Một cựu quan chức Mỹ nói với Newsweek rằng Washington có tuyên bố chủ quyền trên một hòn đảo bị Nga kiểm soát 100 năm trước.
Hòn đảo này có tên Wrangel, cách Alaska (Mỹ) 434 km về phía tây bắc, ở Bắc Băng Dương vùng viễn đông của Nga, giữa Biển Chukchi và Biển Đông Siberi.
Vào tháng 10, việc không quân Mỹ đánh chặn các máy bay ném bom của Nga ở khu vực rìa Alaska, làm nổi bật vị trí chiến lược của đảo Wrangel, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine.
Thomas Emanuel Dans, người từng là ủy viên của Ủy ban Nghiên cứu Bắc Cực Mỹ vào năm 2021, nói rằng chưa bao giờ có bất kỳ sự chấp nhận chính thức nào của Mỹ đối với chủ quyền của Nga tại đảo Wrangel mà Moscow coi là một phần của lãnh thổ tự trị Chukotka. “Các vấn đề về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ giờ đây là trung tâm và chính yếu”, ông Dans nói.
Năm 1881, đại úy Calvin Hooper cùng phi hành đoàn của ông đã hạ cánh trên đảo Wrangel và họ đã giương cao lá cờ Mỹ tại đây. Dans cho biết, có rất nhiều hồ sơ cùng thời về Wrangel - và quần đảo De Long (Nga) lân cận - được tuyên bố là lãnh thổ của Mỹ.
“Tuy nhiên, kể từ sau cách mạng Bolshevik, Nga đã đưa ra một số tuyên bố phát hiện ra hòn đảo này vào năm 1911 và đưa đảo này vào bản đồ lãnh thổ", cựu quan chức Mỹ cho biết.
Khoảng năm 1941, có cuộc thảo luận tại Quốc hội Mỹ về việc thành lập một căn cứ không quân của trên đảo Wrangel nhưng ý tưởng này đã bị gác lại sau khi Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng vào ngày 7.12 năm đó.
Sau khi Liên Xô tan rã, cựu thượng nghị sĩ Frank Murkowski và Jesse Helms đã phát biểu trong một cuộc tranh luận của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào năm 1991 rằng Washington không muốn hiệp ước ranh giới của Nga làm tổn hại đến các tuyên bố chủ quyền của Mỹ đối với các quần đảo tranh chấp trong tương lai.
"Về mặt kỹ thuật, chưa có một thỏa thuận nào liên quan tới chủ quyền của Wrangel giữa Mỹ và Nga”, Dans nói.
Tờ Kommersant của Nga ngày 2.11 đưa tin Bộ Tài nguyên Nga đang tìm cách nới lỏng các hạn chế về môi trường đối với Wrangel - nơi sinh sống của một số lượng lớn gấu Bắc Cực, hải mã Thái Bình Dương và các loài thực vật và chim di cư độc đáo đang được UNESCO bảo vệ.
Hòn đảo có diện tích gần bằng đảo Crete của Hy Lạp, cũng là nơi có căn cứ quân sự của Nga. Tổ chức Hòa bình xanh Nga đã bày tỏ quan ngại về tác động môi trường của các đề xuất của Moscow, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất liền và cho phép máy bay, trực thăng bay hoạt động thường xuyên trên đảo.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên Nga nói rằng các cơ quan bảo tồn Nga "không nên tạo ra trở ngại cho việc bảo vệ các lợi ích quan trọng nhất của nhà nước trong quốc phòng và an ninh quốc gia". Động thái này làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của đảo Wrangel.
Ngoài ra, tuyến đường biển phía Bắc đang trở thành con đường thuận lợi cho việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sang châu Á. Tuyến đường này sẽ đi qua Wrangel và quần đảo De Long, và quyền kiểm soát của Nga đối với quần đảo này có thể giúp họ quyết định cách thức vận hành tuyến đường biển đó.
"Các hòn đảo có thể là một phần của các cuộc đàm phán rộng lớn hơn nhằm đạt được một dàn xếp và tái cấu trúc quan hệ giữa Mỹ với Nga thông qua nhiều thỏa thuận khác. Việc Nga nhượng lại đất đai cho Mỹ cho thể là một bước đi hiệu quả làm dịu căng thẳng”, Thomas Emanuel Dans, người cũng từng là cố vấn tại Bộ Tài chính Mỹ, nhận định.