Tin đồn Mỹ sẽ lập căn cứ hải quân thường trực ở Sri Lanka - để "bao vây Trung Quốc" theo như nhận định của Bắc Kinh - đang lôi đảo quốc này vào cuộc đua Mỹ - Trung tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Sri Lanka có nguy cơ trở thành chiến địa để Mỹ - Trung Quốc đấu quyền lực

Mỹ Trinh | 31/07/2019, 14:32

Tin đồn Mỹ sẽ lập căn cứ hải quân thường trực ở Sri Lanka - để "bao vây Trung Quốc" theo như nhận định của Bắc Kinh - đang lôi đảo quốc này vào cuộc đua Mỹ - Trung tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Theo tờ báo Hồng Kông, ý thức được việc Sri Lanka lệ thuộc Trung Quốc vì đảo quốc quá nợ siêu cường châu Á này, vài tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Mỹ đã hối thúc Washington đem Sri Lanka vào chiếc ô ngoại giao của mình, mô tả Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Đô Dương - Thái Bình Dương Mở cửa và Tự do của Mỹ.

Trung Quốc xem chiến lược này là một cách bao vây Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các nước bạn của Mỹ ở châu Á.

Cuộc đấu quyền lực giữa Tổng thống với Thủ tướng Sri Lanka

Hồi cuối tháng 6, một tờ báo Sri Lanka đưa tin về bản sao bị rò rỉ của dự thảo Thỏa thuận Tình trạng các lực lượng (SOFA) giữa hai chính quyền Mỹ - Sri Lanka. SOFA cho phép quân đội Mỹ và các nhà thầu toàn quyền tiếp cận nước đón nhận họ.

Mỹ cũng đã ký SOFA với các quốc gia đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Iraq. SOFA có những điều kiện buộc binh sĩ Mỹ phải đối mặt với luật pháp Mỹ, nếu họ phạm pháp ở nước đón tiếp, nhưng không bị truy tố theo luật của nước đón tiếp.

Từ đó có sự đồn đoán rằng Mỹ muốn lập một căn cứ hải quân ở thành phố cảng Trincomalee (phía đông bắc Sri Lanka) vốn là một trong những cảng nước sâu lớn nhất của thế giới.

Bất chấp việc chính phủ Sri Lanka đã phủ nhận, tin đồn vẫn không xóa được, và đảng Quốc gia đoàn kết của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nói lý do chính là đối thủ chính trị quyết tâm nuôi tin đồn này.

Ông Wickremesinghe được cho là thân phương Tây, hiện bất đồng sâu sắc với Tổng thống Maithripala Sirisena. Năm ngoái, ông Sirisena cách chức ông Wickremesinghe và đưa ông Mahinda Rajapaksa (Tổng thống Sri Lanka từ năm 2005 đến 2015) vào ghế Thủ tướng. Nhưng một tòa án tuyên vụ cách chức là vi hiến, ông Maithripala lại phải khôi phục chức vụ này cho ông Wickremesinghe.

Từ vụ rò rỉ bản dự thảo SOFA, Thủ tướng Wickremesinghe luôn phải nhấn mạnh rằng không hề có kế hoạch cho phép bất kỳ nước nào lập căn cứ thường trực ở Sri Lanka. Ông nói các cuộc đàm phán nhằm gia hạn một thỏa thuận năm 1995 với Washington, và thỏa thuận này có chức năng tương tự SOFA.

Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka, bà Alaina B. Teplitz cũng khẳng định Mỹ không tìm cách lập căn cứ ở Sri Lanka, và khẳng định SOFA (còn gọi là thỏa thuận cho phép quân đội nước ngoài ghé thăm) là “một cập nhật của thỏa thuận hiện có, được thiết kế để giải quyết một số vấn đề cấp bách”. Bà nêu ví dụ vụ lụt năm 2017 ở Sri Lanka đã khiến chính phủ đảo quốc đề nghị giúp đỡ, và Mỹ đã gởi hàng viện trợ nhưng phải xin giấy phép của Colombo mới có thể bay vào Sri Lanka.

David Brewster, nhà nghiên cứu cấp cao ở Đại học Quốc gia Úc và chuyên về vấn đề an ninh Ấn Độ Dương, nói ông tin lời giải thích về SOFA của Đại sứ Mỹ là “hoàn toàn chính xác. Một thỏa thuận giúp tạo dễ dàng cho Mỹ giúp đỡ Sri Lanka trong một tình huống có sự đề nghị của chính phủ Sri Lanka. Mỹ không cần sự hiện diện quân sự ở Sri Lanka”.

Nhưng các nhà phân tích khác có các quan điểm ngược lại. Nhà nghiên cứu Gulbin Sultana người Sri Lanka thuộc Viện Nghiên cứu - phân tích Quốc phòng ở new Delhi nói: “Việc có một căn cứ nước ngoài liên quan chuyện chủ quyền lãnh thổ, gây ra câu hỏi về sự can thiệp của nước ngoài. Sẽ không chỉ có sự phản đối chính trị từ trong nước, mà các nước láng giềng khác cũng sẽ không vui”.

Trong khi Thủ tướng Wickremesinghe chưa tuyên hủy đàm phán SOFA với Mỹ vì nó gây tranh cãi, Tổng thống Sirisena cũng tuyên bố sẽ không ký duyệt bất kỳ thỏa thuận nào “phản bội tổ quốc”. Hồi đầu tháng 7, ông nói: “Vài thế lực nước ngoài muốn biến Sri Lanka thành một căn cứ của họ. Tôi sẽ không cho phép họ đến nước ta và thách thức chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.

Ông Wickremesinghe đáp lại rằng hải quân Mỹ “không phải là một đội tàu đánh cá và họ không cần bất kỳ căn cứ nào” ở Sri Lanka. Khi giải trình với Quốc hội Sri Lanka, ông cũng nói tài liệu dự thảo SOFA có những điều khoản do Mỹ đưa ra mà chính phủ của ông “không thể nào chấp nhận được”, nhưng không cho biết chi tiết các điều khoản đó.

Sri Lanka có nguy cơ trở thành chiến địa của Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung

Nilanthi Samaranayake, chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu chính sách - chiến lược thuộc Trung tâm nghiên cứu hải quân (ở Mỹ) nói vụ tranh cãi có nguyên nhân là sự bất đồng giữa Tổng thống và Thủ tướng của Sri Lanka. Bà nói một thỏa thuận SOFA là “bước tự nhiên kế tiếp” do quan hệ quốc phòng Sri Lanka - Mỹ dã ngày càng tăng kể từ năm 2015, “nhưng căng thẳng chính trị giữa hai quan chức này cho thấy các vấn đề như quan hệ quốc phòng có nguy cơ bị chính trị hóa”.

Vào cuối năm nay sẽ diễn ra bầu cử tổng thống Sri Lanka, với ông Sirisena “đấu” với ông Wickremesinghe. Nhà quan sát N. Sathiya Moorthy người Sri Lanka nói ông hy vọng Colombo sẽ bác bỏ đề nghị được lập căn cứ quân sự thường trực của bất kỳ nước nào.

Ông nêu chuyện chính phủ Sri Lanka phải chính thức bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota trị giá 1,5 tỉ USD cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm, vì Sri Lanka không thể thanh toán khoản nợ vay Trung Quốc để xây dựng cảng này. Nhưng Trung Quốc không có quyền xây dựng cơ sở hải quân ở đó.

Ông Moorthy nói: “Ngày nay, với Trung Quốc đã có mặt trên lãnh thổ Sri Lanka ở Hambantota suốt gần 100 năm, việc tiếp đón thêm các nước khác có thể gây nguy hiểm và những hậu quả khó lường trước cho Sri Lanka và các nước ở Ấn Độ Dương”. Ông nói Sri Lanka nên vĩnh viễn từ bỏ ý định tiếp nhận bất kỳ cơ sở hạ tầng nào để ngăn chặn các hậu quả từ cuộc đấu đá địa - chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc: “Nếu không thì Sri Lanka có thể vô tình trở thành một chiến địa thật sự và trực tiếp của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sri Lanka có nguy cơ trở thành chiến địa để Mỹ - Trung Quốc đấu quyền lực