Trước năm 1975, Sài Gòn có khoảng trên 30 tờ nhật báo và hơn 10 tờ báo tuần, bán nguyệt san, tạp chí… năm 2011, Sài Gòn - Tp.Hồ Chí Minh nhiều tờ báo tuần lần lượt tăng kỳ trở thành nhật báo (bên cạnh tờ nhật báo chính thống Sài Gòn Giải Phóng). Nếu cộng thêm các loại phụ trương, ấn phẩm, đặc san, tạp chí… thì không thể thống kê xuể vì hầu như ngành nghề, hiệp hội nào cũng có báo.

Sài Gòn & nghề bán báo dạo đang dần mai một

DDVN | 21/06/2016, 06:00

Trước năm 1975, Sài Gòn có khoảng trên 30 tờ nhật báo và hơn 10 tờ báo tuần, bán nguyệt san, tạp chí… năm 2011, Sài Gòn - Tp.Hồ Chí Minh nhiều tờ báo tuần lần lượt tăng kỳ trở thành nhật báo (bên cạnh tờ nhật báo chính thống Sài Gòn Giải Phóng). Nếu cộng thêm các loại phụ trương, ấn phẩm, đặc san, tạp chí… thì không thể thống kê xuể vì hầu như ngành nghề, hiệp hội nào cũng có báo.

Mỗi ngày, với một số lượng báo khổng lồ như thế (không kể các báo trung ương có văn phòng đại diện tại thành phố) phải thông qua các công ty phát hành để đến với độc giả gần, xa. Nhưng một “hệ thống” phát hành không kém quan trọng, góp phần tiêu thụ báo không nhỏ, đó là những người bán báo dạo Sài Gòn. Nhưng tréo ngoe thay, họ lại không phải là dân thành phố mà là từ miền trung vào. Vậy họ là ai?

"Giật tít miệng" để bán báo

Trước năm 1975 và sau ngày thống nhất đất nước cho đến cuối thập niên 1990, dân bán báo dạo Sài Gòn chủ yếu là người lao động nghèo thành phố và một số từ miền Tây lên ngụ cư tham gia vào đội ngũ này. Nam nữ thanh niên, người trung tuổi, lớn tuổi mà hầu hết là trẻ em độ tuổi 10-15 tay ôm xấp báo mới vừa nhận từ đại lý quen, miệng rao, chân chạy khắp các nẻo đường… đã trở thành hình ảnh quen thuộc của những người bán báo dạo Sài Gòn. Thậm chí những đứa trẻ con bán báo dạo còn có sáng kiến “giật tít miệng” một số bài báo gây ấn tượng trong số báo mới với vài lời “tường thuật” ngắn đề cập đến nội dung bài báo, mô tả sự ly kỳ, hấp dẫn, kích thích sự tò mò để “tiếp thị” với độc giả, chủ yếu là vụ án, điều tra, phóng sự nóng hổi mang tính thời sự và chắc chắn “ăn khách”.

Cách “tiếp thị” báo của dân bán báo dạo Sài Gòn rất độc đáo và đầy hiệu quả. Nhưng từ đầu thập niên 2000 trở về sau này, có lẽ những người bán báo dạo Sài Gòn độ tuổi trung niên trở thành chủ đại lý, chủ sạp báo. Còn người lớn tuổi đã giải nghệ, trẻ con thì đủ tuổi lớn khôn chọn những nghề khác có thu nhập khá hơn, ít dầm mưa dãi nắng hơn nên đã “giã từ dĩ vãng”. Thay vào đội ngũ này là một lớp người mới, họ từ miền Trung vào, nhiều nhất là Quảng Ngãi tập hợp lại thành một “quần thể nghề” là bạn bè, bà con thân thích, người cùng xóm, cùng làng đủ mọi lứa tuổi “nam phụ lão ấu” có cả, người trước rủ người sau vào thuê nhà trọ cùng dãy, thậm chí cùng một khu phố, cùng một phường để hành nghề bán báo dạo, cũng như hành nghề bán vé số, đánh giày, bán bánh chưng bánh giò, hủ tíu mì gõ… Hơn bao giờ hết câu “Buôn có bạn, bán có phường” được người miền Trung áp dụng rất chặt chẽ, hiệu quả để cùng tương trợ, giúp đỡ trong nghề nghiệp, chia sẻ vui buồn, hoặc khi đau ốm, hoạn nạn. Đây là đặc điểm của người miền Trung lưu lạc, xa quê…

Xóm báo dạo người xứ Quảng

Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy, P.12 Q.Bình Thạnh TP.Hồ Chí Minh, là khu nhà trọ của đội ngũ bán báo dạo rặt dân xứ Quảng. Họ gồm khoảng 40 người, đủ mọi lứa tuổi, từ đứa trẻ con đến người già hơn 60 tuổi mà hầu hết là cánh phụ nữ và gần như cùng quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi kẻ trước, người sau rủ nhau vào Sài Gòn chọn con hẻm này làm nơi ngụ cư để hàng ngày đi bán báo dạo. Nhà trọ ở đây giá khá mềm, một phòng nhỏ chỉ giá 300.000 đồng nhưng có thể “nhét” nguyên gia đình hai vợ chồng và mấy đứa con. Sở dĩ nhà trọ ở đây có giá “bèo” vì chủ nhà trọ cũng là chủ đại lý phát hành báo, một công đôi việc, chủ đại lý báo vừa giao báo cho người bán báo dạo, vừa xây nhà trọ cho họ ở thuê, đó cũng là một cách “nắm tóc”, được lợi đôi đường mà không sợ người bán báo dạo “quỵt” tiền bán báo. Mỗi ngày khu bán báo dạo này thức dậy vào khoảng 3-4 giờ sáng. Đó là giờ chủ đại lý báo đi nhận báo ở các tòa soạn báo hoặc công ty phát hành báo về giao lại. Từ đứa trẻ con cho đến cụ già ngoài 60 tuổi, tùy theo “địa bàn” và đôi chân “dẻo” của mình mà

nhận báo nhiều hay ít rồi kẻ đi xe đạp, người… lội bộ túa ra các nẻo đường hành nghề. Bán báo dạo cũng có nghĩa là “bán tin tức nóng hổi”, nên sự cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt, ai đi sớm, chạy nhanh, chiếm lĩnh “thị trường” trước thì ở thế “thượng phong”, người đi sau, chậm chân coi như thua cuộc. Chính vì sự cạnh tranh quyết liệt của nghề bán báo dạo mà nghề này có hai tiêu chí hàng đầu: thứ nhất dẻo dai, thứ hai… chai mặt, bởi lẽ không chỉ bền chân, lội khắp nơi mà còn bền lòng, không nản chí khi mời khách mua báo. Và vì thế chỉ có trẻ con, phụ nữ, người già mới theo nổi nghề này còn cánh đàn ông thì chịu thua.

Ở khu nhà trọ bán báo dạo người xứ Quảng có một nhóm phụ nữ chọn địa bàn khu nhà thờ Đức Bà và hồ Con Rùa để hoạt động. Ai có xe đạp thì đạp từ nhà trọ chở báo tới khu vực này gửi xe vào bãi gửi xe của Bưu điện TP, ôm báo đi bán dạo. Chiều lấy xe đạp về. Giờ làm việc của dân bán báo dạo bắt đầu từ lúc 3-4 giờ sáng tới khoảng 1-2 giờ chiều, nếu buôn may bán đắt thì hết báo, không thì “ôm”, vì theo nguyên tắc chủ đại lý báo giao chỉ được trả 50% báo ế. Thế nên khoản lời ít ỏi từ những tờ báo những hôm bán đắt cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống tạm bợ của người bán báo dạo, nhưng nếu những hôm ế ẩm thì phải trích ra một số để “bù lỗ”, do đó thu nhập của người bán báo dạo cũng khá bấp bênh. Nhưng so ra còn “dễ thở” hơn nghề nông ở quê nhà, một nắng hai sương mà cuối mùa vụ đôi khi trắng tay vì lũ lụt, hạn hán.

Một nghề cơ cực

Tôi đã theo chân chị Tuyết, một người bán báo dạo ở khu nhà trọ hẻm Bùi Đình Túy P.12 Q.Bình Thạnh tới “địa bàn” hoạt động của chị ở khu vực Nhà thờ Đức Bà, Q.1. Chị Tuyết quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cùng với chồng và hai đứa con vào Sài Gòn “lập nghiệp” vì ở quê làm ruộng không đủ ăn. Chồng chị làm công nhân đào đường, hễ có công trình thì có việc làm, không có công trình thì coi như thất nghiệp. Những ngày có công việc, chồng chị gần như sống trong “lô cốt” của công trình đào đường, ít khi về nhà. Một buổi chị Tuyết đi bán báo dạo, một buổi ở nhà chăm sóc con cái. Là một phụ nữ gần 40 tuổi, do cuộc sống lam lũ ở quê rồi vào Sài Gòn bán báo dạo dầm mưa dãi nắng nên trông chị già trước tuổi nhưng nhan sắc một thời thiếu nữ vẫn còn đọng lại trong nụ cười, ánh mắt dù chị ít khi cười, còn ánh mắt luôn có vẻ u ẩn. Chị Tuyết ôm một xấp báo dày cộp, hầu hết đều là báo ngày, vì người mua báo dạo ít khi xem báo tuần hoặc ấn phẩm, tạp chí. Chủ yếu là họ xem tin tức nóng hổi trong, ngoài nước hoặc chuyện vụ án, chuyện pháp đình hoặc phóng sự, điều tra hấp dẫn, ly kỳ.

Chị Tuyết là người chịu khó, lội khắp công viên trước Thống Nhất và khu vực hồ Con Rùa nhưng một buổi giỏi lắm cũng chỉ bán được 50-70 tờ báo, trung bình mỗi tờ báo lời 1.000 đồng thì cũng được chừng ấy tiền. Nhưng hôm nào bán ế, trên tay còn khoảng 20 tờ thì chỉ được trả cho chủ đại lý 10 tờ, chị “ôm” 10 tờ thì mất đứt vài chục ngàn đồng vốn, xem như ngày ấy không có lãi. Cũng có nghĩa, bữa cơm chiều hôm đó chị và hai đứa con nhỏ cũng ăn theo kiểu “thắt lưng buộc bụng”. Bà cụ Nhân, trên 60 tuổi nói giọng Quảng Ngãi đặc sệt, do địa bàn hoạt động hẹp, sức khỏe kém nên mỗi ngày chỉ nhận khoảng 30 tờ báo nhưng hôm nào trời nắng, chịu khó “lội” quanh các công viên lúc sáng sớm bán cho mấy người tập thể dục may ra hết “hàng”. Nhưng những hôm trời mưa thì thường cụ Nhân bị ế, “ôm” độ 20 tờ báo ế trong tay thì chân cụ bước không nổi ra trạm xe buýt để về nhà trọ. Có hôm cụ còn đi lạc đường, loanh quanh mãi phải kêu một cuốc xe ôm là coi như đứt cả vốn lẫn lãi.

Thế nhưng, cụ vẫn không chịu bỏ nghề bán báo dạo vì theo cụ về quê thì càng khổ do tuổi của cụ chẳng làm gì nổi ở quê làng, mà chỉ làm khổ thêm con cháu thôi. Nhưng tâm trạng nhất có lẽ là cô Thúy cũng cùng quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với chị Tuyết và cụ Nhân. Thúy là một cô gái trẻ, khoảng 19-20, cao ráo, xinh đẹp, da trắng, mái tóc dài phủ lưng, ôm một chồng báo dày cộp “lội” suốt những dãy phố có quán cà phê cóc, bàn ghế bày ra vỉa hè để bán cho những người nhàn rỗi ngồi nhâm nhi cà phê và ngắm… xe cộ ngược xuôi. Có lợi thế người đẹp “chân dài”, nên Thúy ghé vào mời là mấy anh mua ngay một, hai tờ báo là chuyện bình thường. Nhưng chuyện không bình thường là mấy anh hay “thả dê” cô bán báo dạo xinh đẹp, mời uống cà phê “tâm sự” hay “tán” chuyện trên trời dưới đất níu chân cô bán báo dạo đòi cô bỏ nghề về nhà nghỉ khỏe “có anh lo”.

Muốn giữ mối quen Thúy phải khéo léo để giữ “tình cảm”, nhưng nhiều ông hiểu lầm ”tình thương mến thương” của cô bán báo dạo là “tình thiệt” thì vô cùng rắc rối. Thúy tâm sự cô vào đây với mẹ, cô đi bán báo dạo còn mẹ thì bán nem, chả, bánh phồng, đậu phộng, trứng cút ở mấy quán nhậu dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc. Thu nhập của hai mẹ con cộng lại, sau khi trừ tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền mua sắm lặt vặt còn bao nhiêu gửi về quê nuôi ông bố bị bệnh liệt nửa người. Do đó đối với Thúy, ngày mưa tháng nắng gì cũng phải “dạo phố” bất đắc dĩ với chồng báo trong tay và khi bị mấy ông “dê xối xả” nói những lời xúc phạm cũng phải cắn răng mà nuốt nước mắt. Trường hợp của Thúy không phải là hiếm đối với những cô gái trẻ, xinh xắn mà phải đi bán báo dạo làm kế sinh nhai ở đất Sài Gòn. Và nghề bán báo dạo không chỉ cơ cực, nhọc nhằn mà còn đang dần mai một bởi báo giấy đang cạnh tranh khốc liệt với báo mạng.

Hồ An / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sài Gòn & nghề bán báo dạo đang dần mai một