Suốt nhiều năm, quân đội Trung Quốc trang bị kỹ thuật kém nên yếu thế hơn Mỹ, nhưng nay khả năng quân sự đã tốt hơn, theo các cựu quan chức Mỹ và chuyên gia.

Quân đội Trung Quốc cố đuổi kịp Mỹ

Bảo Vĩnh | 06/08/2022, 20:49

Suốt nhiều năm, quân đội Trung Quốc trang bị kỹ thuật kém nên yếu thế hơn Mỹ, nhưng nay khả năng quân sự đã tốt hơn, theo các cựu quan chức Mỹ và chuyên gia.

Bà Michele Flournoy, cựu Trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói với kênh tin tức NBC ngày 5.8 (giờ Mỹ): “Thời thế nay đã khác hẳn. Đó là môi trường tranh chấp nhiều hơn và nguy hiểm hơn cho quân đội chúng ta”.

Thời Trung Quốc không thể địch lại Mỹ

Quân đội Trung Quốc (PLA) đã có cuộc chuyển mình từ giữa những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng bùng phát liên quan chuyến thăm Mỹ năm 1995 của nhà lãnh đạo Đài Loan lúc đó là ông Lý Đăng Huy. Chuyến thăm này dẫn đến phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh vốn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ.

Trong cuộc khủng hoảng 1995-1996 này, Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật cảnh cáo Đài Loan và phóng tên lửa vào vùng biển gần Đài Loan.

Nhưng quân đội Mỹ phản ứng lại bằng cuộc phô trương sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Việt Nam, đưa nhiều tàu chiến, trong đó có 2 tàu sân bay đến khu vực này, ngang cả eo biển Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, ông William Perry tuyên bố: “Bắc Kinh nên biết thế lực quân sự hùng mạnh nhất ở phía tây Thái Bình Dương là Mỹ”.

Khi ấy, PLA trang bị kỹ thuật kém, triển khai chậm, không thể so bì với quân đội Mỹ vốn có hai lực lượng không quân và hải quân có thể hoạt động xa tính từ bờ biển Trung Quốc. 

“Họ nhận ra họ dễ bị tổn thất, Mỹ có thể đưa tàu sân bay đến ngay trước mặt họ và họ không thể làm gì”, theo ông Matthew Kroenig, một quan chức tình báo và quốc phòng dưới thời 3 tổng thống Mỹ George Bush, Obama và Donald Trump. Ông nói Trung Quốc bị bất ngờ về trình độ công nghệ cao mà quân đội Mỹ đã thể hiện ở Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, nên quyết học cách tổ chức chiến tranh của Mỹ, nỗ lực đầu tư cho PLA nhằm tăng cường vị thế ở eo biển Đài Loan.

Trỗi dậy bằng mọi giá

Không như các vị tiền nhiệm, nhà lãnh đạo Trung Quốc nay có một thế lực quân sự lớn trong tay, nhất là tên lửa chống hạm, lực lượng hải quân lớn và không quân đã cải thiện khả năng.

Bắc Kinh đã rút được nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng Đài Loan 1995-1996, gồm cả việc cần có vệ tinh do thám cùng các hoạt động tình báo để phát hiện kẻ thù từ xa, cần một lực lượng không quân, hải quân có thể hoạt động xa bờ trên khắp vùng phía tây Thái Bình Dương, theo nhận định của David Finkelstein, chủ nhiệm mảng an ninh Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc viện nghiên cứu độc lập CNA.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) mô tả việc Trung Quốc vươn lên thành một thế lực quân sự hùng mạnh “giống như một cơn địa chấn chiến lược”.

Ông từng nói hồi năm ngoái: “Theo tôi, chúng ta đang chứng kiến một trong những sự biến chuyển lớn nhất trong sức mạnh địa chiến lược toàn cầu”.

Cựu tướng 4 sao James Stavridis, người từng là tư lệnh chỉ huy khối NATO và hiện là nhà phân tích của NBC, nói hải quân PLA hiện có nhiều tàu hơn Mỹ: “Dù tàu chiến Mỹ lớn hơn và hiện đại hơn, thủy thủ và chỉ huy nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng với Trung Quốc thì số lượng chính là chất lượng”.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang đóng tàu đổ bộ và trực thăng nhằm có thể tổ chức một cuộc chiến tranh tổng lực đánh chiếm Đài Loan, dù PLA có khả năng thực hiện cuộc chiến này hay không vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Matthew Funaiole, một chuyên gia về Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết trong cuộc khủng hoảng Đài Loan 1995-1996, Trung Quốc mất liên lạc với một quả tên lửa và họ quyết định tắt các hệ thống định vị toàn cầu liên kết với Mỹ, bởi cho rằng Trung Quốc không thể tin cậy công nghệ của các nước khác.

Còn bây giờ, các quan chức Mỹ và Đài Loan phải tính đến một quân đội Trung Quốc nhanh nhẹn và lợi hại hơn nhiều, có thể ngăn chặn Mỹ triển khai tàu chiến hoặc máy bay, thậm chí có thể hoạt động an toàn từ các căn cứ trong khu vực.

Nguy cơ từ sự tính toán sai của cả hai bên

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã khiến Trung Quốc phản ứng, tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật, bắn cả tên lửa đạn đạo, tức vượt quá tầm cỡ các cuộc tập trận của họ ở cuộc khủng hoảng Đài Loan lần trước.

Các cuộc tập trận lần này diễn ra ở 6 vùng biển quanh Đài Loan, có chỗ chỉ cách bờ biển Đài Loan khoảng 120km. Các chuyên gia nói trước đây Trung Quốc không có khả năng diễn tập lớn ở vùng biển phía đông Đài Loan.

Ngày 4.8, Trung Quốc phóng ít nhất 11 tên lửa đạn đạo gần Đài Loan, có một quả bay qua đảo này, theo các quan chức Đài Loan. Nhật Bản nói 5 tên lửa Trung Quốc đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Cựu quan chức tình báo Kroenig nói “đây là việc Trung Quốc không thể làm hồi năm 1995”.

Nhà Trắng hôm 4.8 cho biết tàu sân bay Ronald Reagan vẫn lưu lại trong khu vực eo biển Đài Loan để “giám sát tình hình” lúc Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby nói Mỹ đã hủy kế hoạch phóng thử một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để nhằm tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào.

Các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ nói dù Mỹ - Trung khẩu chiến dữ đội và gia tăng căng thẳng, Trung Quốc chưa tính phát động một cuộc chiến tranh chỉ vì chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, chỉ nhằm phô trương sức mạnh quân sự chứ chưa đánh chiếm Đài Loan.

Các chuyên gia và cựu quan chức Mỹ nói sức mạnh quân sự mới của Trung Quốc làm thay đổi các tính toán chiến lược của Mỹ và Đài Loan, làm tăng nguy cơ xung đột hoặc dẫn đến các tính toán sai.

Cũng có một nguy cơ là ông Tập Cận Bình xem thường sự kiên quyết của Mỹ, ông ta tin vào cơ hội chiếm hoặc bao vây Đài Loan trong vài năm tới trước khi khoản đầu tư của Mỹ vào vũ khí mới sẽ làm lệch cán cân quân sự, theo lời Flournoy, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Center for a New American Security. Bà Flournoy nói: “Tôi lo ngại Trung Quốc tính toán sai vì Bắc Kinh tiếp tục nhận định Mỹ đang suy yếu và tập trung giải quyết vấn đề trong nước. Sẽ rất nguy hiểm nếu đánh giá thấp đối thủ tiềm năng của mình”.

Theo bà, để ngăn chặn hậu quả đó, cả Đài Loan và Mỹ cần tăng cường lực lượng quân sự răn đe Bắc Kinh và cảnh báo cái giá phải trả nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan hoặc can thiệp chống lại Đài Loan.

Chuyên gia Finkelstein nói ông lo ngại các chuỗi sự cố “hành động - phản ứng” có thể dẫn đến một cuộc xung đột ngoài ý muốn, nguy cơ tính toán sai của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ đang rất cao. Ông nhận định để dập tắt căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc cần theo đuổi một cuộc đối thoại quyết liệt để hạ nhiệt, “cần nói chuyện với nhau liên tục”.

Theo NBC
Copy Link
Bài liên quan
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần Đài Loan
Một cuộc tập trận bắn đạn thật được Trung Quốc tổ chức vào ngày 30.7 gần đảo Bình Đàm (tỉnh Phúc Kiến) đối diện với Đài Loan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Trung Quốc cố đuổi kịp Mỹ