Ronaldo nhận lương kỷ lục ở CLB Al-Nassr (Ả Rập Saudi) nhưng có lẽ không quá vui vì phải rời bỏ bóng đá đỉnh cao cấp CLB ở châu Âu.

Ronaldo và những danh thủ rời châu Âu đến giải đấu kém tiếng vì thu nhập khủng

Sơn Vân | 31/12/2022, 15:35

Ronaldo nhận lương kỷ lục ở CLB Al-Nassr (Ả Rập Saudi) nhưng có lẽ không quá vui vì phải rời bỏ bóng đá đỉnh cao cấp CLB ở châu Âu.

Đã có nhiều dấu hỏi đặt ra xung quanh bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp của Cristiano Ronaldo kể từ khi mùa giải thứ hai của anh tại Manchester United sớm kết thúc vì cuộc phỏng vấn gây sốc với nhà báo Piers Morgan.

Lẽ ra Ronaldo còn hợp đồng 7 tháng tại sân Old Trafford sau khi dành phần lớn thời gian mùa giải này trên băng ghế dự bị. Thế nhưng, CR7 đã trút giận lên HLV Erik ten Hag, ban lãnh đạo Manchester United là nhà Glazer và cả các đồng đội trong cuộc phỏng vấn với Piers Morgan, dẫn đến việc bị cắt hợp đồng sớm.

Tiền đạo 37 tuổi cố gắng gạt những rắc rối với CLB sang một bên và tập trung vào khát vọng quốc tế cùng tuyển Bồ Đào Nha tại World Cup 2022. Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn toàn theo kế hoạch của CR7 khi tuyển Bồ Đào Nha bị loại ở vòng tứ kết bởi Ma Rốc.

Sau khi vào sân gần 40 phút cuối trận gặp Ma Rốc nhưng không thể ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Bồ Đào Nha, Ronaldo rời sân trong nước mắt khi nhận ra đây có thể là trận cuối cùng của anh tại World Cup.

Không được CLB hàng đầu châu Âu nào mời gọi suốt thời gian qua, Ronaldo hôm 30.12 chính thức gia nhập CLB Al-Nassr với hợp đồng đến năm 2025.

Tại đây, cầu thủ từng 5 lần giành Quả bóng vàng nhận mức lương khoảng 65 triệu euro/mùa (tương đương 75 triệu USD), kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới. Thế nhưng, tổng thu nhập một năm của Ronaldo có thể lên tới 200 triệu euro nhờ các hợp đồng tài trợ và làm đại diện thương hiệu cho Al-Nassr hay bóng đá Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi muốn tận dụng hình ảnh và sức ảnh hưởng của CR7 để quảng bá cho quốc gia và giúp họ giành quyền đăng cai World Cup 2030 cùng Ai Cập và Hy Lạp.

Al-Nassr lên kế hoạch đưa Ronaldo ra mắt người hâm mộ cuối tuần này, trong trận đấu gặp Al Khaleej ở vòng 11 giải VĐQG Ả Rập Saudi lúc 0 giờ 30 ngày 1.1.2023.

Dù Al-Nassr vui vẻ công bố thông tin này với hình ảnh Ronaldo cười tươi trong màu áo CLB mới, đến nay CR7 vẫn chưa đăng thông tin gì về thương vụ này trên các tài khoản mạng xã hội. 

ronaldo-va-nhung-danh-thu-roi-chau-au-den-giai-dau-kem-tieng-vi-tien.jpg
Ronaldo ngoài mặt cười tươi trong màu áo Al-Nassr nhưng trong lòng chưa chắc đã vui vì phải rời châu Âu đến giải đấu kém tiếng

Sau khi có thông báo Ronaldo gia nhập Al-Nassr, lượng người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội của CLB này tăng mạnh. Trước đó, tài khoản Instagram của Al-Nassr có khoảng 860.000 người theo dõi. Chỉ vài giờ sau khi bức ảnh Ronaldo cầm áo Al-Nassr được đăng lên, con số đã vượt mốc 2,7 triệu. Như vậy, lượng fan trên mạng xã hội của Al Nassr đã tăng hơn 3 lần trong thời gian ngắn.

Ronaldo đã nói lời tạm biệt với sự nghiệp bóng đá đỉnh cao ở cấp CLB tại châu Âu và còn rất ít cơ hội gia tăng kỷ lục ghi bàn mọi thời đại tại Champions League. Trước Ronaldo, nhiều danh thủ rời bỏ châu Âu để tìm thử thách mới ở một giải đấu xa xôi vì tiền.

David Beckham từ Real Madrid đến LA Galaxy (Mỹ)

ronaldo-va-nhung-danh-thu-roi-chau-au-den-giai-dau-kem-tieng-vi-tien-1.jpg
Cuộc phiêu lưu ở Mỹ của David Beckham đạt được thành công khi anh liên tiếp giành được MLS Cup với LA Galaxy vào năm 2011 và 2012 - Ảnh: Getty Images

"Cơn sốt vàng" với bóng đá Mỹ lần đầu tiên bắt đầu vào những năm 1970, khi những cái tên huyền thoại như Pele, Johan Cruyff, George Best và Franz Beckenbauer thi đấu ở giải bóng đá Bắc Mỹ. Tuy nhiên,  Beckham chuyển từ Real Madrid sang LA Galaxy vào năm 2007 ở độ tuổi tương đối trẻ (31), qua đó mở đường cho các ngôi sao châu Âu tìm kiếm thử thách mới mẻ, sinh lợi ở giai đoạn cuối sự nghiệp.

Sau Beckham, nhiều cầu thủ nổi tiếng châu Âu đã thử sức mình tại Mỹ, gồm Thierry Henry, Didier Drogba, Wayne Rooney, Zlatan Ibrahimovic, Andrea Pirlo và Kaka (người giành Quả bóng Vàng 2007).

Xavi từ Barcelona đến Al Sadd (Qatar)

ronaldo-va-nhung-danh-thu-roi-chau-au-den-giai-dau-kem-tieng-vi-tien1.jpg
Xavi hiện là HLV của Barcelona sau khi rời Qatar - Ảnh: Getty Images

Xavi gia nhập Barcelona năm 11 tuổi và trở thành tiền vệ giữ nhịp hay nhất CLB xứ Calalan trong suốt kỷ nguyên vàng thành công.

Vào năm 2015 khi 35 tuổi, Xavi đã bất ngờ chuyển đến CLB Al Sadd ở giải Qatar Stars League. Al Sadd đã đưa ra dự án mà trong đó Xavi đảm nhận vai trò cầu thủ, HLV cũng như đại sứ cho World Cup 2022.

Xavi không phải là cựu tuyển thủ Tây Ban Nha đầu tiên muốn kết thúc sự nghiệp lẫy lừng tại Al Sadd. Raul Gonzalez, cựu tiền đạo Real Madrid, cũng từng thi đấu cho Al Sadd từ năm 2012 đến 2014 sau một thời gian ở Schalke 04, trước khi chuyển đến New York Cosmos (Mỹ) vào mùa giải 2014-15.

James Rodriguez, cựu tiền vệ Real Madrid, đã trải qua một mùa giải không mấy nổi bật ở Qatar với CLB Al-Rayyan vào năm 2021-22, rồi trở lại châu Âu khoác áo Olympiakos (Hy Lạp). Tại đây, tiền vệ Colombia có 13 lần ra sân nhưng chơi dưới phong độ và bị chấm dứt hợp đồng sớm.

Andres Iniesta từ Barcelona tới Vissel Kobe (Nhật Bản)

ronaldo-va-nhung-danh-thu-roi-chau-au-den-giai-dau-kem-tieng-vi-tien-12.jpg
Andres Iniesta đã giành được 29 danh hiệu với Barcelona trước khi chuyển đến Nhật Bản - Ảnh: Getty Images

Iniesta có cuộc chia tay đầy cảm xúc với Barcelona vào cuối mùa giải 2017-18. Đối tác của Xavi ở hàng tiền vệ Barcelona tuyên bố trong nước mắt rằng sẽ rời đi sau 22 năm gắn bó với CLB xứ Catalan.

Ngay sau khi giành chức vô địch La Liga thứ 9, Iniesta rời sân Camp Nou để gia nhập Vissel Kobe (Nhật Bản). Đây là CLB chơi ở giải J1 League, thuộc sở hữu của Chủ tịch Hiroshi Mikitani – Giám đốc điều hành Rakuten, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản tài trợ áo đấu cho Barcelona vào thời điểm đó.

Sau Iniesta, tiền đạo Lukas Podolski (Đức) cũng chuyển đến Vissel Kobe từ Galatasaray. Tiền đạo David Villa, đồng đội cũ của Iniesta ở Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha, gia nhập Vissel Kobe vào mùa giải tiếp theo.

Daniele De Rossi từ AS Roma đến Boca Juniors (Argentina)

Rất nhiều cầu thủ đã thực hiện bước chuyển lớn từ giải Primera Division (Argentina) đến ánh đèn rực rỡ của Serie A (Ý). Song tiền vệ De Rossi lại đi ngược xu hướng đó vào mùa hè năm 2019 bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn với Boca Juniors (Argentina), sau khi chơi hơn 600 lần cho AS Roma và trở thành huyền thoại tại đây.

Đến Boca Juniors ở tuổi 35, tiền vệ người Ý từng vô địch World Cup chỉ có 7 lần ra sân cho Boca Juniors rồi giải nghệ sau sinh nhật thứ 36 để bắt đầu sự nghiệp huấn luyện ở quê nhà.

Alessandro Del Piero từ Juventus đến Sydney FC (Úc)

Dù một số danh thủ khác như Dwight Yorke hay Robbie Fowler từng đến A-League trước đó, Del Piero chắc chắn là cái tên sáng giá nhất làm rạng danh giải bóng đá Úc khi ký hợp đồng với Sydney FC vào năm 2012. Rời Juventus với tư cách là huyền thoại CLB, tiền đạo người Ý 37 tuổi từng vô địch World Cup từ chối lời mời ở nơi khác để trở thành vận động viên được trả lương cao nhất trong tất cả môn thể thao đồng đội của Úc.

Del Piero là nhà vô địch World Cup thứ hai thi đấu ở A-League, sau Juninho Paulista (tiền vệ vô địch World Cup cùng Brazil năm 2002). David Villa trở thành nhà vô địch World Cup thứ ba đến A-League khi ký hợp đồng với Melbourne City vào năm 2014.

Về mặt kỹ thuật, bạn cũng có thể tính đến Romario. Tiền đạo Brazil vô địch World Cup 1994 ký hợp đồng với Adelaide United vào năm 2006 theo hợp đồng khách mời có thời hạn 5 trận và ra đi chỉ sau 4 trận.

Roberto Carlos đến Delhi Dynamos (Ấn Độ)

Trong khoảng thời gian 11 năm chơi hơn 400 trận đấu cho Real Madrid, Roberto Carlos đã khẳng định danh tiếng của mình như một trong những hậu vệ cánh trái có khả năng sút phạt và kiến tạo xuất sắc.

Rời Real Madrid năm 2007, Roberto Carlos trải qua hai mùa giải tốt đẹp tại Fenerbahce (Thổ Nhĩ Kỳ), sau đó trở về quê nhà Brazil thi đấu cho Corinthians đến cuối mùa giải 2010-11.

Roberto Carlos trở lại châu Âu năm 37 tuổi và gia nhập Anzhi Makhachkala (Nga). Hậu vệ cánh trái người Brazil thi đấu một mùa giải (2011-12) trước khi tuyên bố kết thúc sự nghiệp ở tuổi 39, ngay trước khi Anzhi Makhachkala sụp đổ trong bối cảnh hỗn loạn tài chính.

Song khi chứng kiến một số danh thủ cùng thời như Del Piero, Nicolas Anelka, Robert Pires và David Trezeguet tham gia Indian Super League mùa giải 2014-2015, Roberto Carlos đã bị cám dỗ và trở thành cầu thủ Delhi Dynamos trong chiến dịch năm 2015.

Roberto Carlos chỉ có ba lần ra sân cho Delhi Dynamos trước khi kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp lần thứ hai ở tuổi 42, sau khi CLB Ấn Độ này bị loại khỏi vòng đấu loại trực tiếp Indian Super League từ bán kết.

Clarence Seedorf từ AC Milan tới Botafogo (Brazil)

Seedorf đã có một sự nghiệp lâu dài và nổi bật, giành được nhiều danh hiệu tại CLB nổi tiếng châu Âu như Ajax Amsterdam, Sampdoria, Real Madrid, Inter Milan và AC Milan. Sau 10 năm gắn bó với AC Milan, tiền vệ Hà Lan đã rời Serie A để đến Brazil và đồng ý bản hợp đồng 2 năm với Botafogo.

Dù đã 36 tuổi thời điểm đó, Seedorf chứng tỏ là tân binh chất lượng và có 59 lần ra sân cho CLB ở thành phố Rio de Janeiro (gần gấp đôi số trận anh chơi cho Sampdoria vào giữa những năm 1990) trước khi giải nghệ vào 2014.

Vài năm sau đó, Keisuke Honda, cựu tiền vệ AC Milan người Nhật Bản, cũng rời châu Âu để gia nhập Botafogo vào 2020.

Oscar từ Chelsea đến Shanghai Port (Trung Quốc)

ronaldo-va-nhung-danh-thu-roi-chau-au-den-giai-dau-kem-tieng-vi-tien-122(1).jpg
Sau sự ra đi của Hulk, Paulinho và Marouane Fellaini, Oscar là một trong số ít những tên tuổi lớn cuối cùng vẫn miệt mài thi đấu tại Chinese Super League - Ảnh: Getty Images

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã trở thành điểm đến của các cầu thủ bóng đá ở châu Âu muốn kiếm nhiều tiền, song đa phần chỉ chơi thời gian ngắn tại Chinese Super League trước khi rời đi.

Rất nhiều cầu thủ châu Âu dành 1 hoặc 2 năm ở Chinese Super League vào ngày cuối sự nghiệp, trong đó có Anelka, Eidur Gudjohnsen, Drogba, Asamoah Gyan và Alberto Gilardino.

Tuy nhiên, việc Oscar quyết định rời Chelsea vào tháng 1.2017 trong vụ chuyển nhượng trị giá 60 triệu bảng đến Shanghai SIPG (tên gọi trước đây của Shanghai Port) ở tuổi 25 đã báo hiệu một bình minh mới của các cầu thủ từ châu Âu đến Trung Quốc vào thời điểm đỉnh cao sự nghiệp.

Sau Oscar, Axel Witsel, Hulk, Stephan El Shaarawy, Mousa Dembele, Marouane Fellaini, Ezequiel Lavezzi, Ramires và Paulinho đều gia nhập các CLB Trung Quốc ở độ tuổi trước 30.

Fabio Cannavaro từ Juventus đến Al-Ahli (UAE)

Fabio Cannavaro đã gây sốc cho người hâm mộ bóng đá Ý khi quyết định gia nhập CLB Al-Ahli (UAE) sau khi tuyển Ý bị loại khỏi vòng bảng World Cup 2010 một cách đáng xấu hổ.

Trung vệ này từng giành Quả bóng Vàng sau khi dẫn dắt Ý đến chức vô địch World Cup năm 2006. Thế nhưng do ĐKVĐ Ý bị loại từ vòng bảng World Cup 2010, cầu thủ 36 tuổi đã chấp nhận đến UAE, chỉ một năm sau khi tái ký hợp đồng với Juventus từ Real Madrid.

Sau khi có bản hợp đồng hai năm với Al-Ahli và nói rằng "giấc mơ" của anh là được chơi ở Dubai, Cannavaro chỉ ra sân 16 lần rồi tuyên bố giã từ sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp vào tháng 7.2011.

Bài liên quan
Ronaldo 'béo' thừa nhận hâm mộ Mbappe: 'Lẽ ra cậu ấy mới là cầu thủ hay nhất World Cup'
Tiền đạo huyền thoại người Brazil thừa nhận rất hâm mộ Kylian Mbappe của PSG.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ronaldo và những danh thủ rời châu Âu đến giải đấu kém tiếng vì thu nhập khủng