Cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, riêng Hà Nội có tới 12 ca tử vong trong vài tháng qua.

Sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Hà Nội có 12 ca tử vong

Dạ Thảo | 28/10/2022, 11:14

Cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, riêng Hà Nội có tới 12 ca tử vong trong vài tháng qua.

Sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát mạnh

Theo Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 108 ca tử vong, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại Hà Nội ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết và có 12 ca tử vong vì bệnh này trong vài tháng gần đây.

Đến ngày 23.10, TP.Hà Nội ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tất cả các quận, huyện, thị xã và 92% xã, phường, thị trấn ở Hà Nội đều ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng (hơn 950 ca mắc), Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Nếu như đầu tháng 10, Hà Nội mới chỉ ghi nhận 5 ca tử vong do sốt xuất huyết thì tới nay đã ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết tại các quận, huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Đình và Long Biên. Theo dự báo của lãnh đạo CDC Hà Nội, đỉnh dịch sốt xuất huyết của Thủ đô là vào trung tuần tháng 11.

Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong do sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hằng năm từ nay đến tháng 11. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch khi thời tiết ở các tỉnh phía bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác (COVID-19, Adenovirus, cúm, thủy đậu...) cũng có nguy cơ bùng phát.

Trao đổi về dịch sốt xuất huyết bùng phát thời gian gần đây, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm đi kèm với sốt cao (40°C) hoặc nhiều triệu chứng khác.

Người bệnh sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì có thể gây chảy máu; không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

benh-nhi-3.jpg
Tiếp tục gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, nhiều ca biến chứng nặng

Bệnh nhân cần uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt, tuy nhiên nếu có dấu hiệu thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết… báo hiệu nguy cơ xuất huyết, dẫn tới hạ tiểu cầu, sốc sốt xuất huyết, cần ngay lập tức nhập viện.

Cần chú ý và theo dõi cụ thể các triệu chứng

Theo các chuyên gia y tế, đa số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 5, thứ 6 trở đi, tuy nhiên tổng hợp các ca bệnh năm nay các chuyên gia nhận thấy có điểm khác thường. Rất nhiều trường hợp dù đã sang ngày thứ 4, thứ 5 hết sốt nhưng tiểu cầu giảm nhanh, đau bụng dữ dội, nôn ói...

Các bệnh nhân có những biểu hiện như vậy thường nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.

"Con số mắc sốt xuất huyết năm nay vượt trội hơn hẳn so với năm ngoái. Các đơn vị cơ sở y tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, giường bệnh. Người dân cần nâng cao ý thức, không được chủ quan, lơ là vì bệnh xác định muộn sẽ rất khó điều trị.

Đặc biệt trẻ em là nhóm nguy cơ trở bệnh nặng cao hơn so với người lớn vì hệ miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện. Khi gặp các bệnh phá hủy hồng cầu, trẻ em dễ dẫn đến rối loạn nặng ở cơ thể. Bên cạnh đấy, việc bổ sung nước ở trẻ cũng khó hơn so với người lớn nên tình trạng sốt của trẻ thường tiến triển nặng và nhanh", bác sĩ Cường chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Cường, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà thường mắc sai lầm khi chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Bệnh sốt xuất huyết bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt…). Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa… Đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết, mức độ giảm tiểu cầu, theo các bác sĩ bệnh nhân cần xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150-450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10-20 G/L. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) ghi nhận một số ca có tiểu cầu dưới mức 5G/L, thậm chí có bệnh nhân có tiểu cầu mức 0 (không đo được).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Hà Nội có 12 ca tử vong