Cơ quan soạn thảo có xu hướng quản lý theo kiểu lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới. “Chiếc mào” của taxi trong trường hợp này thể hiện một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu của người làm chính sách”, luật sư Nguyễn Tiến Sơn chia sẻ nhận định.

Quản 'taxi công nghệ': Đừng lấy chuẩn mực cũ áp vào cái mới

29/04/2019, 16:58

Cơ quan soạn thảo có xu hướng quản lý theo kiểu lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới. “Chiếc mào” của taxi trong trường hợp này thể hiện một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu của người làm chính sách”, luật sư Nguyễn Tiến Sơn chia sẻ nhận định.

Nhiều tranh cãi quanh dự thảo Nghị định 86 của Bộ GTVT - Ảnh minh họa

Nói đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, luật sư Nguyễn Tiến Sơn từ Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục yêu cầu các phương thức kinh doanh theo phương thức kiểu mới phải “đeo mào” (lắp hộp đèn trên nóc xe).

Theo ông Sơn, dự thảo vẫn gom tất cả các phương thức kinh doanh vào một giỏ và từ nay các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống và phương thức công nghệ như Grab, FastGo, Be, Vato, Aber, Vinasun, Mai Linh... đều bị coi là taxi, phải hoạt động như taxi và chịu cách quản lý như nhau. Điều này là sai về khái niệm bởi ai cũng biết “vận tải” rộng hơn “taxi” rất nhiều.

“Cơ quan soạn thảo có xu hướng quản lý theo kiểu lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới. “Chiếc mào” của taxi trong trường hợp này thể hiện một tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu của người làm chính sách”, ông Sơn nói.

Luật sư này cũng nhấn mạnh, làm chính sách theo kiểu “dễ cho mình, khó cho người" như vậy chẳng những không thể đáp ứng được mục tiêu quan lý nhà nước mà còn khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí và kéo lùi sự phát triển của các loại hình công nghệ thời 4.0. Tại sao dự thảo không tiếp cận theo hướng cởi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống mà lại “đeo thêm đá” cho taxi công nghệ?

Cũng theo ông Sơn, cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức mạch lạc với câu hỏi: Mục đích của quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình là gì? Là bảo vệ quyền lợi của người dân - người tiêu dùng, hay bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp truyền thống?

“Nếu câu trả lời là bảo vệ quyền lợi của người dân - người tiêu dùng, các chính sách quản lý nhà nước sẽ mạch lạc, nhất quán. Còn nếu câu trả lời là bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp truyền thống, các cơ quan quản lý sẽ rất lúng túng, các chính sách rất dễ bị lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm chi phối”, ông Sơn nêu.

Luật sư Sơn cho rằng cần phải thay đổi cách nhìn về Grab, Uber... vì nhiều người đang nhìn nhận Grab như một doanh nghiệp vận tải đơn thuần nhưng thật ra không phải vậy. Tại Việt Nam, Grab là đại diện cho một xu thế kinh doanh hoàn toàn mới.

“Hôm nay, nếu chúng ta vẫn tiếp tục gò ép các phương thức kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ vào khuôn khổ pháp lý dành cho các phương thức kinh doanh truyền thống thì sau này có “doanh nghiệp 4.0” nào dám vào Việt Nam không? Tôi nghĩ là không bởi không một doanh nghiệp nào muốn đầu tư kinh doanh tại một môi trường có quá nhiều rủi ro chính sách”, ông Sơn nêu.

Do đó, thay vì tìm cách siết chặt các loại hình kinh doanh dựa trên phương thức kinh doanh kiểu mới chúng ta nên gỡ bỏ toàn bộ những điều kiện kinh doanh mang tính chất ràng buộc đối với các phương thức kinh doanh kiểu cũ, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng trước hết phải khẳng định Grab, Uber… là taxi công nghệ. Bản chất của nó là vận tải hành khách đơn lẻ theo yêu cầu. Việc xem nó là taxi cũng là để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

“Tôi cho rằng cần phải có những dấu hiệu phân biệt taxi công nghệ để cạnh tranh một cách bình đẳng đối với taxi thông thường, tuy nhiên có thể không cần thiết phải gắn mào, vì đây là kinh tế chia sẻ, họ tranh thủ thời gian để chở khách, nhưng cần phải có dấu hiệu phân biệt”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, việc nhận diện taxi công nghệ còn là để công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Có nhiều đoạn đường cấm taxi nhưng không cấm taxi công nghệ, điều này dẫn đến tình trạng thiếu công bằng đối với taxi truyền thống dù hai bên đều là kinh doanh taxi. Do đó, cần phải có dấu hiệu nào đó để dễ dàng nhận diện được đây là taxi công nghệ, đang chở khách, để công bằng với taxi truyền thống.

Chuyên gia Thịnh cho rằng taxi truyền thống và taxi công nghệ hiện được quản lý theo 2 cách khác nhau. Do đó cơ quan chức năng cần thống nhất về phương pháp quản lý, cùng với đó là phát huy được thế mạnh của kinh tế chia sẻ. Theo đó, cần phải sửa đổi chính sách để điều kiện kinh doanh, thuế… của taxi truyền thống phải được nhẹ nhàng như taxi công nghệ, để 2 loại hình kinh doanh này không tị nạnh lẫn nhau.

Trong văn bản góp ý của mình, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT bỏ điểm c khoản 1 điều 7 dự thảo Nghị định quy định "Xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có bảng điện tử với chữ xe "Xe hợp đồng...".

Theo Bộ Tư pháp, do điểm a, điểm b khoản 1 điều 7 dự thảo Nghị định đã quy định tất cả các loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu "Xe hợp đồng", vì vậy việc quy định như tại điểm c khoản 1 điều 7 dự thảo Nghị định là không cần thiết.

Chung quan điểm, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi. Theo VCCI, quy định này không nhằm mục đích quản lý nào (nếu quản lý loại hình kinh doanh thì đã có phù hiệu), đồng thời không phục vụ mục đích nhận diện khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường.

“Trong khi đó quy định này lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn), đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh. Ví dụ, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng trong đám cưới, đám ma…”, VCCI nhấn mạnh.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản 'taxi công nghệ': Đừng lấy chuẩn mực cũ áp vào cái mới