Sự cô lập quốc tế đang đẩy Moscow xích lại gần Bình Nhưỡng, làm dấy lên viễn cảnh rằng công nhân Triều Tiên có thể được tuyển dụng để tái thiết các khu vực bị chiến tranh tàn phá của Ukraine do Nga chiếm đóng.
Nga và Triều Tiên, cả hai đều bị bao vây bởi các chế tài kinh tế, dường như đang tìm cách giúp đỡ lẫn nhau trong khi phớt lờ trật tự dựa trên luật lệ mà cộng đồng quốc tế rộng rãi tán thành.
5 tháng sau khi tấn công Ukraine, Nga đang hứng chịu những đợt trừng phạt liên tiếp của Mỹ và các đối tác. Lần gần đây nhất là vào ngày 26.7 khi Anh công bố các chế tài mới đối với các quan chức Nga. Nhiều tuần trước đó, hôm 28.6, Mỹ đã nhắm mục tiêu vào 70 thực thể, trong đó có nhiều thực thể thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành vòng trừng phạt thứ 6, gồm cả Ngân hàng trung ương Nga, các quan chức hàng đầu và xuất khẩu dầu mỏ Nga, và hôm 17.7 đề nghị gói trừng phạt thứ 7 tác động đến vàng của Nga, mở rộng danh sách chế tài hàng hóa lưỡng dụng và công nghệ của Nga. Thiếu đồng minh, Moscow đã bắt đầu tìm kiếm các mối quan hệ kinh tế mới, trong đó có Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng lợi ích trong mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên, cả hai đều sẵn sàng phá vỡ các quy tắc và chuẩn mực do Mỹ và các nước cùng chí hướng thiết lập.
“Hai quốc gia thấy có sự tương đồng rõ rệt khi có chung lý do phản đối các lệnh trừng phạt và trật tự phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Rất có thể chúng ta sẽ thấy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và thậm chí là quân sự giữa Triều Tiên - Nga sẽ ngày càng sâu sắc hơn trong những tháng tới, khi cả hai nước đều phải đối mặt với sự cô lập trên toàn cầu", bà Patricia Kim, thành viên nghiên cứu Đông Á tại Viện Brookings (Mỹ) nhận định.
Theo chuyên gia an ninh Harry Kazianis, sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên “không có gì đáng ngạc nhiên vì cả Moscow và Bình Nhưỡng đều bị cô lập đến mức họ sẽ tìm cách bắt tay với nhau theo bất kỳ cách nào có thể được".
Các nhà phân tích cho rằng dù có lúc quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng xấu đi sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cuộc chiến tại Ukraine đang kéo họ xích lại gần nhau.
Truyền thông báo chí Triều Tiên hồi tháng 4 đã đăng tải bài về việc Nga đưa quân vào Ukraine: "Chúng tôi đang gửi sự ủng hộ hết mình và thể hiện tình đoàn kết đối với cuộc đấu tranh chính đáng của Nga để bảo vệ quyền tự chủ và an ninh của đất nước cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia".
Sự ủng hộ của Triều Tiên đối với Nga bước sang một giai đoạn mới vào ngày 14.7, khi Bình Nhưỡng chính thức công nhận hai khu vực ly khai nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk. Điều này khiến Kyiv cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui bày tỏ ý định phát triển "quan hệ bang giao" với các nước cộng hòa tự xưng. Lãnh đạo Donetsk là Denis Pushilin ca ngợi sự công nhận của Triều Tiên là "thành tựu ngoại giao" cho khu vực và bày tỏ hy vọng về "sự hợp tác tích cực và hiệu quả".
Moscow hài lòng với động thái ấy của Bình Nhưỡng. Phó Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia về các vấn đề của cộng đồng các quốc gia độc lập Kazbek Taysaev gọi Triều Tiên là "một đối tác chiến lược rất lớn đối với Nga". Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết quyết định của Triều Tiên được coi là tích cực ở Moscow.
Đáng chú ý, đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora hôm 19.7 cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Nga Izvestia rằng công nhân Triều Tiên có thể giúp Nga trong nỗ lực tái thiết vùng Donbas.
"Họ có trình độ cao, chăm chỉ và sẵn sàng làm việc trong những điều kiện khó khăn nhất, và họ sẽ có nhiệm vụ nghiêm túc là khôi phục các cơ sở xã hội, cơ sở hạ tầng và công nghiệp ở Donbas vốn đã bị phá hủy bởi lực lượng Ukraine", ông Matsegora nói.
Đại sứ Matsegora nói rằng Triều Tiên và hai nước cộng hòa ly khai có "triển vọng hợp tác song phương rộng rãi" và dự kiến sẽ sớm thiết lập quan hệ thương mại cùng có lợi.
Được biết Bình Nhưỡng từ lâu đã phái công nhân Triều Tiên tới Nga để kiếm tiền gửi về nước. Mỹ ước tính 30.000 công nhân Triều Tiên đã ở Nga trước khi Liên Hợp Quốc ban hành lệnh trừng phạt. Nhiều người vẫn ở lại Nga và làm việc bằng thị thực du lịch hoặc sinh viên. Trong một báo cáo đệ trình Liên Hợp Quốc vào tháng 3.2020, Nga thừa nhận 511 người Triều Tiên còn ở lại Nga.
Theo báo cáo của Daily NK (Hàn Quốc) được đăng tải hôm 1.8, các nhà chức trách Triều Tiên đang có kế hoạch cử khoảng 1.000 công nhân hiện làm việc tại Nga đến khu vực Donbas.
Andrei Lankov, Giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, cho biết nền kinh tế Nga và Triều Tiên phần lớn không tương thích trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng một ngoại lệ quan trọng là lao động.
“Tôi nghĩ rằng nhiều công nhân Triều Tiên, đặc biệt là công nhân xây dựng, sẽ được điều động đến các nước cộng hòa ly khai vùng Donbas và điều này sẽ có lợi cho cả hai bên. Người Nga sẽ nhận được lao động rẻ, sẵn sàng làm việc giữa các bãi mìn và đạn pháo chưa nổ. Chính phủ Triều Tiên sẽ có thêm nguồn tiền và những người lao động có thể kiếm được khoản tiền mà họ không bao giờ mơ tới khi còn ở Triều Tiên", ông Lankov nhận định.
Nhưng Sangsoo Lee, người đứng đầu Trung tâm Hàn Quốc thuộc Viện Chính sách an ninh và phát triển Stockholm, nói rằng "việc đưa người lao động Triều Tiên ra nước ngoài là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, và phát biểu của đại sứ Nga nhằm làm suy yếu một cách trắng trợn các nghị quyết của Liên Hợp Quốc".
Cả Nga và Trung Quốc đều cho phép người lao động Triều Tiên ở quá hạn thị thực, vi phạm rõ ràng các nghị quyết, theo Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, Nga tỏ ra không quan tâm đến các lệnh trừng phạt hoặc các lệnh cấm khác mà cộng đồng quốc tế đưa ra đối với Triều Tiên. Đại sứ Matsegora lưu ý rằng có rất nhiều hàng hóa mà các nước cộng hòa và Triều Tiên có thể giao dịch.
Các cuộc thảo luận về chủ đề này tiếp tục được duy trì trong cuộc hội đàm giữa Sin Hong Chol, đại sứ Triều Tiên tại Nga và Olga Makeyeva, phái viên của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tại Nga vào tuần trước. "Hai bên đã thảo luận về sự phát triển của quan hệ song phương trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả hợp tác kinh tế", phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên cho biết.