The New York Times vừa có bài viết "Ukraine đang tiến lên và Nga đang rút lui, nhưng Tổng thống Zelensky có một vấn đề lớn" nêu bật những khó khăn cực kỳ khó giải quyết về kinh tế.
Vấn đề lớn nhất của Kyiv có thể không phải là mối đe dọa quân sự, mà là đối phó với sự tàn phá mà các cuộc tấn công của Nga gây ra cho nền kinh tế của Ukraine. Nó đến vào thời điểm mà triển vọng về dòng viện trợ lớn và liên tục rất cần cho chính quyền Volodymir Zelensky có thể giảm bớt do điều kiện kinh tế xấu đi ở phương Tây.
Bất chấp những đảo ngược quân sự gần đây, Nga vẫn giữ được sức mạnh hủy diệt to lớn. Chỉ trong vài tuần gần đây, tên lửa và máy bay không người lái của Nga đã tấn công 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện liên tục trên khắp đất nước. Các loạt tên lửa khiến khoảng 4,5 triệu người Ukraine không có điện. 80% cư dân Kyiv bị thiếu nước; 350.000 ngôi nhà bị mất điện. Các cuộc tấn công tên lửa trong tuần này cho thấy, Nga sẽ không dừng lại.
Trong tất cả những điều trên, giới lãnh đạo của Ukraine phải đáp ứng nhiều nhu cầu cơ bản của người dân, những người mà cuộc sống của họ đã bị đảo lộn. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc trong tháng này đã báo cáo rằng 6 triệu người Ukraine hiện đang “di tản trong nước” (ngoài ra là 7 triệu người đã tỵ nạn ở nước ngoài.). Theo Ngân hàng Quốc gia Ukraine, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 35% vào quý 2 năm nay, tỷ lệ nghèo vốn là 2,5% vào năm 2020, có thể đạt tới 25% vào tháng 12 và rồi lên gấp đôi vào cuối năm tới. Biến động và tàn phá thời chiến đặc biệt khó khăn đối với trẻ em; gần nửa triệu người nữa ở Ukraine đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói, tỷ lệ lớn thứ hai trong khu vực.
Hoàn cảnh khó khăn của Ukraine phản ánh khuôn mẫu lịch sử. Các cuộc chiến tranh kéo dài thường tàn phá nền kinh tế của các bên tham chiến và những tác động xấu kéo dài sau khi cuộc chiến kết thúc. Các ước tính cho việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh nằm trong khoảng từ 349 tỉ USD đến 750 tỉ USD - ngay cả trước khi có thể quan sát toàn bộ mức độ tàn phá. Mặc dù đã có gợi ý về việc sử dụng các tài sản của Nga "bị tịch thu" để giúp thanh toán các chi phí, nhưng điều này có thể gặp vô số trở ngại pháp lý.
Đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt chính phủ Kyiv có nhiều vấn đề hơn. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng GDP của Ukraine sẽ giảm 35% trong năm nay và các ước tính khác dự đoán rằng mức giảm có thể lên tới 40%. Mặc dù Ngân hàng Quốc gia Ukraine hy vọng kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2023, thậm chí quay trở lại mức GDP trước chiến tranh nhưng điều đó sẽ đòi hỏi nhiều năm tăng trưởng cao.
Tổng thâm hụt ngân sách hàng tháng của Ukraine lên tới 5 tỉ USD, và chính phủ đã buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ phương Tây và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Thủ tướng Denys Shmyhal gần đây cho biết rằng với khoảng cách dự kiến giữa chi và thu, đất nước của ông sẽ cần 42 tỉ USD viện trợ cho năm 2023. Tổng thống Zelensky đã bổ sung thêm 17 tỉ USD để xây dựng lại các nhà máy điện và nhà ở bị hư hỏng hoặc phá hủy. Gộp lại, số tiền này tương đương gần 30% GDP hiện tại của Ukraine.
Chiến tranh cũng đã khiến hoạt động thương mại của Ukraine giảm mạnh. Đến cuối tháng 9, thâm hụt thương mại đã tăng hơn gấp đôi lên 6,1 tỉ USD. Xuất khẩu nông sản — thu về 27,8 tỉ USD vào năm 2021 và chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu — bị ảnh hưởng nặng nề đặc biệt do Nga kiểm soát toàn bộ các cảng trước đây của Ukraine trên Biển Azov và một số trên Biển Đen.
Mặc dù xuất khẩu lương thực đã tăng sau một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine do Liên Hợp Quốc và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm trung gian vào tháng 7 và kể từ đó, hơn 11 triệu tấn ngũ cốc và các thực phẩm khác của Ukraine đã được xuất khẩu. Thế nhưng, Nga nắm dao đằng chuôi và có thể tùy ý thay đổi thỏa thuận. Hơn nữa, mặc dù thỏa thuận giúp Ukraine có thể tiếp tục xuất khẩu ngô và lúa mì, nhưng khối lượng chỉ bằng một nửa so với trước chiến tranh.
Các cuộc tấn công của Nga vào tài sản kinh tế của Ukraine không phải là mới, nhưng chúng đã đạt đến một tầm cao mới sau cuộc tấn công ngày 8.10 được cho là của Ukraine vào Cầu Kerch nối Crimea vào lãnh thổ Nga. Cùng ngày hôm đó, ông Putin bổ nhiệm tướng Sergei Surovikin điều hành “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine. Sau đó, lưới điện, đập nước, nhà máy nước, nhà máy xử lý nước thải và nhà máy nhiệt điện trên khắp Ukraine chịu các cuộc tấn công không ngừng nghỉ.
Lưới điện là mục tiêu hàng đầu của người Nga và họ có thể làm tê liệt thêm bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu cần thiết để duy trì hoạt động. Ukraine, vốn đã lên kế hoạch kiếm được 1,5 tỉ euro vào năm tới từ việc bán điện cho Liên minh châu Âu, đã phải tạm dừng xuất khẩu và có thể phải nhập điện từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhiều nguồn. Quốc hội Mỹ đã 3 lần ủy quyền — vào tháng 3, tháng 5 và tháng 9 — để duyệt chi gần 20 tỉ USD dưới nhiều hình thức viện trợ kinh tế và nhân đạo (một phần của gói hỗ trợ kinh tế và quân sự trị giá 54 tỉ USD). Chính quyền Biden đã cung cấp 8,5 tỉ USD hỗ trợ kinh tế cho đến nay và có kế hoạch bổ sung thêm 4,5 tỉ USD nữa. Liên minh châu Âu cam kết 11 tỉ euro nhưng chỉ giải ngân 27% và chủ yếu là các khoản vay, mặc dù với lãi suất ưu đãi. Các nhà hảo tâm khác bao gồm Anh, quốc gia đã đóng góp 1,6 tỉ bảng vào giữa năm, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp 6 tỉ USD viện trợ khẩn cấp vào tháng 7, một phần trong số 13 tỉ USD mà họ đã đảm bảo để giúp đỡ Ukraine. IMF cũng huy động được hàng tỉ USD.
Với tình trạng khó khăn về kinh tế của Ukraine, nước này rất cần một lượng lớn viện trợ liên tục, nhưng huyết mạch này có thể bị đe dọa bởi các xu hướng kinh tế đáng lo ngại ở phương Tây.
Những xu hướng đó một phần là do hậu quả của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đặc biệt là giá năng lượng tăng vọt do sự trả đũa của Moscow thông qua việc cắt giảm mạnh việc bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng euro đã tăng lên 10,7% và vượt quá 20% ở ba quốc gia vùng Baltic. Tại Mỹ, bất chấp những tin tức tích cực về một số chỉ số kinh tế chính, tỷ lệ này là 7,7%, ở Anh là 11,1%. Và với việc các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để đáp trả, các nền kinh tế phương Tây có thể rơi vào suy thoái.
Viện trợ cho Ukraine sẽ không cạn kiệt, nền kinh tế Ukraine cũng sẽ không sụp đổ. Thế nhưng, các chính phủ phương Tây có thể gặp khó khăn hơn do nhiều áp lực để tiếp tục gửi hàng tỉ USD cho Kyiv trong khi công dân của họ phải chịu đựng giá cả tăng cao và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Ba Lan, Đức và Hungary hiện đang phải vật lộn để tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine hơn và tâm trạng lúc này ở châu Âu đã trở nên kém hào hứng hơn khi đón dòng người di cư từ Ukraine tăng lên, sau các cuộc tấn công dồn dập của Nga vào các thành phố.
Hơn nữa, IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ nhận được những cuộc gọi cầu cứu khẩn cấp từ các nơi khác trên thế giới, bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp và thậm chí trung bình đang chịu áp lực nợ khi lãi suất toàn cầu tiếp tục tăng. Theo Liên Hợp Quốc, 54 nước đã có “vấn đề nợ nần nghiêm trọng”. Nỗi đau kinh tế có thể trở nên tồi tệ hơn khi đồng USD tăng giá do Fed tăng lãi suất và đẩy giá thực phẩm nhập khẩu lên cao.
Phương Tây đã cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ của họ và chỉ trong tuần này, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự và kinh tế khẩn cấp trị giá 37,7 tỉ USD cho Kyiv. Thế nhưng để đạt được kết quả đó có thể mất nhiều thời gian và tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn hơn dự đoán hồi những tháng đầu của cuộc chiến này. Về phần mình, người Ukraine đã chống lại cuộc tấn công của Nga với sự kiên trì và tháo vát phi thường. Nhưng họ có thể thấy rằng các vấn đề kinh tế do chiến tranh gây ra tỏ ra khó chữa hơn nhiều.