Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường việc rà soát quy trình thủ tục để đẩy nhanh tiến độ việc cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp sau khi trúng đấu giá.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phải khẩn trương tham mưu UBND tỉnh trong việc trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết trong việc thực hiện cơ chế cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp đối với các dự án trọng điểm, dự án động lực của tỉnh.
Sở TN-MT được chỉ đạo phải rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ đất khẩn trương làm thủ tục cấp phép khai thác; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, sở có trách nhiệm đề xuất UBND tỉnh thu hồi đối với những doanh nghiệp không nộp hồ sơ theo quy định cũng như phối hợp kiểm tra chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp.
Ngoài ra, các ngành chức năng liên quan cần xây dựng và ban hành giá đất làm vật liệu san lấp sát giá thị trường; tiến hành thanh tra, kiểm tra giá vật liệu san lấp tại các điểm mỏ, xử lý nghiêm những trường hợp không bán đúng giá niêm yết…
Theo tính toán sơ bộ của Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị, trong năm 2023, qua rà soát, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp ước tính tổng nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp năm 2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 4,2 triệu mét khối.
Trên địa bàn tỉnh đang có 3 mỏ đất và mỏ đá có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 2,95 triệu mét khối; hiện tại mới chỉ khai thác khoảng 186.000m3.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành cấp phép nạo vét lòng hồ và tận thu đất làm vật liệu san lấp tại 27 hồ thủy lợi trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh với khối lượng tương đương 14,44 triệu mét khối đất; hiện tại mới chỉ nạo vét và tận thu được khoảng 900.000m3.
Dự kiến năm 2023, nếu thời tiết thuận lợi thì nguồn đất tận thu từ nạo vét lòng hồ có thể đáp ứng được khoảng 5 triệu mét khối để làm vật liệu san lấp.
Đối với các mỏ đất đấu giá năm 2022, đến nay đã có 12/16 mỏ đất làm vật liệu san lấp trúng đấu giá đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò. Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp trúng đấu giá khẩn trương lập và nộp hồ sơ cấp phép khai thác các mỏ đất; đồng thời sở đề xuất UBND tỉnh thu hồi quyết định trúng đấu giá đối với 4 tổ chức do không nộp hồ sơ trước ngày 16.2. Dự kiến đến tháng 4 - 5 năm nay sẽ có ít nhất 1 - 2 mỏ đất đấu giá được cấp phép khai thác với trữ lượng khoảng 6,4 triệu mét khối.
Tỉnh Quảng Trị thời gian qua cũng đã thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý và khai thác cát, sỏi lòng sông, qua đó hạn chế tình trạng khai thác trái phép, đáp ứng nhu cầu làm vật liệu xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường góp phần rất quan trọng trong việc cung cấp nguyên vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và các khu vực lân cận như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các công trình thi công đúng tiến độ nhất là các dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.