Tuần qua vừa diễn ra tranh luận về Đạo luật Đối phó can thiệp từ bên ngoài của Singapore (FICA). Một trong số nội dung thu hút sự chú ý là quốc gia mà luật này nhắm đến.

‘Quốc gia X’ trong luật chống can thiệp của Singapore

Cẩm Bình | 10/10/2021, 11:49

Tuần qua vừa diễn ra tranh luận về Đạo luật Đối phó can thiệp từ bên ngoài của Singapore (FICA). Một trong số nội dung thu hút sự chú ý là quốc gia mà luật này nhắm đến.

Tranh cãi xoay quanh các từ ngữ "Quốc gia X", "Cường quốc Đông Á"

Dù có cùng quan điểm với đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền về mối nguy can thiệp từ bên ngoài, nhưng nghị sĩ Pritam Singh thuộc Đảng Công nhân Singapore (WP) đối lập trong phiên tranh luận suốt gần 11 tiếng đồng hồ vừa qua đã lên tiếng cảnh báo hàng loạt khía cạnh của FICA: từ ngữ quá bao quát, loại bỏ gần như hoàn toàn quá trình tư pháp, trao quyền phúc thẩm cho một tòa án được chỉ định thay vì theo quy trình tòa án công khai.

Phe đối lập tranh cãi gay gắt với Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Pháp luật K.Shanmugam – kiến trúc sư soạn thảo FICA. Tuy nhiên, cả 2 bên đều tránh đề cập trực tiếp một vấn đề quan trọng: Trung Quốc là thế lực chính trong hoạt động gián điệp khu vực.

FICA đối phó nguy cơ can thiệp bằng 2 phương thức chính: nhắm vào các chiến dịch tuyên truyền thông tin thù địch và kiểm soát can thiệp, thông qua lực lượng ủy nhiệm địa phương. Giới chuyên gia chính sách ngoại giao trước đó từng đánh giá yếu tố thúc đẩy ban hành luật này chính là bối cảnh hoạt động gián điệp mạng trên khắp châu Á của Trung Quốc đang gia tăng.

Nhưng kể từ khi FICA được thông qua (ngày 13.9) đến nay, Bộ Nội vụ Singapore vẫn chẳng hề tuyên bố rõ quốc gia nào đóng vai trò chủ mưu chính trong hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Thay vào đó họ nhắc đến nhiều kịch bản can thiệp, trong đó cả kịch bản tương tự như những gì xảy ra tại Úc hay Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến Trung Quốc.

Khi tranh luận trên Quốc hội hôm 4.10, các nghị sĩ Singapore cũng đưa ra phát ngôn và câu hỏi với từ ngữ như “quốc gia X”, “quốc gia Bắc Á”, “một cường quốc Đông Á lớn”.

Vì sao phải nói tránh?

Theo giới quan sát, cách nói tránh nêu trên phản ánh nhận thức của đảo quốc sư tử rằng họ gần như chẳng có được lợi ích gì khi đối đầu thế lực như Trung Quốc, mặc dù ai cũng hiểu rõ Bắc Kinh là yếu tố thúc đẩy ban hành FICA.

Dylan Loh - giáo sư chính sách công và vấn đề toàn cầu thuộc đại học Công nghệ Nam Dương - cho biết sở dĩ các cường quốc như Mỹ hay Anh ít bị hạn chế trong chuyện nêu tên quốc gia nghi ngờ đứng sau chiến dịch tuyên truyền thông tin thù địch là vì họ có “nguồn lực để quản lý hậu quả”.

“Đối với quốc gia nhỏ như Singapore, nêu tên và chỉ trích gần như tương đương với “biện pháp hạt nhân” (cách phản ứng quyết liệt nhất). Chúng tôi không phải dựa vào cách này để truyền tải thông điệp”, giáo sư Loh nhấn mạnh.

Học giả Ben Bland thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Úc) nhận định công khai quốc gia chủ mưu không hề mang tác dụng răn đe, nếu quốc gia đó là cường quốc hoặc lấy làm tự hào với “danh tiếng” chuyên can thiệp chuyện nội bộ nước khác.

Phát biểu trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Shanmugam nhiều lần nhắc nhở nêu tên quốc gia liên quan đến các chiến dịch tuyên truyền thông tin thù địch không khả thi với Singapore vì cái giá địa chính trị nếu làm vậy quá lớn. Ông còn nói thêm: “Tác động về an ninh quốc gia lẫn chính sách đối ngoại quá lớn. Mỹ có thể gọi tên bất cứ quốc gia nào họ muốn, còn chúng ta là nước không có đủ sức ảnh hưởng trong vấn đề quan hệ quốc tế này”.

Giáo sư Loh cảnh báo không nêu tên và chỉ trích khi quốc gia chủ mưu không dừng tay có thể tạo ra ấn tượng rằng hoạt động can thiệp phải trả giá chính trị rất ít. Ông đề xuất trong trường hợp như vậy, hãy thực hiện nêu tên và chỉ trích một cách gián tiếp bằng cách thông qua quan chức đã nghỉ hưu, học giả hoặc truyền thông.

Một tuần trước lúc FICA được đưa ra Quốc hội Singapore tranh luận, Viện nghiên cứu Chiến lược thuộc Cao đẳng quân sự Pháp công bố một bản báo cáo 646 trang mô tả chi tiết Singapore bị Trung Quốc triển khai chiến dịch gây ảnh hưởng như thế nào. Báo cáo điểm lại nhiều vụ việc, trong đó đáng chú ý là vụ Singapore quyết trục xuất giáo sư người Mỹ gốc Hoa Hoàng Tĩnh năm 2017.

Giáo sư Hoàng bị cáo buộc đã làm việc với các mật vụ nước ngoài (Trung Quốc) và cố ý cung cấp thông tin mật về một quốc gia cho nhiều người có tầm ảnh hưởng trong giới hoạch định chính sách ở Singapore nhằm tác động đến quan điểm của họ theo hướng có lợi cho quốc gia nói trên.

Theo Viện nghiên cứu Chiến lược thuộc Cao đẳng quân sự Pháp, cuộc tấn công mạng vào cơ sở dữ liệu y tế Singapore đã lấy đi thông tin cá nhân của khoảng 1,5 triệu người (có cả Thủ tướng Lý Hiển Long) năm 2018 chính là động thái trả đũa vụ Hoàng Tĩnh do Bắc Kinh thực hiện.

Bài liên quan
Singapore thu hồi nem cuốn hải sản của Việt Nam
Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Quốc gia X’ trong luật chống can thiệp của Singapore