Những kẻ khủng bố trong thời hiện đại có loại công cụ bí mật cho phép chúng che giấu thông tin trước cơ quan tình báo. Đó là công nghệ.
Sau hàng loạt cuộc tấn công bất ngờ tại nhiều nơi trên thế giới, các quan chức chống khủng bố tin rằng ngày càng khó khăn hơn để theo dõi bọn khủng bố IS. Những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã “ẩn mình trong bóng tối” thông qua việc sử dụng các tin nhắn và ứng dụng được mã hóa.
Việc mã hóa một tin nhắn được gửi đi để người khác không thể đọc được đã trở nên lạc hậu, tương tự như suy nghĩ của người Ai Cập, mật mã thông thường hay mật mã Caesar. Hiện nay, sự phát triển của internet và tiến bộ công nghệ dẫn tới những bước tiến mới trong hoạt động mã hóa. Hầu hết các chương trình mã hóa chuyển đổi thông tin thành một chuỗi các chữ cái và số, chỉ có thể giải mã bằng thứ “chìa khóa” duy nhất.
Một thông điệp truyền đi với nhiều mã khác nhau và mỗi phương pháp mã hóa chỉ có một cách giải mã tương ứng, khiến cho nó gần như không thể bị bẻ gãy hay đánh cắp thông tin.
Thông thường, người ta sử dụng mã hóa đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, như việc mua hàng hay giao dịch với ngân hàng. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu trong các hoạt động này có thể được dùng để thu thập thông tin của người dùng. Do đó, các phần mềm như Tor- ban đầu được phát triển bởi chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ thông tin tình báo tư nhân, sử dụng một kết nối ẩn danh trên máy chủ để tạo ra không gian truy cập riêng, nơi mọi người có thể online nhưng không bị phát hiện.
Ứng dụng mã hóa như Apple iMessage, WhatsApp, Signal và Telegram đều sử dụng chuẩn mã hóa đầu nối (End to End), chỉ có người gửi và người nhận thông điệp mới có thể nhìn thấy chúng. Một số trong những ứng dụng kể trên được cài đặt, cho phép các tin nhắn biến mất sau một thời gian nhất định hoặc ngăn chặn thông điệp được chuyển tiếp đến một tài khoản khác.
Các nhóm khủng bố đã cố gắng mã hóa thông tin của chúng trong nhiều năm qua. Và gần đây, công nghệ này trở nên an toàn và dễ tiếp cận hơn, mang lại nhiều ứng dụng cho lực lượng khủng bố. Do đó, cơ quan tình báo của các nước muốn các công ty công nghệ cao để lại một lỗ hổng, hay “cửa sau” trong chương trình của họ. Từ đó họ sẽ giải mã các tin nhắn trong trường hợp cần thiết.
Hàn Giang (theo Reuters)