Ngày 24.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công nhận vụ sát hại 1,5 triệu Armenia gây ra bởi đế chế Ottoman đầu thế kỷ 20 là tội ác diệt chủng.

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì vụ thảm sát người Armenia

Cẩm Bình | 25/04/2021, 10:40

Ngày 24.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công nhận vụ sát hại 1,5 triệu Armenia gây ra bởi đế chế Ottoman đầu thế kỷ 20 là tội ác diệt chủng.

“Người dân Mỹ trân trọng những người Armenia thiệt mạng trong đợt diệt chủng 106 năm trước. Chúng tôi chứng thực lịch sử. Chúng tôi làm điều này không phải để đổ lỗi mà để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ lặp lại”, Tổng thống Biden tuyên bố.

Tuyên bố trên có ý nghĩa lớn vì ông Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận như vậy. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngay sau đó gửi thư tỏ ý hoan nghênh: “Công nhân tội ác diệt chủng không chỉ là sự tôn trọng dành cho 1,5 triệu nạn nhân mà còn giúp ngăn chặn tội ác tương tự xảy ra lần nữa”.

biden.jpg
Ông Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận vụ sát hại 1,5 triệu Armenia gây ra bởi đế chế Ottoman đầu thế kỷ 20 là tội ác diệt chủng - Ảnh: Twitter

Phía Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia kế thừa đế chế Ottoman) lập tức đưa ra phản ứng. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu viết trên Twitter: “Lời nói không thể thay đổi hay viết lại lịch sử. Chúng tôi không học lịch sử của chính mình qua bất cứ ai. Chủ nghĩa cơ hội chính trị là kẻ phản bội lớn nhất đối với hòa bình và công lý. Chúng tôi bác bỏ tuyên bố hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa dân túy này”.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng triệu tập Đại sứ Mỹ tại Ankara David Satterfield để phản đối. Họ xem đây là tuyên bố thiếu cơ sở pháp lý không thể chấp nhận, gây ra vết thương khó chữa lành cho quan hệ song phương.

Giai đoạn 1915 - 1923, hơn 1,5 triệu người Armenia bị trục xuất, sát hại hoặc đày đọa đến chết. đến nay đã có 30 quốc gia công nhận vụ việc là tội ác diệt chủng dù Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý.

arme.jpg
Đã có 30 quốc gia công nhận vụ sát hại 1,5 triệu người Armenia là tội ác diệt chủng - Ảnh: Getty Images

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Nhiều đời Tổng thống Mỹ trước tránh gọi sự kiện bắt đầu năm 1915 là diệt chủng nhằm gìn giữ mối quan hệ.

Một số nghị sĩ Mỹ đánh giá động thái mới nhất cho thấy Tổng thống Biden đặt nhân quyền ở vị trí trọng tâm trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên cũng có ý kiến nhận xét làm vậy khiến quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên tồi tệ hơn nữa.

Dù cùng là thành viên NATO, nhưng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, lực lượng dân quân Kurd trên lãnh thổ Syria.

Tổng thống Biden được cho đã trao đổi với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan trước khi tuyên bố công nhận vụ sát hại 1,5 triệu người Armenia là tội ác diệt chủng. Hai ông dự kiến gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 6 tới, bàn về cách kiểm soát bất đồng.

Chưa rõ động thái trên ảnh hưởng ra sao đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia. Đại sứ Azerbaijan tại Mỹ Elin Suleymanov cho rằng công nhận vụ sát hại 1,5 triệu người Armenia là tội ác diệt chủng chẳng giúp Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia bình thường hóa quan hệ và cũng không có ích cho khu vực.

Bài liên quan
Mỹ nhận hồ sơ điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời Việt Nam
Phía Mỹ đã nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì vụ thảm sát người Armenia