Khi giới tình báo Mỹ ghi nhận dấu hiệu Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công Ukraine, Tổng thống Joe Biden lập tức chỉ đạo hành động nhanh.

Ông Biden hành động nhanh trong vấn đề Ukraine vì sợ lặp lại sai lầm năm 2014

Cẩm Bình | 22/12/2021, 07:39

Khi giới tình báo Mỹ ghi nhận dấu hiệu Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công Ukraine, Tổng thống Joe Biden lập tức chỉ đạo hành động nhanh.

Một quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ với đài CNN rằng vì lo ngại lặp lại sai lầm năm 2014 – khi Washington và châu Âu mất cảnh giác để Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Biden yêu cầu đội ngũ an ninh quốc gia dùng mọi công cụ khả dĩ để răn đe người đồng cấp Vladimir Putin, mặc dù giới tình báo đánh giá phải vài tháng nữa một cuộc tấn công mới có thể xảy ra.

“Những gì chúng tôi thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi chỉ có khoảng thời gian 4 tuần xử lý tình hình”, vị quan chức Mỹ cấp cao cho biết.

Mỹ bắt đầu bằng loạt hoạt động ngoại giao vào đầu mùa thu trong đó có chuyến thăm Moscow của Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Bill Burns, trực tiếp cảnh báo Tổng thống Putin không nên làm gì Ukraine.

Nhưng khi Nga vẫn tiếp tục tăng thêm quân đến biên giới giáp Ukraine, chính sách ngoại giao âm thầm nhanh chóng biến thành cảnh báo công khai nói rõ Nga phải lùi bước nếu không sẽ phải đối mặt với trừng phạt hoặc hỗ trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine. Nhiều quan chức Mỹ hàng đầu nhấn mạnh hậu quả cho lần này có thể vượt qua bất cứ điều gì Nga từng hứng chịu sau sự kiện sáp nhập Crimea 2014.

Theo một quan chức Nhà Trắng: “Trừng phạt chúng tôi áp đặt năm 2014 chủ yếu nhằm kiềm hãm sự phát triển trong trung và dài hạn của vài công ty quốc doanh Nga bằng cách ngăn họ tiếp cận thị trường vốn cùng công nghệ Mỹ. Còn ở hiện tại, loạt phương án chúng tôi cân nhắc thực hiện sẽ nặng nề, gây tác động lập tức và đáng kể lên nền kinh tế lẫn hệ thống tài chính Nga”.

maxar-russia-military-ukraine.jpg
Ảnh vệ tinh cho thấy lượng lớn khí tài tập trung ở trung tâm huấn luyện Pogorovo (Nga) cách biên giới Ukraine khoảng 100 dặm - Ảnh: Maxar

Rút kinh nghiệm từ quá khứ

Giới tình báo Mỹ bị chỉ trích nặng nề khi thất bại trong dự báo việc Nga sáp nhập Crimea. Sau sự kiện chấn động, ông Biden - lúc đó đang giữ chức Phó tổng thống - chủ trương trang bị khí tài cho Ukraine và trừng phạt Nga thật nghiêm khắc, nhưng phần lớn đề xuất đều bị Tổng thống Barack Obama bác bỏ.

Giờ đây đã nắm quyền, Tổng thống Biden muốn hành động khác. Hạ nghị sĩ Tom Malinowski - cựu quan chức phụ trách nhân quyền dưới thời Tổng thống Obama - nhận xét chính quyền đương nhiệm chủ động hơn nhiều.

Vậy là Mỹ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về động tĩnh phía Nga cho Ukraine, một phần vì chính quyền quốc gia Đông Âu hiện tại trở nên đáng tin cậy hơn, ngoài ra cũng Tổng thống Biden tin rằng Ukraine không thể bị loại khỏi bất cứ cuộc đàm phán nào quyết định đến tương lai của chính họ.

Vài quan chức châu Âu tiết lộ không chỉ Ukraine, Mỹ còn sớm cung cấp tin tình báo cho NATO, G7 cùng các đồng minh châu Âu.

Một cựu quan chức NATO nhận xét: “Tôi không thấy mức độ hợp tác như thế này vào năm 2014. Chính quyền Mỹ đương nhiệm áp dụng cách tiếp cận đa phương hơn nhiều. Đây là nét mới, kết quả của nỗ lực tận dụng loạt hoạt động tích cực thực hiện trong thời gian đại dịch diễn ra để tăng gắn kết chính trị và trao đổi thông tin”.

Hạ nghị sĩ Malinowski cùng vài nhà phân tích lưu ý rằng tình hình hiện tại khác rất nhiều so với tình hình năm 2014.

Theo hạ nghị sĩ Malinowsk, lực lượng mà Nga hiện chuẩn bị đạt quy mô của một xâm lược toàn lực. Học giả Michael Kofman - chuyên gia nghiên cứu Nga thuộc tổ chức CNA - cũng đánh giá năng lực, cơ cấu lực lượng và thế trận của quân đội Nga đã khác với giai đoạn 2014 - 2015.

Cựu quan chức NATO cho biết Mỹ cùng đồng minh hiểu rõ điều này: “Chúng tôi đã tăng cường khả năng tình báo, tăng cường thế trận ở mặt phía đông, dùng hình ảnh vệ tinh tốt hơn, gắn kết chính trị hơn. Tất cả cho phép Mỹ cùng đồng minh nhận được cảnh báo tốt hơn”.

11-su34-aircraft-morozovsk-airbase-russia-27march2021.jpg
Những chiến đấu cơ Su-34 đồn trú ở căn cứ Morozovsk cách biên giới Ukraine không xa - Ảnh: Maxar

Vẫn còn sai sót

Tuy nhiên, một vài quan chức cho rằng một số sai lầm vẫn bị lặp lại, và Nga không quá e ngại đe dọa từ Mỹ.

Tướng Ben Hodges - cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu (2014 - 2017) - nhận xét: “Tôi thấy mọi thứ được thực hiện tốt hơn khi họ nhìn nhận mối đe dọa từ Nga một cách nghiêm túc và hợp tác rất chặt chẽ với đồng minh. Nhưng Nhà Trắng còn gửi đi nhiều thông điệp hỗn loạn và có vài sai sót mà Điện Kremlin rất vui mừng khi nhìn thấy – chẳng hạn như việc Tổng thống Biden nói rõ chưa từng xem xét phương án triển khai trực tiếp lực lượng sang Ukraine. Tôi đồng ý hiện chưa phải lúc thực hiện hành động quân sự, nhưng tại sao lại công khai tuyên bố? Đây rõ ràng là một nhượng bộ dù phía Nga liên tục nâng cao đòi hỏi”.

Tuyên bố chưa từng xem xét phương án triển khai trực tiếp lực lượng sang Ukraine càng khiến Nga tin rằng sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ không muốn sa lầy vào một cuộc chiến ở nước ngoài khác. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng e ngại cung cấp khí tài nhạy cảm (chẳng hạn hệ thống tên lửa phòng không) cho Ukraine có thể bị xem là khiêu khích ngay lúc Mỹ cùng đồng minh muốn thuyết phục Nga giảm leo tham căng thẳng.

Cựu Tổng thống Obama cũng từ chối cung cấp vũ khí mạnh cho Ukraine. Sự kiềm chế chẳng có tác dụng gì, Nga không hề từ bỏ Crima, phe li khai ở miền đông Ukraine do Nga hậu thuẫn vẫn tiến hành tấn công chống đối chính quyền.

“Điều duy nhất khiêu khích Nga là chúng ta trông yếu ớt và rời rạc”, theo tướng Hodges.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá cao hỗ trợ quân sự mà Mỹ đã dành cho họ, nhưng đánh giá rằng mức độ hỗ trợ hiện tại chỉ đủ sức đối phó tấn công như năm 2014 hay tấn công do lực lượng Nga ủy nhiệm thực hiện, chứ không thể nào chống lại đợt tấn công ở quy mô Nga dường như đang chuẩn bị lúc này.

“Công nghệ phòng thủ tên lửa và phòng không khẩn cấp là cần thiết để đối đầu với cuộc tấn công tổng lực của Nga”, cố vấn kêu gọi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Biden hành động nhanh trong vấn đề Ukraine vì sợ lặp lại sai lầm năm 2014