Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội về Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14.. Đáng chú ý, kỳ họp sẽ rút Báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017.
Phiên họp thứ 38 của UB Thường vụ Quốc hộiđã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào sáng nay (17.10).
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế, Tổng thư ký xin dự kiến tiếp thu nội dung như sau:
Về dự kiến nội dung kỳ họp, bổ sung các nội dung: Xem xét, thông quadự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội;
Cho ý kiến 2 dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (thay cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp);
Xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;
Xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Trà Vinh; Nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
Đáng chú ý, trong phần nội dung xin ý kiến Chương trình kỳ họp lần này, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra đề nghị: Rút Báo cáo về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017.
Bên cạnh đó, đối với dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia, Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia: Nội dung này chưa được UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến do Chính phủ chưa kịp chuẩn bị. Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng nêndự kiến bố trí vào cuối kỳ họp.
Ngoài ra, UB Tư pháp đề nghị thông qua Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Tổng thư ký đã tiếp thu và thể hiện trong dự kiến chương trình. Đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo. Chính phủ đã chủ động gửi báo cáo về tình hình thực hiện Dự án thủy điện Thượng Kon Tum và sẽ tiếp tục gửi các báo cáo về tình hình thực hiện một số dự án khác để cung cấp thông tin đến đại biểu Quốc hội. Đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho bổ sung để gửi đại biểu tự nghiên cứu...
Ngoài ra sẽ bố trí xem xét, quyết định công tác nhân sự vào cuối kỳ họp. Đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép không bố trí họp Đoàn đại biểu Quốc hội đối với dự kiến nhân sự bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội nếu nhân sự đó đã được bầu giữ chức danh Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội. Đối với các nội dung dự kiến bổ sung vào chương trình kỳ họp, sau khi UB Thường vụ Quốc hội xem xét, nếu không đủ điều kiện thì sẽ rút khỏi chương trình.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 27 ngày, bế mạc vào ngày 27.11.2019.
Về chuẩn bị tài liệu, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện trình Quốc hội. Một số nội dung được bổ sung vào sát thời điểm khai mạc kỳ họp, trong đó có những nội dung cần nhiều thời gian để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, khảo sát (như báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1), nên công tác chuẩn bị tài liệu kỳ họp có gặp khó khăn, nhất là việc bảo đảm chất lượng nội dung trình Quốc hội.
Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn khá nhiều nội dung kỳ họp chưa đủ tài liệu gửi đến đại biểu, trong đó, có một phần lớn tài liệu của các cơ quan của Quốc hội, đó là do Chính phủ chậm gửi dẫn đến việc chậm thẩm tra hoặc chậm hoàn thiện hồ sơ tài liệu.
Quán triệt đại biểu tham dự đầy đủ
Kỳ họp này tiến hành trong thời gian khá dài và vào dịp cuối năm, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị có văn bản của UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu đại biểu Quốc hội sắp xếp công việc để tham dự đầy đủ các phiên họp, nhất là các phiên biểu quyết thông qua. Đồng thời, tại phiên họp trù bị và các cuộc họp liên quan, cần quán triệt đến đại biểu để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước Nhân dân. Văn phòng Quốc hội đã tăng cường chỉ đạo, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp và đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm chu đáo, chặt chẽ. Trong đó đã hoàn thiện việc nâng cấp một số tính năng của phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp trên thiết bị di động để kịp thời phục vụ đại biểu tại kỳ họp (Văn phòng Quốc hội sẽ có văn bản thông báo cụ thể đến đại biểu Quốc hội). Sau phiên họp này, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện một số công việc còn lại, bảo đảm phục vụ tốt cho kỳ họp.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần cân nhắc việc kéo dài thời gian kỳ họp thêm 1 tuần so với dự kiến. Sau kỳ họp các lãnh đạo Quốc hội có nhiều chương trình công tác đối ngoại, do đó, cần có sự tính toán, sắp xếp thời gian cho phù hợp.
Cho ý kiến tại kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng các nội dung dự kiến trong Chương trình Kỳ họp thứ 8 là cần thiết và phù hợp. Cũng tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệmUB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị các Bộ, ngành và các UB của Quốc hội cần rút gọn lại các báo cáo, đặc biệt là các Tờ trình, có thể rút ngắn thời gian trình bày là 10 phút.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí với Chương trình Kỳ họp do Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bao gồm các nội dung bổ sung thêm và các nội dung rút ra khỏi kỳ họp. Theo đó, chương trình kỳ họp sẽ kéo dài từ 21.10 - 27.11. Trên cơ sở đó, đề nghị các Bộ, ngành và các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện một số công việc còn lại, bảo đảm phục vụ tốt cho kỳ họp.
Nam Phong