UBTech đã nhận được hơn 500 đơn đặt hàng từ các hãng ô tô cho robot hình người mang tên Walker S1, có thể sớm giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất tại Trung Quốc.
Walker S1 của nhà sản xuất robot UBTech đang được triển khai để thử nghiệm và huấn luyện trong các nhà máy, gồm cả của BYD - hãng ô tô điện lớn nhất thế giới.
Walker S1 sẽ làm việc cùng với các phương tiện logistic không người lái khác và những hệ thống quản lý sản xuất thông minh để tự động hóa các hoạt động quy mô lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9, Tan Min (Giám đốc thương hiệu của UBTech) nói khoảng 70% khối lượng công việc ở các nhà máy đang được xử lý bằng cánh tay robot, phần còn lại do con người thực hiện. UBTech đặt mục tiêu thay thế khoảng 20% tổng khối lượng công việc bằng robot hình người, chỉ để lại 10% cho công nhân (sẽ tập trung vào việc hợp tác với với robot và quản lý công cụ trong quy trình sản xuất), Tan Min cho biết thêm.
Sự phát triển này diễn ra vào thời điểm các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải vật lộn để đáp ứng tình trạng thiếu hụt lao động.
Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc dự đoán vào năm 2017 rằng các ngành sản xuất lớn, gồm cả ô tô, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 30 triệu lao động vào năm 2025.
Một báo cáo của Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc vào tháng 4 cho thấy nhu cầu tuyển dụng từ ngành xe năng lượng mới đã tăng 32% vào 2023 so với cùng kỳ năm trước, với các doanh nghiệp nhà nước đặc biệt cần lao động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất.
Thế nhưng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Trung Quốc đang phải vật lộn để đào tạo ra những công nhân kỹ thuật lành nghề ở nước này và số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động mỗi năm hiếm khi quan tâm đến công việc lao động chân tay.
Với khả năng thích ứng với nhiều nhiệm vụ khác nhau, robot hình người được kỳ vọng sẽ làm giảm nhu cầu lao động trong ngành sản xuất.
Cao 1m72 và nặng 76 kg, Walker S1 có kích thước tương đương với một người. Nó có thể tiến hành kiểm tra chất lượng bằng thị giác, mang các bưu kiện có nhiều kích cỡ khác nhau, sử dụng tua vít điện để siết chặt ốc vít, lắp ráp những bộ phận và phân loại các thành phần.
Trên trang web của mình, UBTech cho biết việc sử dụng robot hình người có thể giúp bảo vệ người lao động khỏi các chấn thương về thể chất do nâng vật nặng trong thời gian dài và tiếp xúc với các chất độc hại, cũng như công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại.
Được gã khổng lồ công nghệ Tencent hậu thuẫn, UBTech đã ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào tháng 12.2023.
Ngoài BYD, các khách hàng ô tô của UBTech gồm Dongfeng Motor, Geely, liên doanh FAW-Volkswagen.
UBTech cũng đang hợp tác với Foxconn (hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng số 1 thế giới) và công ty hậu cần SF Express để tự động hóa các hoạt động quy mô lớn.
Các hãng Trung Quốc bám đuổi Tesla để cung cấp robot hình người thay thế công nhân lắp ráp xe điện
Trung Quốc đang thống trị thị trường ô tô điện. Giờ đây, họ bám đuổi Tesla (Mỹ) trong cuộc đua chế tạo robot hình người chạy bằng pin, dự kiến sẽ thay thế công nhân lắp ráp ô tô điện trên dây chuyền sản xuất.
Tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) cuối tháng 8, hơn 20 công ty Trung Quốc đã giới thiệu robot hình người được thiết kế để làm việc trong các nhà máy và nhà kho. Thậm chí nhiều hãng còn trưng bày các bộ phận có độ chính xác cao được sản xuất tại Trung Quốc cần thiết để chế tạo robot hình người.
Nỗ lực của Trung Quốc trong ngành công nghiệp mới nổi bắt nguồn từ công thức đằng sau động lực thúc đẩy ô tô điện ban đầu của nước này hơn một thập kỷ trước: Sự hỗ trợ từ chính phủ, cạnh tranh khốc liệt về giá từ nhiều công ty mới tham gia và chuỗi cung ứng sâu rộng.
"Ngành công nghiệp robot hình người của Trung Quốc cho thấy những lợi thế rõ ràng về khả năng kết nối và quản lý các thành phần của chuỗi cung ứng cũng như sản xuất hàng loạt", Arjen Rao, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu LeadLeo có trụ sở tại Trung Quốc, bình luận.
Nỗ lực chế tạo robot được hỗ trợ bởi chính sách phát triển "lực lượng sản xuất mới" trong công nghệ của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình - điều được nêu trong các tờ rơi cho sự kiện tuần này.
Thủ đô Bắc Kinh đã giới thiệu quỹ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn trị giá 1,4 tỉ USD cho ngành robot vào tháng 1. Trong khi thành phố Thượng Hải công bố kế hoạch thành lập quỹ công nghiệp robot hình người trị giá 1,4 tỉ USD hồi tháng 7.
Các robot được trưng bày tuần này đến từ một số nhà cung cấp Trung Quốc đã đi đầu trong làn sóng ô tô điện, gồm cả nhà sản xuất pin và cảm biến.
Vào tháng 1, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo rằng thị trường toàn cầu hàng năm cho robot hình người sẽ đạt 38 tỉ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu robot sẽ được vận chuyển để phục vụ cho ứng dụng trong lĩnh vực tiêu dùng và công nghiệp. Goldman Sachs ước tính chi phí vật liệu để chế tạo robot hình người đã giảm xuống còn khoảng 150.000 USD mỗi chiếc vào năm 2023, không gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển.
"Vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí xuống. Trung Quốc có thế mạnh trong việc nhanh chóng cải tiến và sản xuất hàng loạt sản phẩm", Hu Debo, Giám đốc điều hành Shanghai Kepler Exploration Robotics, nói.
Shanghai Kepler Exploration Robotics là công ty mà Hu Debo đồng sáng lập vào năm ngoái lấy cảm hứng từ robot hình người Optimus của Tesla. Công ty này đang nghiên cứu phiên bản thứ năm của một robot công nhân để thử nghiệm trong các nhà máy. Hu Debo hy vọng giá bán nó sẽ dưới 30.000 USD.
Hiệu ứng “cá da trơn” đến với robot
Khi Tesla mở nhà máy tại thành phố Thượng Hải vào năm 2019, các quan chức Trung Quốc kỳ vọng công ty Mỹ tiên phong về ô tô điện sẽ tạo ra "hiệu ứng cá da trơn" với ngành công nghiệp Trung Quốc: Giới thiệu một đối thủ cạnh tranh lớn khiến các công ty trong nước phát triển nhanh hơn.
Hiệu ứng cá da trơn (catfish effect) là thuật ngữ dùng để mô tả một hiện tượng, trong đó sự xuất hiện của đối thủ mạnh hoặc mới mẻ trong ngành công nghiệp hoặc thị trường kích thích các công ty khác hoạt động hiệu quả hơn, nhanh nhạy hơn và cạnh tranh tốt hơn.
Thuật ngữ này xuất phát từ câu chuyện về việc các ngư dân Na Uy thả cá da trơn vào các bể chứa cá tuyết trong quá trình vận chuyển. Sự hiện diện của cá da trơn, một loài cá ăn thịt và năng động, buộc cá tuyết phải luôn di chuyển để tránh bị ăn thịt, từ đó giữ cho chúng khỏe mạnh.
Hu Debo cho biết robot Optimus của Tesla cũng tạo ra hiệu ứng tương tự.
Tesla lần đầu tiên giới thiệu Optimus vào năm 2021, sau đó Giám đốc điều hành Elon Musk quảng cáo rằng nó có khả năng "quan trọng hơn cả ngành kinh doanh ô tô theo thời gian".
Tesla đang sử dụng phương pháp tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) cho Optimus theo mô hình phần mềm Full Self-Driving dành cho ô tô điện. Các đối thủ và nhà phân tích Trung Quốc nói Tesla có thế mạnh ban đầu về AI, nhưng nước này có khả năng hạ giá thành sản xuất.
Full Self-Driving là hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến được phát triển bởi Tesla, hướng đến mục tiêu sẽ giúp xe tự động lái hoàn toàn mà không cần sự can thiệp của con người trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, Full Self-Driving vẫn đang trong giai đoạn phát triển và không hoàn toàn tự động.
Tesla đã giới thiệu Optimus, giống như ma nơ canh, đứng trong hộp kính plexiglass bên cạnh chiếc xe bán tải điện Cybertruck tại một triển lãm bên cạnh hội nghị ở Bắc Kinh tuần này.
Plexiglass là loại nhựa acrylic trong suốt, thường được sử dụng thay thế cho kính vì nhẹ hơn, bền hơn và ít bị vỡ hơn.
Optimus của Tesla không sở hữu nhiều tính năng ấn tượng như các robot hình người Trung Quốc nhưng có thể vẫy tay, đi bộ hoặc thậm chí nhún vai, thu hút sự quan tâm lớn từ người xem và chụp ảnh.
"Năm tới, sẽ có hơn 1.000 đồng hương của tôi trong nhà máy", trích nội dung một biển báo bên cạnh Optimus.
Trong một tuyên bố, Tesla nhắc lại rằng hãng dự kiến sẽ vượt ra ngoài các nguyên mẫu để bắt đầu sản xuất Optimus với số lượng nhỏ vào năm 2025.
Robot trên dây chuyền lắp ráp ô tô
Hãng UBTech đã thử nghiệm robot hình người của mình trong các nhà máy ô tô, bắt đầu với Geely. Ngoài ra, UBTech công bố một thỏa thuận để thử nghiệm robot hình người của mình tại một nhà máy của Audi ở Trung Quốc.
"Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất hàng loạt vào năm tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ có tới 1.000 robot hình người làm việc trong các nhà máy. Đây là cột mốc đầu tiên hướng tới việc triển khai trên quy mô lớn", theo Sotirios Stasinopoulos - Giám đốc dự án của UBTech.
UBTech sử dụng chip Nvidia cho robot của mình nhưng hơn 90% linh kiện đều đến từ Trung Quốc.
Thế hệ robot sản xuất hiện tại (những cánh tay robot khổng lồ có khả năng hàn và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác) chủ yếu do các công ty ngoài Trung Quốc dẫn đầu, gồm Fanuc (Nhật Bản), ABB (Thụy Sĩ) và Kuka (Đức) - thuộc sở hữu của nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea (Trung Quốc).
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về robot sản xuất được lắp đặt tại nhà máy, nhiều hơn gấp ba lần số lượng ở Bắc Mỹ.
Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nói tại lễ khai mạc sự kiện ở Bắc Kinh rằng bộ này đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và biến Trung Quốc thành "một thế lực quan trọng trong ngành công nghiệp robot toàn cầu".
Hồi tháng 11.2023, Trung Quốc kêu gọi sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025, nhưng quy mô ban đầu của việc này sẽ khá nhỏ và không đủ để ngay lập tức tác động lớn đến việc sản xuất ô tô điện.
"Tôi tin rằng có khả năng sẽ mất ít nhất 20 đến 30 năm trước khi robot hình người có thể đạt được ứng dụng thương mại quy mô lớn", nhà phân tích Arjen Rao tại Viện nghiên cứu LeadLeo nhận xét.