“Khi trót mang duyên kiếp cầm ca/ Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời…”, giữa quán nhậu xô bồ, giọng ca da diết của “ca sĩ” mù vang lên từ ca khúc “Kiếp cầm ca” nghe thật xót xa . Không phòng trà, không ánh đèn màu, không có không gian âm nhạc đúng nghĩa, nhưng, những “kiếp cầm ca” trên phố vẫn hát say mê những bản bolerO, u sầu mà nhiều đắm say , như chính cuộc đời và cách mưu sinh đặc biệt của họ.

Rơi nước mắt với những mảnh đời hát rong

Một Thế Giới | 25/05/2015, 08:00

“Khi trót mang duyên kiếp cầm ca/ Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời…”, giữa quán nhậu xô bồ, giọng ca da diết của “ca sĩ” mù vang lên từ ca khúc “Kiếp cầm ca” nghe thật xót xa . Không phòng trà, không ánh đèn màu, không có không gian âm nhạc đúng nghĩa, nhưng, những “kiếp cầm ca” trên phố vẫn hát say mê những bản bolerO, u sầu mà nhiều đắm say , như chính cuộc đời và cách mưu sinh đặc biệt của họ.

Những mảnh đời trong câu hát
Ở các khu phố tập trung quán nhậu, cảnh thường thấy là những người “mua vui” dạo quanh các bàn ăn. Đôi khi là nhóm hát, xiếc biểu diễn, lúc thì bán kẹo kéo hay hát lấy tiền boa. Chỉ với chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, chiếc loa, micro và đĩa ghi nhạc là đã có thể hành nghề. Một lần đến dãy quán ăn ở khu Nguyễn Trung Trực (Q.1), chúng tôi gặp anh Phương ôm cây đàn ghi-ta dạo quanh các bàn chờ yêu cầu hát. Được biết, anh Phương ở đây khá đắt show, người ta mến anh không chỉ bởi giọng hát mà còn thương anh bởi anh là người khuyết tật. Mắt trái của anh bị hư, mắt phải thị lực rất yếu sau một vụ tai nạn. Anh vào nghề được hơn 10 năm, dù nhà ở Gò Vấp nhưng các quán quen của anh nằm trên đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực...
Mời anh ngồi, tôi nhờ anh hát một bài hát mà anh thích. Anh chọn hát bài hát của Ngô Thuỵ Miên. Có lẽ sự nhẹ nhàng, da diết, thấm đẫm chất đời trong ca khúc như chính cuộc sống, con người anh khiến giọng hát anh càng thêm da diết. Bài hát bị gián đoạn vì đứt dây đàn. Anh vội nói: “Do bàn trên kia yêu cầu mấy ca khúc “sung” quá, lúc nãy đánh hơi mạnh tay. Nhưng không sao, tôi thay dây là được”.
Roi nuoc mat voi nhung manh  doi hat rong -hinh-anh-1
Anh Phương đang hát phục vụ khách
Lấy từ trong túi ra những sợi dây đàn, anh ghé mắt sát vào cố tìm sợi dây số 4. Mồ hôi túa ra, ướt đẫm... Anh thay dây và nhanh chóng tiếp tục ca khúc dang dở. Nhìn những giọt mồ hôi rớt trên cây đàn, đôi mắt nhắm nghiền, gương mặt biểu cảm, phong trần của anh, chúng tôi thật sự xúc động với sự lao động miệt mài đó. Anh Phương không bán hàng kèm theo, chỉ “bán” lời ca tiếng hát. Hơn 5 phút ngồi cùng chúng tôi, anh chào để đi vì có người điện thoại mời hát.
Anh Tình - nhân viên phục vụ quán Vỹ Dạ, cho biết: “Ông này được nhiều người thích lắm. Có lần còn được mời ra Hà Nội biểu diễn nữa, đi vài ba ngày mà về được mấy triệu”. Điều này được xác nhận khi tôi gặp lại anh Phương một tiếng sau đó.
Một trường hợp khác đặc biệt mà chúng tôi gặp được ở quán ăn trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) là anh Dương. Dương từng tốt nghiệp trường cao đẳng ngành tiếng Anh ở Bình Thuận - quê của anh. Đến với nghề hát rong khi mới đặt chân lên thành phố sau khi tốt nghiệp cao đẳng vào năm 2009. Nghề hát rong với anh lúc đó vừa mưu sinh, vừa là công việc tạm thời trong thời gian học liên thông ở Trường ĐH KHXH&NV. Từng chuyển qua làm dịch thuật 2 năm cho một công ty Hàn Quốc với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng đồng lương ít ỏi khiến anh không đủ trang trải và thực hiện kế hoạch thay đổi cuộc sống nên anh quay lại nghề hát bán kẹo kéo.
Vui, buồn nghề hát rong Nghề hát rong
Nghề hát rong dường như vẫn còn mang nỗi mặc cảm xướng ca, bị nhìn nhận là nghề “kém sang”. Dương cho biết, ba mẹ anh buồn và lo lắng khi biết con trai đi hát rong. Anh phải nói dối đó là nghề kiếm thêm buổi tối, ban ngày vẫn đi làm văn phòng. Anh chia sẻ, thu nhập của nghề hát này không thấp, mỗi đêm, kiếm được ít nhất là 500.000 đồng.
Đi làm cùng Dương là Phong, người bạn học chung trường. Phong không biết hát, chỉ phụ giúp Dương bán kẹo, mời khách. Được hỏi vì sao không đi hát một mình, thu nhập trọn vẹn không phải chia, Dương chia sẻ: “Có những lúc bán không được, một mình lủi thủi, cô đơn. Tủi lắm! Hơn nữa Phong cũng không có việc, cùng nhau kiếm thêm để trang trải cuộc sống cũng vui mà”. Thế mới thấy nghề nào cũng cần có cái tình!
Nghề hát rong cũng phải có sự đầu tư. Mỗi ngày, họ phải nghe và thuộc nhiều ca khúc, phòng khi có sự yêu cầu từ khách hàng. Thực tế, không phải ai cũng nhã nhặn từ chối, hay thông cảm cho công việc của những “kiếp cầm ca”. Dương kể, có lần được yêu cầu hát ca khúc mà anh không thuộc lời, thế là bị xua đuổi, chê bai, từ chối mua kẹo. Cũng có khi hát xong, mời kẹo khách thì nhận được câu trả lời: “Anh không thích nghe nhạc!”.
Theo Dương, nghề này không phải đẹp trai là mời kẹo được, phải hát hay và có chút duyên ăn nói. Làm khách cười thì khả năng bán được kẹo rất cao. Một điểm đáng nói, nghề hát rong 100% không được hát nhép mà hát với chính giọng hát của họ với niềm đam mê. “Vả lại đứng gần bàn của khách hát nhép là bị phát hiện liền, nếu bị phát hiện thì chỉ có cách bỏ quán không dám quay lại”, Dương tâm sự.
Khoảng từ năm 2010 - 2011, nhiều “ông trùm” đứng ra bao các xe kẹo kéo. Nghĩa là đầu tư phương tiện từ xe máy, kẹo, loa... cho đến chỗ ngủ, cơm ăn ngày một bữa. Số tiền lời được chia 70% cho người chủ và 30% cho người hát. Có thời gian “băng nhóm” kẹo kéo được hình thành khá rõ rệt, phân chia lãnh địa và không ít những cuộc cạnh tranh địa bàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người đã đầu tư phương tiện, tìm hướng đi cho nghề, nên “băng nhóm” giảm rõ rệt. Như một luật ngầm ai tới trước làm trước, tới sau thì đợi người tới trước hát xong, Dương nói: “Chỉ cần mình biết sống, gặp bạn kẹo kéo thì chào hỏi, gặp chủ quán hỏi thăm khách có đông không… là ổn hết”.
Tiền dễ kiếm… dễ đi
Trong giới hát rong người ta vẫn biết đến Nhã Michael như một người tiên phong hát nhạc Michael Jackson với những bước đi huyền thoại. Thời đỉnh cao, một đêm kiếm được 3-4 triệu đồng là chuyện thường. Còn nhớ những đêm ở quán Tre trên đường Thành Thái (Q.11), sự có mặt của Nhã thu hút rất nhiều thực khách. Cả dãy quán nhậu như trở thành sân khấu của em, giọng hát vút cao, những bước đi ngược tự tin bất chấp xe từ sau lao tới. Người ta yêu thích và muốn có em biểu diễn như sự giải trí cần có trong cuộc nhậu.
Roi nuoc mat voi nhung manh  doi hat rong -hinh-anh-2
Hai bạn Dương và Phong trong một buổi tối đi làm
Một thời gian sau, người trong giới lại biết đến Nhã như một tay chơi, thường xuyên đi bar, vũ trường và gái. Những đêm biểu diễn thưa dần. Đàn em trong nghề “ngoi lên”, cũng với phong cách hát của Michael cùng những bước đi ngược (moonwalk) tự tin. Em không còn là hiếm và quý, tiền cũng không còn, sức khỏe tàn phai để giờ đây em phải làm lại từ đầu, vất vả, ngược xuôi...
Những người làm nghề nếu biết tích cóp sẽ dư dả, bởi số tiền kiếm được không phải ít. Hàng đêm, khi mọi người đang hưởng thụ cuộc sống thì họ biểu diễn mua vui kiếm tiền nên dễ nảy sinh ra tâm lý tự thưởng cho mình bằng những buổi nhậu, ăn chơi, cờ bạc và rơi vào tình trạng “tiền nhiều mà không có tiền” là vậy!
Với một người nhiều năm lăn lộn với nghề, cùng sự suy nghĩ chín chắn và thấu đáo, Dương cho rằng đây là một nghề bạc bẽo. Tiền dễ kiếm cũng dễ đi. Tâm lý sống hôm nay không biết ngày mai vì không định hướng được tương lai thế nào. Đó là chưa kể tần suất hoạt động của thanh quản gần như là liên tục, sống bằng cách khai thác giọng hát tối đa nhưng không có hoặc không thể có chế độ, điều kiện để tái tạo, phục hồi sức khỏe, dưỡng giọng. Đốt cháy bản thân cho nghiệp hát mưu sinh nhưng cuối đời còn lại gì?
Hiện tại Dương đang học thêm tiếng Trung, mục tiêu giữa năm sau phải nói tốt để tìm kiếm công việc phù hợp hơn. Nhưng không phải “nghệ sĩ hát rong” nào cũng có bản lĩnh, suy nghĩ chín chắn như Dương. Còn anh Phương, có lẽ nghề hát thật sự đã là cái nghiệp của anh rồi. Anh tâm sự: “Anh cám ơn cuộc đời đã cho anh giọng ca, cho anh còn sức khỏe và cả khách hàng. Ngoài hát ra anh còn biết làm gì đây?”.
Mỗi đêm, hàng chục, hàng trăm người đổ xuống đường mưu sinh bằng nghề hát là hàng chục, hàng trăm thân phận với những nhọc nhằn lo toan. Dù thế nào thì mỗi đêm, trên mọi ngả đường, vẫn còn đó lời ca cất lên vọng vang, sâu lắng... với tất cả khát vọng, tồn tại, vươn lên...

Nguyễn Châu Anh/Duyên Dáng Việt Nam
Bài liên quan
Đồng sáng lập Facebook ví Tesla như tập đoàn năng lượng Mỹ phá sản vì lừa dối công chúng
Dustin Moskovitz, người đồng sáng lập Facebook, tiếp tục công kích Tesla. Lần này, ông cáo buộc Tesla là “Enron tiếp theo” thông qua bài đăng trên mạng xã hội Threads.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rơi nước mắt với những mảnh đời hát rong