Theo kết luận thanh tra Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) của Thanh tra Chính phủ, tập đoàn này vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn, hạch toán chi phí sai so với thực tế... để các công ty thành viên và thương nhân đầu mối hưởng lợi, còn người tiêu dùng chịu thiệt.

Sai phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn Petrolimex

Một Thế Giới | 03/03/2016, 13:26

Theo kết luận thanh tra Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) của Thanh tra Chính phủ, tập đoàn này vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng vốn, hạch toán chi phí sai so với thực tế... để các công ty thành viên và thương nhân đầu mối hưởng lợi, còn người tiêu dùng chịu thiệt.

Vi phạm quy định về giá

Theo kết luận thanh tra từ ngày 26.12.2013 đến 17.6.2014, Petrolimex đã vi phạm nhiều quy định trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp; quản lý hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các công ty thành viên, cũng như quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng đất trong suốt thời gian từ năm 2010 đến hết quý 2/2013.

Cụ thể, trong hoạt động kinh doanh, Petrolimex nhiều lần không tuân thủ yêu cầu điều chỉnh giá theo đúng quy định trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, cũng như văn bản yêu cầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Tập đoàn này tính chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu chênh lệch rất nhiều so với thực tế. Cụ thể, từ quý 2/2010 đến tháng 6.2013, liên bộ Tài chính - Công Thương trực tiếp điều hành giá bán lẻ xăng dầu, khi xây dựng giá cơ sở đã lấy yếu tố chi phí vận tải và phí bảo hiểm theo mức cố định như Petrolimex (xăng RON 92 là 2,5 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 2,5 USD/thùng, dầu hỏa là 3 USD/thùng...).

Nhưng qua kiểm tra, thực tế chi phí vận tải và bảo hiểm xăng dầu nhập khẩu về đến cảng Việt Nam tính bình quân theo sản lượng và đơn giá thực tế của từng chuyến tàu với từng mặt hàng như xăng RON 92 là 1,79 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 1,56 USD/thùng, dầu hỏa là 1,69 USD/thùng.

Chính vì vậy, từ năm 2010 đến tháng 6.2013, chi phí vận tải và bảo hiểm trong cấu thành giá cơ sở cao hơn thực tế 67,6 triệu USD. Điều này đã dẫn đến việc tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, vào tháng 9.2008, Bộ Công Thương đã có quyết định bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2. Tuy nhiên, đến tháng 9.2009, Petrolimex lại ban hành quyết định để tiếp tục phân vùng, với giá bán lẻ chênh lệch 2%. Tính theo mức tăng 2% của sản lượng tiêu thụ thực tế thì doanh thu vùng 2 tăng lên 2.796 tỉ đồng.

“Việc Petrolimex quyết định giá bán lẻ cao hơn giá do liên bộ điều chỉnh, không có văn bản chấp thuận của nhà nước là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của Pháp lệnh giá” - Thanh tra Chính phủ kết luận.

Đầu tư sai quy định gây thất thoát vốn

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận công ty mẹ - Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản với tổng số tiền 2.255 tỉ đồng.
Trong đó, đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỉ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex 171 tỉ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ) không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng.

Petrolimex sử dụng sai nguồn vốn đầu tư 646 tỉ đồng (dùng vốn kinh doanh để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản 231 tỉ đồng, cho các công ty thành viên vay dài hạn 414 tỉ đồng), chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo quyết định của Thủ tướng. Một số khoản đầu tư của công ty mẹ hiệu quả còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ - Petrolimex với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ quy định, không phù hợp giá bán do liên bộ điều hành, thể hiện ý chí chủ quan trong quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực.

Cụ thể, ở một số thời điểm, liên bộ điều chỉnh giảm giá xăng dầu nhưng công ty mẹ Petrolimex lại điều chỉnh tăng giá bán nội bộ, có thời điểm liên bộ điều chỉnh tăng thì Petrolimex lại giảm giá nội bộ (với cách biệt vài trăm đồng/lít).

Petrolimex cũng chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên, tăng bất thường từ 2,3 - 6,7 lần so với sản lượng bình quân.

Công ty Xăng dầu khu vực II và Công ty TNHH MTV Vipco Hạ Long đã buông lỏng điều kiện thanh toán khi ký hợp đồng bán tái xuất xăng dầu, cho phép bên mua chậm thanh toán nhưng không có điều kiện để đảm bảo thu hồi, làm phát sinh công nợ khó đòi 278.00 USD, nguy cơ mất vốn.

Chi phí thù lao của các công ty cho đại lý, tổng đại lý không minh bạch... Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm về những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trên thuộc Petrolimex và các công ty xăng dầu thành viên. Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý tập đoàn này 300.000 USD và gần 2.000 tỉ đồng.

Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản

Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Vipco ký hợp đồng hợp tác đầu tư 4 dự án tại thành phố Hải Phòng và chuyển 72,5 tỉ đồng vào tài khoản chung do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó cho phép công ty này rút hơn 21 tỉ đồng không có căn cứ. 
Số tiền rút ra không được sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng. Cơ quan chức năng xác định, thực tế Công ty Thiên Lộc Phú không hoạt động kinh doanh và đã bỏ địa chỉ kinh doanh từ năm 2013, đến nay còn lại 18,6 tỉ đồng không thu hồi được, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, ngày 10.4.2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh và ông Vũ Quang Khánh, Kế toán trưởng Công ty Vipco còn chuyển 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung thuộc Công ty Thiên Lộc Phú, hiện vẫn chưa thu hồi được.

Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giữa Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Petrolimex về xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Petrolimex.

Phó thủ tướng Phúc chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Petrolimex rà soát một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm, giá bán lẻ vùng 2, định mức hao hụt xăng dầu, giá cước vận tải nhằm thống nhất đánh giá và hoàn thiện nội dung kết luận thanh tra.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sai phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn Petrolimex