Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Y tế (TP.HCM) tập huấn cho các trường học về công tác tổ chức bán trú, nội trú nhằm đưa các hoạt động trở lại “bình thường mới” trong cơ sở giáo dục.

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất đưa các hoạt động giáo dục trở lại 'bình thường mới'

Tú Viên | 24/01/2022, 17:20

Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Y tế (TP.HCM) tập huấn cho các trường học về công tác tổ chức bán trú, nội trú nhằm đưa các hoạt động trở lại “bình thường mới” trong cơ sở giáo dục.

Chiều 24.1, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác dạy và học trực tiếp, đồng thời chuẩn bị cho học sinh các khối lớp còn lại đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán năm 2022.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình về dạy học trực tiếp trên địa bàn, trong đó đề xuất sau Tết Nguyên đán năm 2022, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 vẫn đến trường bình thường. Đối với các khối còn lại gồm mầm non, tiểu học và lớp 6, trường học chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị đón học sinh trở lại từ ngày 14.2 trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh.

bepan-16.9.jpg
Giờ ăn tại một trường tiểu học bán trú ở TP.HCM khi chưa xảy ra dịch bệnh - Ảnh: CTV

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, dù đã triển khai dạy học trực tiếp ở một số khối lớp nhưng các trường đều triển khai song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, tiếp tục dạy học trực tuyến cho những đối tượng học sinh chưa thể đến trường. Đến nay, tỷ lệ học sinh đi học thực tế ở các khối lớp đạt hơn 90%, trong đó khối 12 đạt tỷ lệ 96,26% học sinh đến trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay còn tình trạng nhân viên y tế ở các trường học chưa đạt chuẩn theo quy định. Tại nhiều đơn vị, giáo viên phải kiêm nhiệm công tác y tế trường học khiến chất lượng chăm sóc chưa đạt hiệu quả.

Ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, các văn bản hướng dẫn của hai ngành giáo dục và y tế đều không cấm các hoạt động tổ chức căn tin, bán trú và nội trú trong trường học. Tuy nhiên, vì lý do an toàn nên các trường còn e dè trong triển khai các hoạt động này.

Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Y tế (TP.HCM) tổ chức tập huấn cho các trường học về công tác tổ chức căn tin, bán trú, nội trú nhằm nỗ lực đưa các hoạt động trở lại “bình thường mới” trong cơ sở giáo dục.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin, hiện nay tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp của TP.HCM cao nhất và đối tượng mở rộng nhất so với 62 tỉnh, thành còn lại trên cả nước. Trong đó, quy trình xử lý khi phát hiện F0 trong trường học đang triển khai khá tốt, chưa phát hiện ca lây nhiễm chéo trong trường học.

Riêng với khối các trung tâm ngoại ngữ, tin học và đào tạo kỹ năng sống, dù UBND TP.HCM đã cho phép mở cửa hoạt động trở lại nhưng đến nay các cơ sở vẫn thận trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện hoạt động trở lại.

Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đối tượng học sinh tiểu học chưa được tiêm vắc xin COVID-19 nên nếu tổ chức cho các em trở lại trường cần những biện pháp ứng phó linh hoạt hơn.

Ngoài ra, với đối tượng học sinh nhỏ tuổi, trường học cần khôi phục lại các hoạt động căn tin, bán trú để đáp ứng nhu cầu gửi con cả ngày của phụ huynh, không nên kéo dài tình trạng học sinh đến trường một buổi, buổi còn lại gia đình phải vất vả sắp xếp người đưa đón, không đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa cho trẻ.

Trước thực tế trạm y tế địa phương nhiều nơi đang quá tải, trong khi đó đội ngũ nhân viên y tế trường học còn hạn chế, BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, thành viên Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề xuất, trường học có thể cân nhắc ký hợp đồng với các bệnh viện, cơ sở y tế trú đóng trên địa bàn để đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh.

Đối với quy trình xử lý F0 trong trường học, nhiều trường hiện nay yêu cầu phụ huynh phối hợp test nhanh cho con tại nhà tạo thêm gánh nặng kinh tế (cụ thể là chi phí mua bộ kit test) cho phụ huynh.

Ngành giáo dục có thể cân nhắc tổ chức phòng thi riêng cho các trường hợp học sinh là F0 không triệu chứng, đặc biệt đối với các kỳ thi quan trọng là tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT theo tinh thần sống chung với F0 chứ không nên bị động, tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh.

Vấn đề cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp sau thời gian trưng dụng phòng chống dịch bệnh cũng được nhiều ý kiến quan tâm. Cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đón học sinh các khối lớp còn lại đến trường sau Tết Nguyên đán cũng như các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho nhóm học sinh độ tuổi nhỏ hơn được đến trường.

Bài liên quan
Sở GD-ĐT TP.HCM lên tiếng vụ trường quốc tế phát sách nhạy cảm cho học sinh
Trưa 3.5, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ có hướng xử lý đối với Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) trong vụ việc giáo viên phát sách có nội dung "giường chiếu" nhạy cảm cho học sinh lớp 11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất đưa các hoạt động giáo dục trở lại 'bình thường mới'