Dù vậy, Warren Buffett hiểu rất rõ rằng ông sẽ không nắm quyền điều hành Berkshire Hathaway mãi mãi.
Berkshire Hathaway là tập đoàn đa quốc gia Mỹ có trụ sở ở thành phố Omaha (bang Nebraska, Mỹ), tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, như bán lẻ, bảo hiểm, đầu tư, năng lượng…Warren Buffett (năm nay 93 tuổi) làm Chủ tịch Berkshire Hathaway, từng được mệnh danh là Nhà tiên tri xứ Omaha.
Hôm 4.5, Warren Buffett đã lên sân khấu tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway để suy nghĩ về cách tập đoàn nên vận hành khi ông không còn là người chỉ đạo nữa.
Tiếp quản Berkshire Hathaway vào năm 1965, Warren Buffett từ lâu đã bày tỏ mong muốn tiếp tục đưa ra các quyết định tại Berkshire Hathaway lâu nhất có thể. Ông nói trong cuộc họp rằng “bất kỳ ai muốn nghỉ hưu ở tuổi 65 sẽ không đủ tư cách làm Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway”.
Tuy nhiên, đôi khi nhà đầu tư huyền thoại này cũng thừa nhận một cách hài hước rằng ông cũng có những giới hạn của mình.
Warren Buffett bày tỏ suy nghĩ về việc Berkshire Hathaway sẽ phát triển như thế nào nếu không có ông. Thế nhưng, tỷ phú 93 tuổi người Mỹ nói rằng ông cảm thấy ổn ở độ tuổi của mình.
Warren Buffett chia sẻ với kênh CNBC: “Tôi biết một chút về bảng số liệu tính bảo hiểm và sẽ nói điều này: Tôi không nên nhận bất kỳ hợp đồng lao động 4 năm nào như nhiều người đang làm trên thế giới này”.
Bảng số liệu tính bảo hiểm là các bảng thống kê hoặc bảng dữ liệu được sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính để đánh giá rủi ro và dự đoán các sự kiện liên quan đến tuổi thọ, tử vong, hoặc các sự kiện khác có liên quan đến sức khỏe và tuổi tác của con người. Bảng này thường được sử dụng để tính toán các mức đóng góp, các quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác liên quan đến rủi ro sức khỏe và tuổi tác.
Warren Buffett nói rằng Greg Abel sẽ nắm quyền kiểm soát các quyết định đầu tư khi ông qua đời. Greg Abel là người kế nhiệm được Warren Buffett chọn lọc kỹ càng và là cựu Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway Energy.
“Tôi sẽ giao việc phân bổ vốn cho Greg Abel và cậu ấy hiểu rất rõ về hoạt động kinh doanh. Nếu bạn hiểu doanh nghiệp, bạn sẽ hiểu về cổ phiếu phổ thông”, Warren Buffett nói trong phần hỏi đáp của cuộc họp, theo CNBC.
Là một trong những công ty con của Berkshire Hathaway, Berkshire Hathaway Energy hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, gồm sản xuất, truyền tải và phân phối điện cũng như mua bán khí tự nhiên.
Ngoài vấn đề về tuổi tác của mình, Warren Buffett còn suy ngẫm về cái chết của người bạn và đối tác kinh doanh lâu năm là Charlie Munger (qua đời hồi tháng 11.2023). Trong bài thuyết trình hôm 4.5, Warren Buffett đã vô tình gọi Greg Abel, cánh tay phải mới của mình, là Charlie Munger.
Greg Abel đón nhận điều này một cách thoải mái và gọi đó là "vinh dự lớn" khi bị vô tình gọi là Charlie Munger.
Warren Buffett cũng thảo luận về quyết định cắt giảm cổ phần của Berkshire Hathaway tại Apple, bày tỏ mối quan ngại về trí tuệ nhân tạo (AI) và deepfake, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục điều hành tập đoàn đến cuộc họp cổ đông năm tới.
“Tôi không chỉ hy vọng các bạn đến vào năm tới, mà tôi còn hy vọng mình sẽ đến vào năm tới”, tỷ phú nói trong lời kết của mình.
Warren Buffett và Berkshire Hathaway thu lời khủng nhờ đầu tư vào Apple
Warren Buffett vẫn sử dụng điện thoại nắp gập cho đến tận năm 2020, 4 năm sau khi Berkshire Hathaway bắt đầu tích lũy lượng cổ phần khổng lồ trong Apple.
“Tôi không hiểu gì về điện thoại, nhưng tôi hiểu hành vi của người tiêu dùng”, Warren Buffett nói tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway ở Omaha vào năm ngoái.
Tỷ phú sinh năm 1930 là một trong những những người ủng hộ Apple nhiều nhất những năm gần đây.
Vào cuối năm 2023, Berkshire Hathaway sở hữu khoảng 6% cổ phần Apple (trị giá 174 tỉ USD vào thời điểm đó), tương đương khoảng 40% tổng giá trị của tập đoàn này. Con số đó gấp khoảng 4 lần so với cổ phần ở Bank of America của Berkshire Hathaway và biến tập đoàn này thành cổ đông lớn thứ 2 của Apple, chỉ sau Vanguard.
Thế nhưng, việc Berkshire Hathaway đầu tư vào Apple từ năm 2016 không phải là ý tưởng của Warren Buffett. Đúng hơn, khoản đầu tư này được dẫn dắt bởi Ted Weschler, một trong những cấp phó hàng đầu của Warren Buffett, và được coi là sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ quản lý đầu tư tiếp theo của Berkshire Hathaway.
Năm 2017, Berkshire Hathaway mua nhiều cổ phiếu Apple hơn nữa và Warren Buffett bắt đầu nói về chuyện đó. Warren Buffett nói rằng ông thích cổ phiếu này và sản phẩm “được khóa chặt” trong hệ sinh thái của Apple dù không sử dụng nó.
Năm 2018, Warren Buffett cho biết người dùng Apple "rất gắn bó, ít nhất là về mặt tâm lý và tinh thần" với sản phẩm và hệ sinh thái. "Apple có một thương hiệu tiêu dùng phi thường", ông nhấn mạnh.
Warren Buffett từng nói rằng muốn sở hữu 100% Apple. Việc này dĩ nhiên là không thể, nhưng điều đó cho thấy sự yêu thích của ông với công ty này. Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, cho biết công ty rất vui khi có cổ đông lớn là Warren Buffett và Berkshire Hathaway.
Apple hôm 2.5 đã báo cáo doanh số iPhone giảm 10,5% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng doanh thu giảm 4%. Thế nhưng, cổ phiếu Apple đã có ngày giao dịch tốt nhất kể từ cuối năm 2022 vào hôm 3.5, phần lớn nhờ vào kế hoạch mua lại cổ phiếu kỷ lục trị giá 110 tỉ USD và tỷ suất lợi nhuận tăng nhờ hoạt động kinh doanh dịch vụ đang phát triển.
Việc đặt cược vào Apple và Tim Cook đã mang lại thành quả xứng đáng cho Warren Buffett, người tuyên bố vào năm 2022 rằng giá trị cổ phần Apple của Berkshire Hathaway chỉ là 31 tỉ USD. Berkshire Hathaway đã ghi nhận lợi nhuận gần 620% nhờ khoản đầu tư vào Apple từ năm 2016.
Dù tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa Luddite, Warren Buffett từ lâu đã có một quan điểm nhất quán không liên quan đến công nghệ về việc yêu thích Apple. Ông thấy người dùng Apple tận tâm như thế nào với thiết bị của họ và coi iPhone như một sản phẩm đặc biệt có thể khiến khách hàng tiếp tục chi tiêu trong hệ sinh thái Apple. Warren Buffett gọi đó là moat (con hào), một trong những từ yêu thích nhất của ông để mô tả các doanh nghiệp mình thích.
Chủ nghĩa Luddite là thuật ngữ để chỉ người hoặc nhóm người phản đối sự tiến bộ công nghệ, thường là do lo ngại rằng công nghệ sẽ gây ra sự thay đổi tiêu cực cho xã hội hoặc sự mất mát việc làm.
Warren Buffett nói tại cuộc họp năm ngoái: “Apple có một vị trí với người tiêu dùng khiến họ sẵn sàng trả 1.500 USD hoặc bất cứ giá nào cho một chiếc iPhone. Những người này cũng sẵn sàng trả 35.000 USD cho chiếc ô tô thứ hai. Nếu họ phải lựa chọn giữa từ bỏ chiếc ô tô thứ hai hoặc iPhone, họ sẽ bỏ chiếc xe thứ hai!".
Dữ liệu cho thấy điều này đúng. Theo một nghiên cứu từ hãng Consumer Intelligence Research Partners, Apple được hưởng lợi từ 94% khách hàng trung thành, nghĩa là 9/10 chủ sở hữu iPhone hiện tại ở Mỹ chọn một chiếc iPhone khác khi mua smartphone mới.
Warren Buffett cũng ca ngợi khả năng của Apple trong việc trả lại hàng tỉ USD cho các cổ đông hàng năm thông qua việc mua lại cổ phiếu và chia cổ tức, một chiến lược phân bổ vốn mà nhà đầu tư huyền thoại 93 tuổi có thể phải cảm ơn.
Khi được tờ Washington Post hỏi trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 về người mà ông tìm đến để xin lời khuyên vào những thời điểm quan trọng, Tim Cook đã kể câu chuyện về mối quan hệ giữa ông với Warren Buffett.
"Khi đang suy nghĩ về việc nên làm gì để trả lại tiền cho các cổ đông, tôi tự hỏi ai có thể thực sự đưa ra lời khuyên tuyệt vời ở đây? Ai sẽ không có thành kiến? Tôi đã gọi cho Warren Buffett vì nghĩ ông ấy là người phù hợp nhất", Tim Cook kể.
Apple đã thể hiện sự đánh giá cao của mình với Warren Buffett theo những cách khác.
Vào năm 2019, Apple đã xuất bản một trò chơi gốc trên iPhone có tên Warren Buffett's Paper Wizard, trong đó một cậu bé bán báo đạp xe từ Omaha đến thành phố Cupertino (bang California, Mỹ), nơi Apple đặt trụ sở.
Tuy vậy, Warren Buffett đã giảm cổ phần của mình tại Apple vào cuối năm ngoái, dù chỉ khoảng 1%.
Doanh thu của Apple đã giảm ở 5 trong 6 quý vừa qua và nhà sản xuất iPhone dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức một con số trong quý 2/2024. Ngay cả sau đợt tăng giá mạnh hôm 3.5, cổ phiếu Apple vẫn giảm 3,8% tính từ đầu năm 2024 đến nay, trong khi S&P 500 tăng 7,5%.
S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ. S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.