Theo Bangkok Post, bốn cuộc biểu tình tại Thái Lan nổ ra cuối tuần qua do 3 phe đòi dân chủ và 1 phe bảo hoàng tiến hành.

Sau Myanmar, bốn cuộc biểu tình tại Thái Lan nổ ra cuối tuần qua

Anh Tú (theo Bangkok Post) | 07/03/2021, 09:58

Theo Bangkok Post, bốn cuộc biểu tình tại Thái Lan nổ ra cuối tuần qua do 3 phe đòi dân chủ và 1 phe bảo hoàng tiến hành.

Hàng trăm người biểu tình tại Thái Lan đã tụ tập bên ngoài Tòa án Hình sự vào tối thứ bảy hôm qua 6.3 để kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ và đòi bãi bỏ luật phỉ báng hoàng gia, bất chấp lệnh mới cấm tụ tập công khai ở thủ đô.

thailand-1(1).jpg
Người biểu tình Thái Lan cũng giơ 3 ngón tay - Ảnh: Internet

Ba cuộc biểu tình khác trước đó trong ngày đã diễn ra một cách hòa bình, nhưng căng thẳng đã lên cao trước cuộc biểu tình do nhóm được gọi là REDEM (Khởi động lại nền dân chủ) tổ chức.

“Hãy thả những người bạn của chúng tôi ra”, những người ủng hộ REDEM đồng thanh hét lên khi họ tập trung trước tòa án trên đường Ratchadaphisek, nơi được bao quanh bởi hàng rào thép gai. Một vài đám cháy nhỏ mang tính biểu tượng đã được nhóm đốt lên dù bị  dập tắt nhanh chóng. Đáng chú ý, một số người đã ném chân dung hoàng gia vào đám cháy – điều bị coi là vi phạm luật pháp Thái Lan.

Tòa án đã nhiều lần từ chối bảo lãnh cho thủ lĩnh của phong trào ủng hộ dân chủ bị giam giữ trong khi chờ xét xử vì tội phỉ báng hoàng gia và các cáo buộc khác. Các thẩm phán viện dẫn xu hướng tái phạm của họ là một trong những lý do không cho bảo lãnh, nhưng những người phản đối nói rằng điều đó đi ngược lại nguyên tắc giả định vô tội.

Ngay trước 9 giờ tối qua, nhóm biểu tình đã tuyên bố kết thúc hoạt động trong ngày, để tránh lặp lại tình cảnh Chủ nhật tuần trước, khi cuộc biểu tình của họ kết thúc tồi tệ với nhiều người bị thương và bắt giữ. Họ kêu gọi những người ủng hộ tham gia một cuộc tuần hành lớn hơn do nhóm ủng hộ dân chủ Ratsadon lên kế hoạch vào Chủ nhật.

Một số người biểu tình vẫn ở lại hiện trường và vẫn còn tức giận về vụ bắt giữ với Piyarat “Toto” Chongthep, một thủ lĩnh của nhóm biểu tình WeVo. Chongthep và ba người khác bị bắt bởi những người đàn ông tự xưng là cảnh sát mặc thường phục lúc 18h40 tối qua.

Ngay sau vụ bắt giữ, những người biểu tình đã cố gắng chặn hai xe cảnh sát chở khoảng 14 người bị bắt giữ rời khỏi khu vực. Những người bị bắt được đưa đến đồn cảnh sát Phahon Yothin và một số người biểu tình tiến đến đó để chờ đợi những diễn biến tiếp theo.

Không biết liệu những người bị bắt có bị buộc tội vi phạm lệnh cấm tụ tập công khai đã sửa đổi hay không. Theo luật mới, người bị kết án có thể bị hai năm tù và / hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (1.000 baht ăn 33 USD).

Thông báo, được đăng trên Royal Gazette hôm 6.3, cụ thể hơn lệnh trước đó. Thông báo nêu tên sáu tỉnh áp dụng lệnh cấm tụ tập là Bangkok, Samut Prakan, Samut Songkhram, Nonthaburi, Nakhon Pathom và Pathum Thani. Lệnh cấm trước đó áp dụng dựa trên các khu vực kiểm soát dịch bệnh, nay đã sửa đổi do tỷ lệ lây nhiễm đang giảm ở hầu hết các nơi.

Thiếu tướng Piya Tavichai, Phó Cảnh sát Bangkok trước đó hứa rằng cảnh sát có thể không thực thi lệnh cấm tụ tập ngay lập tức, miễn là những người biểu tình hòa bình và không xâm phạm hoặc phá hoại tài sản công hoặc tư. Tuy nhiên, ông cảnh báo về các biện pháp khắc nghiệt hơn nếu những người biểu tình trở nên bất trị.

Tình hình 3 cuộc biểu tình khác tại Thái Lan như sau:

'Dern Talu Fah': Đại học Kasetsart

Ở phía bắc Bangkok, cuộc tuần hành “Dern Talu Fah” của các nhà hoạt động, gồm cả Mạng lưới Dân chúng, đã đến thủ đô sau khi khởi hành từ Nakhon Ratchasima vào ngày 16.2.

Jatupat “Pai” Boontararaksa của nhóm Dao Din, dẫn đầu cuộc diễu hành. Những người tham gia còn có Sulak Sivaraksa, 87 tuổi, một trong những nhà phê bình xã hội nổi tiếng nhất của Thái Lan.

Mục tiêu của những người xuống đường tuần hành là đòi Tướng Prayut Chan-o-cha từ chức thủ tướng, thay đổi hiến pháp, bãi bỏ luật phỉ báng hoàng gia và trả tự do cho các nhà hoạt động đã bị giam giữ theo Mục 112.

Cả nhóm đến chợ trời Zeer Rangsit vào buổi sáng và thực hiện một vài điểm dừng trên đường đi, gồm cả trước đài truyền hình ThaiPBS thuộc sở hữu nhà nước trước khi dừng chân tại khuôn viên Đại học Kasetsart.

Vào Chủ nhật hôm nay, họ dự định sẽ hoàn thành hành trình dài 246 km của mình bằng một cuộc tuần hành đến Tượng đài Dân chủ trên Đại lộ Ratchadamnoen.

Không có vụ đụng độ nào được báo cáo mặc dù họ đã bị cảnh sát kiểm soát đám đông chặn lại một thời gian ngắn vì cảnh sát không người biểu tình tiến vào Đường Vibhavadi Rangsit. Người biểu tình đã ngồi xuống đường để phản đối và các sĩ quan cuối cùng đã cho phép họ tiếp tục di chuyển.

Progressive Red: Khu phức hợp Lotus Rangsit-Government

Cũng ở phía bắc Bangkok, một nhóm ủng hộ dân chủ dưới sự bảo trợ của Ratsadon tự xưng là Progressive Red (Phe đỏ cấp tiến) đã gặp nhau tại cửa hàng Lotus Rangsit lúc 1 giờ chiều.

Họ đã định hành quân đến Trung đoàn bộ binh 11 nhưng sau đó đổi điểm đến là Tòa nhà B tại Khu liên hợp chính phủ trên đường Cheng Watthana. Họ đã bị chặn lại lúc 3 giờ chiều bởi cảnh sát. Tại ngã tư Big C Saphan Mai, cảnh sát dàn hàng ngang chặn dòng người biểu tình. Cảnh sát đã thương lượng với những người biểu tình để họ đi đường Vibhvadi Ransgit thay vì Phahon Yothin.

Sira Janejaka, nghị sĩ của Palang Pracharath cho Nonthaburi, đã đưa ra cảnh báo sau khi nghe tin những người biểu tình dự định đến thăm ông tại tư gia.

“Tôi cảnh báo các bạn không được băng qua hàng rào. Điều này không có nghĩa là tôi lo sợ các bạn. Tôi chỉ không muốn thấy mất mát. Nếu các bạn xâm phạm vào một khuôn viên nhà tôi với ý định làm tổn hại đến tôi hoặc tài sản của tôi, tôi có thể cầm vũ khí để bảo vệ chúng theo quy định của pháp luật”.

Những người bảo hoàng: CentralWorld

Tại khu mua sắm của thủ đô, các nhóm bảo hoàng đã gặp nhau gần CentralWorld để thể hiện tinh thần đoàn kết.

Họ mặc áo phông mang biểu tượng của nhóm mình, với màu vàng là chủ đạo. Nhiều người cũng buộc những dải ruy băng có màu sắc của quốc kỳ Thái Lan. Một số mặc màu xanh lá cây với thông điệp nói rằng họ là những người bảo vệ độc lập cho chế độ quân chủ.

Nhiều người biểu tình thuộc nhóm này cho rằng vụ đốt chân dung hoàng gia trước nhà tù Klong Prem hôm 28.2 là giọt nước tràn ly.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau Myanmar, bốn cuộc biểu tình tại Thái Lan nổ ra cuối tuần qua