“Chào mừng bạn đến với tin tức thay thế, theo phong cách Myanmar”.

Gần 60 người biểu tình chết, báo tiếng Anh của quân đội Myanmar đưa tin đậu, mù tạt lên trang nhất

Nhân Hoàng | 06/03/2021, 18:44

“Chào mừng bạn đến với tin tức thay thế, theo phong cách Myanmar”.

Myanmar đã mang đến cho thế giới những cảnh tượng kinh hoàng trong tuần này khi những người biểu tình không vũ trang bị cảnh sát, binh lính bắn và đánh đập dã man. Thế nhưng, tất cả đều bình lặng theo nhật báo tiếng Anh duy nhất của đất nước, The Global New Light of Myanmar.

Trong tuần này, một bài được dán nhãn là Tin nóng đã chạy trên trang nhất của trang web với tiêu đề "Đậu đen, đậu săng năm nay giảm trồng do thị trường bấp bênh". Cuối ngày thứ Tư (3.3) có tin tức địa phương mới nhất: "Mù tạt, các loại cây trồng khác được trồng trên quy mô có thể quản lý được bằng cách sử dụng nước ngầm ở thị trấn Minbu".

Chào mừng bạn đến với tin tức thay thế, theo phong cách Myanmar, nơi các nhà chức trách đã nỗ lực rất nhiều để không cung cấp thông tin.

The Global New Light of Myanmar do nhà nước kiểm soát chưa báo cáo về thương vong do các cuộc biểu tình bùng nổ với gần 60 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, không thể cáo buộc nó tránh hoàn toàn các chủ đề chính trị vì vẫn công bố trung thực mọi lời nói của nhà lãnh đạo cuộc đảo chính – Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Độc giả không nhận được bất cứ điều gì để tiếp cận tất cả các sự kiện. Khi đăng một câu chuyện trên trang nhất vào hôm thứ Tư về cuộc họp của các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), The Global New Light of Myanmar lưu ý rằng bộ trưởng
do quân đội Myanmar bổ nhiệm đã thông báo với những người khác về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ở nước này vào tháng 11.2020. The Global New Light of Myanmar không đưa một chữ nào về lời kêu gọi chấm dứt bạo lực trong cuộc họp, hay lời kêu gọi thẳng thừng từ bốn thành viên ASEAN rằng trả tự do ngay lập tức cho nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi.

gan-60-nguoi-bieu-tinh-chet-bao-cua-quan-doi-myanmar-dua-tin-dau-mu-tat-len-trang-nhat.jpg
Tờ Global New Light của Myanmar do chính quyền quân đội kiểm soát không đưa tin về số người biểu tình thương vong nhưng công bố trung thực từng lời nói của thủ lĩnh cuộc đảo chính Min Aung Hlaing

Trong phần lớn 60 năm qua, Myanmar đã nằm dưới tay các tướng lĩnh nghiền nát truyền thông tự do.

Dù có nhiều bản vá lỗi về quyền tự do truyền thông - cả trước và sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 - cuộc đảo chính đã làm gia tăng sự lo lắng trong các công ty thuộc sở hữu tư nhân, một số đã ngừng in và hiện chỉ còn có sẵn trên mạng. Thời báo Myanmar bản tiếng Anh đã đình chỉ xuất bản trong 3 tháng.

Tất cả những điều đó cho thấy phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở một quốc gia không cho phép tự do báo chí phải đấu tranh như thế nào để đạt được sự tín nhiệm quốc tế.

Trong khi các bài đăng trên mạng xã hội tấn công quân đội sẽ không làm cuộc đảo chính lung lay, các tướng lĩnh Myanmar sẽ mắc sai lầm nếu chỉ đọc và tin vào phương tiện truyền thông mà họ kiểm soát.

Các nhà độc tài ở những nơi khác cũng mắc phải sai lầm tương tự. Một trường hợp là Indonesia - quốc gia mà giới lãnh đạo quân sự đã theo cùng đường lối với Myanmar, trao cho quân đội 1/4 số ghế Quốc hội. Ở Indonesia, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Suharto, quân đội chiếm 20% số ghế trong Quốc hội, nhưng con số đó đã bị loại bỏ trong bối cảnh một loạt các cải cách dân chủ sau khi chính quyền ông sụp đổ năm 1998.

Kiểm soát các phương tiện truyền thông trong nước và không phải tiếp xúc với mạng xã hội, Suharto đã không thể thấy sự phản đối rộng rãi với chế độ của mình ngày càng tăng trong những năm 1990. Ông đã đóng cửa tạp chí nổi tiếng Tempo vài lần, lần cuối cùng vào năm 1994, khi không hài lòng về vai trò ngày càng tăng của các con ông trong công việc kinh doanh leo thang. Hậu Suharto, Indonesia có một nền báo chí tự do và sôi động, bao gồm cả tạp chí Tempo được khởi động lại, giúp theo dõi các hành động của chính phủ và ủng hộ nền dân chủ.

Trở lại khi Myanmar vẫn còn mang tên Miến Điện, quyền tự do báo chí chấm dứt sau cuộc đảo chính năm 1962 đưa tướng Ne Win theo chủ nghĩa biệt lập lên nắm quyền. Ne Win đã đóng cửa hơn 30 tờ báo độc lập và tống một số phóng viên, biên tập viên vào tù.

Một báo cáo năm 1991 về Myanmar của Ủy ban Luật gia Quốc tế ghi nhận quan điểm của chính phủ rằng bất kỳ ai cũng có thể tự do nộp đơn đăng ký bắt đầu xuất bản nhưng không ai dám làm. Báo cáo cho biết: "Các bài viết, kịch bản phim, thậm chí lời các bài hát phải được đệ trình cho Hội đồng Giám sát Báo chí theo luật năm 1962”.

Năm 1963, chế độ của Ne Win tung ra một tờ báo tiếng Anh có tên The Working People's Daily, mà một số người hoài nghi gọi là The Working People's Failings. Nó thường đưa ra mức độ bao quát về các sự kiện sẽ không được đề cập đến ở những nơi khác.

Ví dụ, vào năm 1986, nó đã lấp đầy các trang trong hơn một tuần ghi lại cách "69 công nhân xã hội chủ nghĩa xuất sắc nhất" được vinh danh ở thủ đô và thưởng bằng một chuyến đi đến bãi biển. Mỗi bước trong chuyến du ngoạn của họ đều được báo cáo. Một câu chuyện trên trang nhất đã thông báo với độc giả rằng nhóm đã "đi dạo dọc theo bãi biển Ngapali và thu thập vỏ sò vào sáng nay".

Nếu không muốn đọc về việc thu thập vỏ sò, độc giả có thể tìm đến các nguồn khác, nhưng về cơ bản, tất cả đều đưa tin giống nhau, do cùng một hãng thông tấn nhà nước cung cấp. Tờ Working People's Daily đã ngừng xuất bản vào năm 1993 khi chính phủ chuyển nó thành The New Light of Myanmar, một cái tên từ thời Anh.

Hiến pháp Myanmar năm 1974 nói rằng không thể thực hiện quyền tự do ngôn luận "trái với lợi ích của nhân dân lao động và chủ nghĩa xã hội". Hiến pháp năm 2008 cho phép một số phạm vi tự do ngôn luận "nếu không trái với luật, được ban hành vì an ninh của liên minh, sự phổ biến của luật pháp và trật tự, hòa bình và yên tĩnh của cộng đồng hoặc trật tự và đạo đức công cộng".

Đáng khích lệ cho tương lai, một số phương tiện truyền thông tư nhân đang chống lại việc bị bắt nạt sau cuộc đảo chính ngày 1.2. Họ bác bỏ hướng dẫn từ Bộ Thông tin rằng không nên sử dụng từ "chính phủ đảo chính" hoặc "chế độ quân sự" để mô tả các nhà chức trách hiện tại, khẳng định rằng điều này "mâu thuẫn với quyền của các phương tiện truyền thông báo chí được đưa tin và phát sóng tự do" theo hiến pháp năm 2008 và tuyên ngôn thế giới về quyền lợi của con người.

Thế nhưng, với lịch sử và tính cách của các tướng lĩnh Myanmar, ít ai dám cá rằng một môi trường tốt hơn, tự do hơn cho giới truyền thông sẽ được đảm bảo trừ khi đất nước có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc.

Bài liên quan
‘Tướng lĩnh Myanmar khó chịu vì Trung Quốc thân với bà Suu Kyi, ông Tập không hài lòng về cuộc đảo chính’
Trung Quốc cần Myanmar ổn định để hoàn thành các dự án' Vành đai và Con đường' chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
33 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 60 người biểu tình chết, báo tiếng Anh của quân đội Myanmar đưa tin đậu, mù tạt lên trang nhất