Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng "chúng ta làm hỏng môi trường, hủy hoại đất đai, tốn nhiều sức lao động, vốn liếng, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rất thấp. Người nông dân vẫn bấp bênh".
2.000 câu hỏi gửi tới Thủ tướng
Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân chiều 30.12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng.
Nhiều ý kiến quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, sản xuất, tiêu thụ nông sản…
Anh Y Pốt Niê đến từ buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Anna, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ rằng, Chính phủ đã có chủ trương chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị. Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, hỗ trợ nông dân thực hiện?
Một vấn đề nữa, từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Vì vậy, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là về vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới?
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) với các luật như Luật Đất Đại, Luật Hợp tác xã… để phục vụ người dân nói chung, trong đó có người nông dân.
Theo đó, đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng nguồn lực khoảng 800 nghìn tỉ đồng; phát triển hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu (các tỉnh, thành phố đã chi khoảng 6-7 nghìn tỉ đồng cho hạ tầng ứng phó hạn hán, sạt lở… và đang cố gắng giải ngân khoản ODA hơn 2 tỉ USD cho ĐBSCL...); đẩy mạnh chuyển đổi xanh, cắt giảm phát thải trong nông nghiệp, ví dụ chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là chương trình rất lớn và có lẽ là duy nhất trên thế giới.
Mặt khác, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và Chính phủ đã có kế hoạch triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội. Các hội đồng điều phối vùng cũng được Chính phủ thành lập.
Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83% trong 2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Không thể cạnh tranh nếu chỉ có những mảng đất nhỏ
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trao đổi thêm rằng: “Trước khi hỏi Chính phủ làm gì cho nông dân, người nông dân tự hỏi chính mình giúp gì được cho nhau, bởi vì từ chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được vì quy mô rất nhỏ, dù cà phê diện tích tương đối lớn”.
“Nếu người nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó”, ông Hoan nêu.
Theo ông Lê Minh Hoan, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam có 0,27 ha/người, bằng một nửa Thái Lan. Nếu ta so với các nước ở châu Âu thì họ có tới 7-10 ha bình quân 1 hộ sản xuất. Quy mô càng nhỏ chi phí càng lớn. Theo đó, không thể nào cạnh tranh được nếu không liên kết những mảng đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ trở thành một đại điền, ví dụ như tỉnh Thái Bình đang làm.
Bộ NN-PTNT cho biết nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì cộng đồng DN luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu; ví dụ như cà phê Tây Nguyên, DN sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Và chính DN là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp. “Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của châu Âu”, ông Hoan nêu.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ NN-PTNT đã cùng Hiệp hội cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân hiểu để đáp ứng đúng quy định này.
“Chúng ta đang trong quá trình đàm phán và vẫn còn thời gian để hoàn thiện nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu, không chỉ với cà phê mà với nhiều loại nông sản khác. Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của bộ cùng các đơn vị chuyên môn giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân”, ông Hoan nói.
Sản xuất nhiều, giá trị gia tăng vẫn thấp
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết cần tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa về mặt sản lượng. Đạt giá trị cao nhất trên một diện tích sản xuất mới là mục tiêu cuối cùng. Muốn làm được điều đó phải dựa trên công nghệ cao chứ không phải công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng, công nghệ cao chỉ là công cụ phương tiện.
“Đấy là chuyển đổi tư duy rất quan trọng hiện nay, để làm sao chúng ta không cần sản xuất quá nhiều. Chúng ta làm hỏng hết môi trường, hủy hoại về mặt đất đai, tốn bao nhiêu sức lao động, bao nhiêu vốn liếng, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rất thấp. Người nông dân vẫn bấp bênh”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh “cái quan trọng nhất là sản xuất bán được ở đâu và người nông dân thu nhập được bao nhiêu trên đơn vị diện tích đấy, chứ không phải là chỉ nói là sản xuất được bao nhiêu”.
Theo ông Dũng, trong nông nghiệp có 4 vấn đề mấu chốt: Giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng và thu mua, chế biến, bảo quản, bán ra thị trường.
Người nông dân đang làm đúng khâu thứ 3, là nuôi trồng. Tức là 3 khâu còn lại chưa làm được. Mỗi một khâu giả sử giá trị gia tăng đó chiếm 25% thì hiện nay mới làm được mỗi khâu nuôi, trồng chiếm 25%.
“Thế nhưng rất bấp bênh khi thiên tai, dịch bệnh thì người nông dân mất hết; thế thì làm giống thì chưa chắc, làm thức ăn chăn nuôi chưa chắc; cái khâu bảo quản chế biến chưa chắc… Chúng tôi muốn lần này chúng ta đi sâu vào khâu giống”, ông Dũng nói.
Theo đó, hiện nay trong quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, yêu cầu mỗi vùng, mỗi khu vực nông sản của mình phải có 1 trung tâm giống. Ngành nông nghiệp phải hỗ trợ cho người dân về lưu trữ, bảo quản, phát triển các loại giống và cung cấp các loại giống giá rẻ, chứ không phải cứ đi nhập khẩu. Ngoài ra, cần phát triển giống mới hiệu quả cao.
“Đấy là hai mục tiêu, cũng là hướng chúng tôi đang thành lập một trung tâm hỗ trợ cho nông nghiệp, cho DN, công nghệ cao. Trước mắt hình thành một trung tâm ở Hòa Bình, sau đó sẽ nhân rộng ra các vùng khác, các địa phương khác”, ông Dũng nói.