Kế hoạch của Đức nhằm dẫn đầu các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, dường như đang đối mặt với nguy cơ bị đình trệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn nền kinh tế thế giới.

Quan hệ EU - Trung Quốc xa dần vì COVID-19

12/05/2020, 16:11

Kế hoạch của Đức nhằm dẫn đầu các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, dường như đang đối mặt với nguy cơ bị đình trệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn nền kinh tế thế giới.

COVID-19 đang cản trở hợp tác giữa EU và Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo SCMP, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên kế hoạch tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Leipzig vào tháng 9 để họp thượng đỉnh cùng với 27 nguyên thủ các nước, chủ tịch ủy ban và hội đồng EU. Tuy nhiên, cuộc họp trên đã không được liệt kê trong đề cương nghị sự chính thức của Đức về các ưu tiên cho nhiệm kỳ chủ tịch của Hội đồng EU trong nửa cuối năm nay.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cuối tuần qua cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu hội nghị thượng đỉnh với ông Tập có diễn ra hay không. Một nguồn tin ngoại giao EU nói với SCMP cũng có quan điểm tương tự, cho rằng: “Cuộc họp chưa được quyết định sẽ diễn ra theo hình thức gặp trực tiếp hay trực tuyến. Quyết định về vấn đề này sẽ có thể được đưa ra sau tháng 6”.

Đức hiện đang sẵn sàng tập trung vào cuộc chiến chống lại COVID-19, ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2, mở cửa lại kinh tế và lên kế hoạch xử lý với những dự đoán về tình trạng kinh tế không mấy tích cực hậu đại dịch.

Nhìn chung, các nền kinh tế của khu vực đồng euro được cho là sẽ sụt giảm khoảng 7,75% trong năm nay, xấu hơn nhiều so với mức giảm 4,5% vào thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

“EU đang trải qua một cú sốc kinh tế chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc Đại suy thoái”, Ủy viên Kinh tế EU Cameron Gentiloni cho biết tuần trước.

Một số nhà quan sát lo ngại sự bất ổn về kinh tế có thể sẽ khiến khối EU mất đi lợi thế trước Trung Quốc trong việc đàm phán các thỏa thuận bảo hộ đầu tư nhằm tạo ra “thị trường bình đẳng” cho các công ty châu Âu ở Trung Quốc.

Với việc nền kinh tế Trung Quốc được cho là có thể hồi phục nhanh hơn so với châu Âu sau đại dịch, sẽ có ít sự khuyến khích nào đối với Bắc Kinh để nhượng bộ về các vấn đề như tiếp cận thị trường rộng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện các nhóm đàm phán của EU và Trung Quốc đều đang liên lạc và thương lượng. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tháng trước đã có một cuộc đối thoại với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis.

“Việc trao đổi với Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn nhưng phía Bắc Kinh luôn rất cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới tiếp cận thị trường”, một nguồn thạo tin từ EU cho nói với SCMP.

Theo Ủy ban Thương mại EU tại Trung Quốc, thách thức lớn nhất mà các công ty châu Âu đối mặt là các điều khoản pháp lý ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc so với các công ty tư nhân, hay ưu tiên hơn cho công ty trong nước so với công ty nước ngoài.

Nếu hội nghị thượng đỉnh với ông Tập ở Leipzig bị hủy, động lực cho một thỏa thuận dự kiến được ký vào cuối năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng hủy chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3 vì COVID-19.

Một trở ngại khác cho triển vọng hợp tác giữa châu Âu và Trung Quốc nổi lên gần đây là phản ứng chỉ trích ngày càng gia tăng liên quan tới cách thức Bắc Kinh xử lý dịch COVID-19. Ngoại trưởng Pháp đã triệu tập đại sứ Trung Quốc vì cáo buộc phía Bắc Kinh cung cấp thông tin không chính xác về nỗ lực chống dịch của chính quyền Paris. Trong khi, chính phủ Thụy Điển kêu gọi điều tra về cách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng y tế. Khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề nhất của Ý, vùng Lombardy thậm chí còn cảnh báo sẽ kiện Trung Quốc.

Ban lãnh đạo EU cũng đã tham gia “dàn hợp xướng” lên án Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen, người kêu gọi mở cuộc điều tra nguồn gốc của COVID-19. EU cũng vận động hành lang cho một dự thảo nghị quyết tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu một cuộc điều tra. Ngoài ra, nữ lãnh đạo của ủy ban EU cũng cam kết sẽ “xác định lại mối quan hệ giữa EU với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới” mà khối này coi là “đối thủ mang tính hệ thống” và “đối thủ cạnh tranh chiến lược”.

Người đứng đầu cơ quan phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell cho rằng Liên minh châu Âu đã “có chút ngây thơ” về vấn đề Trung Quốc. Trong khi đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao của Đức Heiko Maas nhận định rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy sự cần thiết của việc đồng lòng lên tiếng trước mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.

Đáng chú ý, đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis tuần trước đã bị chỉ trích sau khi ông tiết lộ rằng đã phải chịu áp lực từ Bắc Kinh để đồng ý cho tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc - China Daily sửa đổi ý kiến của các nhà ngoại giao EU trong một bài viết trước khi được đăng tải. Đoạn bị xóa đi đã đề cập tới việc COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Reuters: ByteDance muốn đóng cửa TikTok ở Mỹ thay vì bán
ByteDance muốn đóng cửa TikTok thay vì bán nó nếu sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý nhưng không thể chống lại luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ, theo 4 nguồn tin của Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ EU - Trung Quốc xa dần vì COVID-19