Việc Samsung thu hồi và tuyên bố khai tử mẫu điện thoại Galaxy Note 7 được xem như một cách thể hiện cam kết đầy cứng rắn và quyết tâm của mình, nhưng chỉ thế vẫn chưa đủ. Một tập đoàn công nghệ chỉ có thể tồn tại khi nó tung ra được những sản phẩm công nghệ chất lượng cao, vậy sau khi khai tử Galaxy Note 7, Samsung sẽ có gì để thay thế?

Samsung khai tử Galaxy Note 7, sau đó thì sao?

Nhàn Đàm | 13/10/2016, 07:51

Việc Samsung thu hồi và tuyên bố khai tử mẫu điện thoại Galaxy Note 7 được xem như một cách thể hiện cam kết đầy cứng rắn và quyết tâm của mình, nhưng chỉ thế vẫn chưa đủ. Một tập đoàn công nghệ chỉ có thể tồn tại khi nó tung ra được những sản phẩm công nghệ chất lượng cao, vậy sau khi khai tử Galaxy Note 7, Samsung sẽ có gì để thay thế?

Điều mà không ít người trong giới công nghệ dự đoán về vụ việc ầm ĩ liên quan đến chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 7 của Samsung đã trở thành sự thật, khi tập đoàn công nghệ Hàn Quốc vừa chính thức tuyên bố khai tử mẫu smartphone đen đủi này. Thậm chí, một số người còn dự đoán Samsung sẽ còn đi xa hơn bằng việc ngưng sản xuất series Galaxy đình đám trong nhiều năm gần đây để tập trung toàn bộ cho một sản phẩm mới nhằm giành lại vị thế vốn có. Dĩ nhiên, Samsung đã làm đúng khi không chỉ thu hồi toàn bộ các sản phẩm Galaxy Note 7 bị lỗi trên toàn cầu mà còn quyết định ngưng sản xuất dòng điện thoại này vĩnh viễn như một cách thể hiện cam kết đầy cứng rắn và quyết tâm của mình; nhưng với một tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới thì chỉ thế vẫn chưa đủ. Một tập đoàn công nghệ chỉ có thể tồn tại khi nó tung ra được những sản phẩm công nghệ chất lượng cao, và sau khi khai tử Galaxy Note 7 thì Samsung sẽ có gì để thay thế?

Ở thời điểm hiện tại, cả thế giới đang trầm trồ trước những thiệt hại mà sự cố liên quan đến mẫu điện thoại Galaxy Note 7 gây ra cho Samsung. Sau khi tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này tuyên bố khai tử dòng mẫu điện thoại nói trên, cổ phiếu của nó nhanh chóng sụt tới 8% chỉ trong vòng 1 ngày và là mức giảm lớn nhất trong vòng 8 năm gần đây, mức sụt giảm có chậm lại trong ngày thứ 2 khi chỉ sụt thêm 2% nữa thì cũng đủ để thổi bay khoảng gần 20 tỉ USD vốn hóa của Samsung trên thị trường chứng khoán. Đó mới là thiệt hại về giá trị cổ phiếu, còn thiệt hại thực tế ước tính lên tới khoảng 2,8 tỉ USD do các chi phí thu hồi, sửa chữa và sau đó là hoàn trả lại tiền cho khách hàng khi Galaxy Note chính thức bị khai tử.

Tuy nhiên, công bằng mà nói mức thiệt hại đó vẫn là quá thấp so với mức độ nghiêm trọng của sự cố mang tên Galaxy Note 7 mà Samsung đã gây ra. Đó không chỉ đơn thuần là việc tung ra một sản phẩm lỗi một cách bình thường, mà nó là một sai sót chết người có thể nhấn chìm toàn bộ tập đoàn đang đóng góp khoảng 20% GDP cho kinh tế Hàn Quốc. Một tập đoàn công nghệ dù nổi tiếng về lý thuyết không thể tuyệt đối tránh được việc không đưa ra các sản phẩm lỗi, nhưng không bao giờ được phép để thế giới nghi ngờ về khả năng của mình. Sự cố của mẫu điện thoại Galaxy Note 7 thời gian vừa qua không chỉ là một sự cố kỹ thuật đơn thuần, mà nó đang đánh thẳng vào uy tín và khả năng của Samsung. Sau sự cố nổ pin tại khá nhiều trường hợp trên toàn cầu, Samsung đã tiến hành thu hồi và sửa chữa phần lớn các sản phẩm Galaxy Note 7 trước khi đổi lại cho khách hàng sản phẩm mới mà theo tập đoàn này là đã hoàn toàn đảm bảo. Nhưng khi mà những chiếc điện thoại mới được đổi vẫn tiếp tục phát nổ, thì cả thế giới đã có đủ lý do để hoài nghi về khả năng thực sự của Samsung. Tiếp tục để lỗi cũ xảy ra sau khi đã thu hồi và sửa chữa, là điều gần như chưa từng có tiền lệ trong ngành sản xuất smartphone trên thế giới, nhất là khi đó là một lỗi khá nguy hiểm như phát nổ.

Kể cả đến thời điểm hiện tại, khi Samsung đã tiến hành thu hồi gần như toàn bộ các sản phẩm Galaxy Note 7 và tuyên bố khai tử mẫu điện thoại này, thì họ vẫn im lặng và không đưa ra lý do giải thích vì sao các mẫu điện thoại được đổi vẫn tiếp tục phát nổ. Người phát ngôn của Cơ quan Tiêu chuẩn và Công nghệ Hàn Quốc tuyên bốquá trình kiểm tra đang được mở rộng phạm vi và không loại trừ khả năng nguyên nhân phát nổ không chỉ là do pin như Samsung từng tuyên bố. Tất cả những điều này lại càng khiến cho sự nghi ngờ đối với Samsung trở nên lớn hơn bao giờ hết, và có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các sản phẩm kế tiếp của tập đoàn này.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Samsung ở thời điểm hiện tại là phải nhanh chóng tung ra một mẫu smartphone mới, càng nhanh càng tốt để giành lại thị phần chắc chắn đã bị sụt giảm rất nhiều sau sự cố. Với một thị trường yêu cầu phải liên tục tung ra các sản phẩm mới nếu như muốn duy trì thị phần như thị trường smartphone, thì việc thu hồi và khai tử Galaxy Note 7 đồng nghĩa với việc Samsung giờ đây không có mẫu điện thoại nào để cạnh tranh với iPhone 7 của Apple hay các mẫu smartphone mới nhất của các đối thủ khác như Sony, Xiaomi, Huawei hay Oppo; và chỉ có thể dựa vào các mẫu cũ như Galaxy S7. Trong năm 2015, thị phần của Samsung đã sụt giảm mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc khi từ vị trí số 1 năm 2013 đã rớt khỏi top 5; và sự cố này sẽ càng khiến cho doanh số của tập đoàn Hàn Quốc giảm mạnh hơn nữa.

Dù vẫn chưa công bố chính thức về mẫu smartphone mới thay thế cho Galaxy Note 7, thì có vẻ như Samsung đang dồn sức tập trung phát triển mẫu điện thoại thông minh cao cấp thuộc serie S, và có thể là một mẫu Galaxy S mới nhất. Không quá lời nếu cho rằng đây sẽ là sản phẩm quyết định tương lai của Samsung, vì một thất bại nữa sẽ khiến cho tập đoàn này không còn gượng dậy được. Không có một tập đoàn công nghệ nào còn trụ được sau khi trải qua hai sản phẩm thất bại lớn liên tiếp, và Samsung cũng không là ngoại lệ. Kể cả trong trường hợp chiếc Galaxy S mẫu mới nhất thành công, thì nó cũng chưa chắc đã giúp Samsung giành lại được thị phần vốn có trước đây, mà cùng lắm chỉ là duy trì được mức thị phần còn lại mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Samsung khai tử Galaxy Note 7, sau đó thì sao?