp, Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ ra rằng súng bắn tỉa, súng máy hạng nhẹ, súng trường tấn công, súng tiểu liên đã được sử dụng. Số vũ khí này nằm trong tay các đơn vị từng thực hiện nhiệm vụ chống lại nhiều nhóm sắc tộc tại Myanmar, trong đó có người Rohingya.

download.jpg
Biểu tình phản đối đảo chính kéo dài hơn 1 tháng - Ảnh: Reuters

“Đây không phải hành động của đội ngũ chỉ huy quá khích, đưa ra quyết định sai. Họ là những kẻ không ăn năn dù dính líu đến tội ác chống lại loài người, triển khai quân đội cùng phương pháp giết người một cách công khai”, đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế - Joanne Mariner chỉ trích.

Chính quyền quân quản Myanmar từ chối bình luận về cáo buộc của Tổ chức Ân xá quốc tế.

Trước đó, quân đội nước này tuyên bố họ đã rất kiềm chế khi xử lý tình hình, nhưng Liên Hợp Quốc xác định tính đến nay đã có ít nhất 60 người biểu tình bị sát hại.

police-myanmar-gun-1615422158411.jpg
Tổ chức Ân xá quốc tế cáo buộc quân đội Myanmar dùng vũ khí chiến đấu - Ảnh: Rappler
hypatia-h_4e7806633d72a03248146f3db1711e99-h_0dd73e7e5a4064de775ace4f003f3686_preview.jpg
Đến nay đã có ít nhất 60 người biểu tình bị sát hại - Ảnh: Rappler

Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi dừng các vụ giết người và trả tự do cho những người bị giam giữ. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết gần 2.000 người đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.

Để biện minh cho việc tiếp quản chính quyền của mình, quân đội Myanmar viện dẫn cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Những lời cáo buộc đó đã bị Ủy ban bầu cử Myanmar bác bỏ.

Myanmar chìm trong hỗn loạn suốt hơn 1 tháng qua do đảo chính làm bùng nổ phong trào biểu tình đòi khôi phục nền dân chủ. Chiến dịch đàn áp và bắt bớ mà quân đội Myanmar thực hiện nhận phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Mới đây, Mỹ áp đặt thêm trừng phạt với hai người con của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing cùng 6 công ty mà họ kiểm soát.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon, hai con lớn của Min Aung Hlaing, vào danh sách đen.

Thống tướng Min Aung Hlaing là người lãnh đạo vụ đảo chính hôm 1.2, lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Ông cũng tự ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước, cơ quan lãnh đạo tối cao tại Myanmar được thành lập sau sự kiện.

Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken cảnh báo có thể có nhiều hành động trừng phạt hơn nữa, đồng thời lên án việc giam giữ hơn 1.700 người và các cuộc tấn công của lực lượng an ninh Myanmar nhằm vào những người biểu tình không vũ trang.

Ông Blinken tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại có thêm hành động chống lại những kẻ xúi giục bạo lực và đàn áp ý chí của người dân".

Đây động thái mới nhất trong một loạt các hành động trừng phạt mà Mỹ thực hiện nhằm vào quân đội Myanmar trong cuộc đảo chính - về cơ bản là đóng băng bất kỳ tài sản nào liên quan đến Mỹ và cấm người Mỹ giao dịch với người trong danh sách đen.

Vào tháng 1.2021, nhóm vận động Công lý cho Myanmar cho biết Min Aung Hlaing, người đã giữ chức tổng tư lệnh quân đội Myanmar từ năm 2011, đã "lạm dụng quyền lực của mình để làm lợi cho gia đình, những người đã hưởng lợi từ việc tiếp cận các nguồn lực của nhà nước và sự trừng phạt của quân đội".

Trong 6 công ty Myanmar bị Mỹ đưa vào danh sách đen có A&M Mahar, do Aung Pyae Sone, con trai của vị tướng này kiểm soát.

A&M cho phép các công ty dược phẩm nước ngoài tiếp cận thị trường Myanmar bằng cách nhận giấy phép từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Myanmar.

John Sifton, Giám đốc vận động châu Á tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ca ngợi động thái của Bộ Tài chính Mỹ vì đã đánh trực tiếp vào sự giàu có của Min Aung Hlaing, nhưng kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn.

"Đây không phải là loại hành động trừng phạt mà chúng tôi tin rằng sẽ dẫn đến thay đổi hành vi. Chúng tôi khuyến nghị họ tập trung vào các nguồn doanh thu đang diễn ra lớn hơn nhiều và nếu cắt bỏ sẽ gây đau đớn hơn nhiều cho quân đội với tư cách là một tổ chức", Sifton nói, đề cập đến doanh thu từ dầu và khí đốt do các dự án có sự tham gia của các công ty quốc tế.

Đến nay, Mỹ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt với các tập đoàn quân sự Myanmar Economic Corporation (MEC) và Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL). Đây là hai trong những tập đoàn được quân đội sử dụng để kiểm soát nền kinh tế rộng lớn của đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar dùng chiến thuật đánh trận đối phó biểu tình, Mỹ trừng phạt 2 con thống tướng