Nhận thất bại 2 tuần trước, Quốc dân đảng (KMT) buộc phải đổi mới và xét lại tư tưởng thân Trung.
Cuộc bầu cử ngày 11.1 chứng kiến chiến thắng vang dội của nữ lãnh đạo Thái Anh Văn trước đối thủ KMT Hàn Quốc Du. Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền cũng thành công bảo vệ thế đa số tại cơ quan lập pháp.
Chủ tịch KMT Ngô Đôn Nghĩa ngay sau đó đã tuyên bố từ chức. Đảng chuẩn bị chọn ra người đứng đầu mới vào tháng 3 - một công việc chẳng dễ dàng do bất đồng nội bộ về chính sách Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng nhiều người trẻ tuổi nhìn nhận bản thân là công dân Đài Loan chẳng liên hệ gì với đại lục.
Hiện chẳng có nhân vật nào nổi bật dù KMT không thiếu ứng viên tiềm năng như chính trị gia Chu Lập Luân (tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan năm 2016 nhưng thất bại) hoặc Liên Thắng Văn (con trai một cựu Phó chủ tịch).
Ngoài chuyện chọn người đứng đầu mới, tái xác định chính sách Trung Quốc cũng rắc rối không kém.
KMT trong chiến dịch tranh cử trước đó kêu gọi tái tuân thủ “Đồng thuận 1992” (thừa nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”). DPP cáo buộc đảng đối lập bán đứng hòn đảo tự trị.
Chủ nhiệm Hội Thanh niên thuộc KMT Allen Tien thừa nhận: “Mọi người đều mất phương hướng. “Đồng thuận 1992” là nền tảng cho tất cả chúng tôi, nếu không sử dụng nó thì sau này thế nào? Khẩu hiệu “Chống Trung Quốc bảo vệ Đài Loan” nghe lôi cuốn hơn. Chúng tôi cần tìm tên mới cho “Đồng thuận 1992””.
Một nhóm thành viên KMT giải quyết vấn đề bằng cách trực tiếp hơn. Họ lập trang Facebook thu thập ý kiến công chúng về chính sách Trung Quốc.
“Mấu chốt nằm ở chỗ Đài Loan nên dùng thái độ gì với Trung Quốc thì tốt nhất”, nhóm thành viên KMT nhấn mạnh.
Đặc biệt còn xuất hiện ý kiến bỏ chữ “Trung Quốc” trong tên đảng (KMT tên đầy đủ là Trung Quốc Quốc dân đảng). Tuy nhiên đề xuất dường như không khả thi.
Theo Ủy viên Hội đồng thành phố Đài Bắc Hsu Chiao-hsin thuộc KMT: “Mọi người đều hiểu rằng phải thay đổi, nhưng không nên khiến đảng trở nên không bản sắc”.
Cẩm Bình (theo Reuters)