Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

S&P nâng hạng tín nhiệm Việt Nam: Động lực cho nền kinh tế!

Tuyết Nhung | 27/05/2022, 19:51

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam dựa trên 5 cơ sở bao gồm: Nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới. Thứ hai là triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp sự gián đoạn của đại dịch.

ong-truong-hung-long.jpg
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - Ảnh: TN

Cơ sở thứ ba là tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID-19 của Việt Nam. Thứ tư là dư địa chính sách tài khóa vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh cho phép nền kinh tế ứng phó với rủi ro vĩ mô. Và cuối cùng là sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh.

Theo ông Long, lần gần nhất S&P nâng hạng cho Việt Nam lên BB là tháng 4.2019. Như vậy, sau 4 năm S&P tiếp tục có quyết định nâng hạng cho Việt Nam. Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý.

Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.

Đối với quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Mới đây, "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021 - 2030" đã được các cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt, trong đó mục tiêu của Việt Nam là tới năm 2030 sẽ đạt mức xếp hạng "Đầu tư", ông Long nhìn nhận, theo thang đánh giá xếp hạng tín nhiệm của S&P, mức BBB- là mức khởi điểm xếp hạng "Đầu tư". Với việc Việt Nam đạt được mức BB+ từ ngày 26.5, là bậc ngay sau BBB- thì Việt Nam chỉ còn đúng một bậc để đạt mục tiêu của Đề án.

"Việc S&P nâng hạng tại thời điểm này tạo động lực rất lớn để Chính phủ, các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ, khẩn trương các giải pháp đã nêu tại đề án. Đó là các giải pháp tổng thể phát huy các thế mạnh hiện có trên tất cả các ngành lĩnh vực, phủ rộng các hoạt động về kinh tế, an sinh xã hội, môi trường", ông Long nhấn mạnh.

Để Việt Nam nâng hạng lên mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư trong thời gian tới, ông Long cho rằng có hai trụ cột Việt Nam cần cải thiện là về quản trị, cụ thể là cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, công khai minh bạch dữ liệu và thứ hai là về khả năng chống chọi đối với các sự kiện bên ngoài.

Về quản trị, cần tiếp tục cải thiện các chỉ số quản trị đã được công bố toàn cầu, nâng cao các tiêu chuẩn công bố dữ liệu và cải thiện chất lượng và tính kịp thời của dữ liệu cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ngoài ra, Việt Nam cần cải thiện khả năng chống chọi với các rủi ro bên ngoài. Cần cải thiện hơn nữa các vấn đề mang tính cơ cấu ở khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.

Hệ số tín nhiệm quốc gia (hay còn gọi là định mức tín nhiệm quốc gia) phản ánh khả năng và mức độ sẵn sàng trong tương lai của một quốc gia trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi của chính phủ một cách đầy đủ, đúng hạn. Hệ số này là thước đo định tính về khả năng vỡ nợ của chính phủ do các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra dựa trên đánh giá định lượng về các chỉ số nợ, thu chi ngân sách, dự trữ ngoại hối, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, đầu tư, lãi suất... cũng như đánh giá định tính về tình hình chính trị và triển vọng kinh tế vĩ mô trong tương lai.

Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như là một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Đánh giá xếp hạng tín nhiệm thường thực hiện hàng năm hoặc khi có sự kiện phát hành hoặc các sự kiện có tác động tiêu cực đến hồ sơ tín dụng. Kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm thể hiện thông qua hệ số tín nhiệm và triển vọng tín nhiệm.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thông thường sử dụng các chữ cái A, B, C, D, a và các số 1,2,3 để diễn đạt hệ số/mức độ tín nhiệm của các quốc gia, tổ chức.

Các mức xếp hạng tín nhiệm được chia theo 2 nhóm lớn: Nhóm xếp hạng tín nhiệm ở mức “Đầu tư” với mức xếp hạng từ Aaa/AAA đến Baa3/BBB- và hệ số tín nhiệm ở mức “Đầu cơ” với mức xếp hạng từ Ba1/BB+ đến CC/Ca. Khi các nhà đầu tư mua trái phiếu, họ có thể lựa chọn các trái phiếu do các quốc gia có hệ số tín nhiệm ở mức “Đầu tư” với mức thu nhập ổn định ở mức thấp nhưng ngược lại độ an toàn cao.

Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, họ có thể lựa chọn những trái phiếu có hệ số tín nhiệm ở mức “Đầu cơ” với mức thu nhập ổn định cao nhưng độ rủi ro lớn, thậm chí trong những trường hợp hệ số tín nhiệm ở mức thấp thì họ có thể chỉ thu hồi được một phần nợ hoặc không thể thu hồi.

Các cơ quan xếp hạng ngoài việc công bố mức xếp hạng tín nhiệm cho nhà phát hành nợ còn đưa ra nhận xét về triển vọng của mức xếp hạng đó cho thời gian sắp tới (thường là khoảng thời gian từ 12-18 tháng).

Mức triển vọng được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra là triển vọng Tiêu cực, Ổn định và Tích cực. Các mức triển vọng là nhận xét mang tính dự báo, suy đoán trước về tình hình KT-XH, chính trị trong tương lai sẽ có thể tác động đến mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại.

Bài liên quan
Moody's tăng bậc tín nhiệm, uy tín Việt Nam sẽ tăng trên trường quốc tế
Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ thay đổi sau quyết định của Moody’s.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
S&P nâng hạng tín nhiệm Việt Nam: Động lực cho nền kinh tế!