Năm 2021 chứng kiến quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng với hàng loạt chính sách thương mại, quốc phòng, ngoại giao mang tính đối đầu.
Xu hướng này có vẻ sẽ kéo dài sang năm 2022. Tại Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa dù chia rẽ sâu sắc nhưng đều nhất trí rằng không thể mềm mỏng với Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị củng cố quyền lực qua một kỳ đại hội đảng năm sau, qua đó đảm bảo mọi đảng viên đều ủng hộ chính sách cứng rắn của người đứng đầu.
Đối đầu ngay thềm năm mới
Olympic Bắc Kinh mở đầu cho năm 2022 đầy căng thẳng. Mỹ đã quyết định không cử quan chức sang Trung Quốc tham dự; Anh, Úc, Canada, New Zealand đều hưởng ứng. Trung Quốc cảnh báo nước nào tẩy chay Olympic Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu hậu quả.
Căng thẳng nhiều khả năng gia tăng khi tháng 2 - thời điểm Olympic Bắc Kinh diễn ra - đến gần. Mỹ chắc chắn dùng động thái tẩy chay nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến chính sách mà Trung Quốc thực hiện ở Tân Cương.
Tại Hồng Kông, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực lên quyền tự do dân chủ của đặc khu, đẩy mạnh thực thi luật an ninh quốc gia – một điểm nóng về nhân quyền khác trong quan hệ Mỹ - Trung.
Nhà bình luận chính trị Wu Qiang, sống tại Bắc Kinh nhận định: “Tôi tin căng thẳng Mỹ - Trung về nhân quyền, địa chính trị, an ninh còn kéo dài sang năm 2022. Tôi không nghĩ giới lãnh đạo 2 nước sẽ có biện pháp hữu hiệu gì để giảm căng thẳng, nhưng sẽ tìm cách kiểm soát nó”.
Vấn đề Đài Loan
Đài Loan năm qua luôn cảnh giác cao độ khi Trung Quốc thường xuyên cho máy bay quân sự tiếp cận không phận, với quy mô lớn hơn những đợt xâm phạm năm ngoái.
Năm 2021, Mỹ khiến Trung Quốc tức giận khi cho phép nhiều đoàn nghị sĩ sang thăm Đài Loan phi chính thức. Washington cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ chính quyền Đài Loan đương nhiệm.
Dưới thời Chủ tịch Tập, Trung Quốc không ngừng theo đuổi chính sách thống nhất “không thể tránh khỏi”. Vì vậy Bắc Kinh trong năm tới chắc chắn vẫn phản đối công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, đồng thời duy trì nỗ lực ngăn đảo tự trị tham gia các tổ chức quốc tế.
Khi căng thẳng ở eo biển Đài Loan kéo dài, khả năng Trung Quốc tiến hành thống nhất bằng vũ lực được xem là “sự kiện tiềm ẩn” làm bùng nổ xung đột vũ trang Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, học giả Bonnie Glaser thuộc Quỹ Marshall (Đức) cho rằng, nguy cơ Trung Quốc tiến hành thống nhất bằng vũ lực ngay trước lúc diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc là rất thấp.
Về vấn đề Biển Đông, Mỹ cùng đồng minh sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại đây. Trung Quốc vẫn âm thầm tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng xung đột trên Biển Đông là điều mà 2 bên đều muốn tránh.
Đối đầu ở lĩnh vực công nghệ
An ninh mạng sẽ là vấn đề lớn chi phối cả chính sách kinh tế lẫn chính sách quân sự. Năm 2021, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau những vụ tấn công mạng đánh cắp dữ liệu lớn, đồng thời phản đối triển khai công nghệ viễn thông thế hệ mới - đặc biệt là 5G - của Trung Quốc trên toàn cầu.
Sang năm 2022, Mỹ có thể vẫn muốn cô lập Trung Quốc với thế giới ở phương diện công nghệ. Washington sẽ không từ bỏ việc khiến doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó trong tiếp cận linh kiện Mỹ.
“Mỹ chỉ mới bắt đầu siết chặt hạn chế với chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, năm 2022 sẽ có nhiều hành động hơn nữa”, theo học giả Glaser.
Bà cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch khắc phục những lỗ hổng về quy định từng giúp SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc) mua công nghệ quan trọng của Mỹ, danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ sắp bổ sung thêm nhiều tên doanh nghiệp Trung Quốc, biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc cũng được Mỹ bàn bạc cùng đồng minh.
Đối đầu vẫn giữ vai trò chủ đạo
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến chậm lại trong năm 2022, một số ước tính dự báo chỉ khoảng 5%. Tình trạng này buộc Trung Quốc phải thương lượng với Mỹ để giảm bớt rào cản thương mại đặt ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Ở lần làm việc trực tuyến tháng trước, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập cam kết quản lý mối quan hệ cạnh tranh giữa 2 nước trong tương lai. Nhưng giới quan sát vẫn hoài nghi khả năng 2 nước "thân thiện" trong việc hợp tác giải quyết bất đồng.
Nhà kinh tế Shen Ling thuộc đại học Khoa học - Công nghệ Hoa Đông nhận định: “Tôi nghĩ căng thẳng kinh tế - thương mại giảm bớt có thể chỉ là tạm thời, vì đối đầu vẫn giữ vai trò chủ đạo. Vì sức mạnh kinh tế giữa 2 nước thay đổi, Trung Quốc gần bắt kịp Mỹ về mặt kinh tế, nên quan hệ song phương sẽ thiên về cạnh tranh hơn là hợp tác”.