Đến nay, Việt Nam có 275.044 ca mắc COVID-19, trong đó 102.504 ca đã chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 607 trường hợp nặng và nguy kịch

Sáng 16.8: Hơn 600 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị ICU và ECMO

PV (tổng hợp) | 16/08/2021, 06:00

Đến nay, Việt Nam có 275.044 ca mắc COVID-19, trong đó 102.504 ca đã chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 607 trường hợp nặng và nguy kịch

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 275.044 ca nhiễm, xếp thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27.4.2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình.

Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Có 5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15.8, nâng tổng tổng số ca được điều trị khỏi: 102.504 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 589 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 15.8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19).

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 14.434.017 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.078.340 liều, tiêm mũi 2 là 1.355.677 liều.

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều Pfizer

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer

Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18.5.2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3.8.2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vaccine.

TP.HCM: Lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà

UBND TP.HCM vừa có văn bản giao các quận, huyện, TP Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên,...

Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.

Hà Nội: Tăng cường quản lý tại các khu cách ly tập trung 

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Theo đó, trong thời gian vừa qua, một số khu cách ly tập trung của Hà Nội còn hiện tượng số lượng ca mắc COVID-19 cao, tập trung tại một số phòng nhất định. Có những trường hợp đi cách ly về lại phát bệnh sau 2-3 ngày.

Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu các khu cách ly thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, quản lý người cách ly theo đúng quy định. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy tắc 5K trong khu cách ly y tế tập trung, hạn chế tiếp xúc giữa những người cùng phòng và đảm bảo khoảng cách giữa các giường...

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 cho đến nay) là 2.202 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.202 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.000 ca.

Bình Dương: Đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến 500 giường tại huyện Dầu Tiếng

Ngày 15.8, tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã đưa Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền với quy mô 500 giường vào hoạt động thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đây là khu điều trị được bố trí, tổ chức nhân sự, trang thiết bị với năng lực điều trị tầng 1 theo mô hình "Tháp 3 tầng" mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền được xây dựng trên cơ sở trưng dụng Trường Tiểu học Ngô Quyền trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng. Đây là bệnh viện đầu tư theo hình thức xã hội hóa do các đơn vị đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Ngoài Bệnh viện dã chiến vừa đưa vào sử dụng tại Dầu Tiếng, hiện tại trên đìa bàn tỉnh Bình Dương có 5 bệnh viện dã chiến khác.

Đồng Nai: 40 doanh nghiệp "3 tại chỗ" tiêm vắc xin 100% cho người lao động

Đồng Nai Online dẫn nguồn UBND tỉnh cho biết từ 16 -25.8.2021, Đồng Nai sẽ tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người lao động của 40 doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại 5 địa phương là TP Biên Hòa, Long Khánh, huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Các công ty trên nằm trong và ngoài KCN, đều có trên 500 người lao động/doanh nghiệp. Đợt này, những doanh nghiệp trên được phân bổ hơn 31,5 ngàn liều vắc xin để tiêm cho người lao động.

Các doanh nghiệp sẽ liên hệ trực tiếp với cơ sở thực hiện tiêm chủng để sắp xếp thời gian, địa điểm tổ chức tiêm chủng lưu động theo tình hình thực tế để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khẩn trương cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho dân vùng bị cô lập
16 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 16.8: Hơn 600 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị ICU và ECMO