Giới phân tích nhận định cuộc tập trận quy mô lớn quanh đảo Đài Loan mà Trung Quốc tổ chức có thể gây ra gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7.8 ở 6 vùng biển xung quanh đảo Đài Loan. Tàu thuyền cùng máy bay dân sự được yêu cầu điều chỉnh lộ trình tránh vào nơi diễn ra hoạt động này.
Sáu vùng tập trận nằm dọc một số tuyến vận chuyển quan trọng đối với sản phẩm bán dẫn cùng thiết bị điện tử sản xuất ở “công xưởng” Đông Á cung cấp cho toàn cầu. Chúng cũng là tuyến vận chuyển khí đốt huyết mạch.
Theo dữ liệu của trang Bloomberg, gần một nửa số tàu container trên thế giới từng đi qua eo biển Đài Loan trong 7 tháng năm 2022. Nhà nghiên cứu James Char thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn bởi tàu thuyền điều chỉnh lộ trình.
Nhà phân tích Nick Marro thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế The Economist Intelligence Unit cũng lưu ý: “Việc đóng các tuyến vận chuyển này, dù là tạm thời, đem lại hậu quả không chỉ cho Đài Loan mà còn cho cả hoạt động thương mại gắn với Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Vài công ty vận chuyển cho biết họ đang chờ xem tập trận ảnh hưởng ra sao rồi mới quyết định điều chỉnh lộ trình tàu hàng hay không. Một số đơn vị lo ngại mùa bão sắp tới khiến việc điều chỉnh lộ trình của các tàu quanh bờ biển phía đông Đài Loan qua biển Philippines trở nên nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, một số công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch. Người phát ngôn Maersk China Bonnie Huang cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ tác động nào trong giai đoạn này và chúng tôi không hề dự định điều chỉnh lộ trình tàu”.
Không chỉ hàng hải, hàng không cũng bị ảnh hưởng. Trong 2 ngày qua, tại các sân bay lớn ở tỉnh Phúc Kiến có hơn 400 chuyến bay bị hủy. Phía Đài Loan cho biết tập trận làm gián đoạn 18 đường bay quốc tế đi qua vùng thông tin bay (FIR) của đảo tự trị.
Ngày 3.8, tờ Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) tuyên bố cuộc tập trận nhằm mục đích chứng tỏ quân đội Trung Quốc đủ khả năng phong tỏa toàn bộ Đài Loan.
Nhưng giới phân tích cho rằng khó khăn kinh tế mà Trung Quốc đang gặp phải không cho họ thực hiện hành động khiêu khích quá mức gây gián đoạn lớn với chuỗi cung ứng. Theo nhà nghiên cứu Char: “Đóng tuyến vận chuyển qua eo biển trong thời gian dài cũng khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại”.
Học giả Natasha Kassam thuộc Viện Nghiên cứu Lowy cho biết: “Cản trở di chuyển và thương mại dân sự trong khu vực không tốt cho lợi ích của Bắc Kinh”.
Chuyên gia Thomas Shugart thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nhận xét Trung Quốc đủ sức phong tỏa hàng không và hàng hải Đài Loan, nhưng quyết định có phong tỏa hay không còn tùy thuộc vào mức độ rủi ro kinh tế - chính trị mà giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng gánh chịu.