Chiến lược "đánh phủ đầu" của Hàn Quốc để ngăn chặn bất kỳ cuộc đe tấn công hạt nhân nào từ Triều Tiên có thể làm tăng cuộc chạy đua vũ trang giữa hai bên.

Hàn Quốc lập kế hoạch 'phủ đầu' trước đe dọa tấn công hạt nhân từ Triều Tiên

Bảo Vĩnh | 26/07/2022, 15:13

Chiến lược "đánh phủ đầu" của Hàn Quốc để ngăn chặn bất kỳ cuộc đe tấn công hạt nhân nào từ Triều Tiên có thể làm tăng cuộc chạy đua vũ trang giữa hai bên.

Reuters ngày 26.7 có bài phân tích rằng Hàn Quốc đang đổ tài nguyên vào chiến lược đánh phủ đầu (nếu cần thiết) để ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc đặt cược vào Hệ thống tấn công phủ đầu “Chuỗi tiêu diệt” (Kill Chain).

Hệ thống này từng được phát triển 10 năm trước, lúc Triều Tiên gia tăng phát triển hạt nhân. “Kill Chain” nhằm đánh chặn tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, và thậm chí nhắm vào lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên nếu phát hiện sắp có một cuộc tấn công do Bình Nhưỡng phát động.

Mặc dù các chuyên gia và các cựu quan chức nói lập “Chuỗi Tiêu diệt” là hợp lý, nhưng cũng là sự liều lĩnh lớn và có tiềm tàng nguy cơ "không đáng tin cậy" để chống mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Ankit Panda của Quỹ Carnegie Vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ nhận định: “Mối đe dọa ngấm ngầm nhằm vào lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặc biệt gây bất ổn. Đe dọa hạ sát lãnh đạo của một quốc gia hạt nhân là rất nguy hiểm”.

Nhà nghiên cứu tên lửa Jeffrey Lewis của tổ chức chống phổ biến hạt nhân James Martin Center for Nonproliferation Studies (CNS), gọi kế hoạch của Hàn Quốc là “hướng hợp lý nhất để gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên".

"Đây là một kế hoạch quân sự rất có thể thành công, nhưng cũng là một phương án nhiều khả năng gây ra động lực leo thang không thể kiểm soát được và mở màn một cuộc chiến tranh hạt nhân”, Jeffrey Lewis nói. 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hiện vẫn chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức hồi tháng 5.2022, đã nói xây dựng chiến lược “Chuỗi Tiêu diệt” nhằm bảo đảm Triều Tiên không bao giờ mở một đòn tấn công.

Trong tháng 7 này, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố lập Bộ Chỉ huy Chiến lược vào năm 2024 nhằm giám sát các chiến lược tấn công phủ đầu và tấn công trả đũa. Các chiến lược này gồm cố gắng đạt được hệ thống “Chuỗi tiêu diệt” , nhanh triển khai vệ tinh trinh sát quân sự, phát triển tên lửa đạn đạo và mua thêm tàu ngầm, chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ.

Hàn Quốc cũng tìm cách phát triển vệ tinh cùng các công nghệ nhằm có thể tự phát hiện các mục tiêu ở Triều Tiên mà không phải nhờ Mỹ.

Vài tháng gần đây, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh và các tên lửa mà họ nói là có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, thu hẹp thời gian phản công của Hàn Quốc.

Panda nói: “Kim Jong-un có đủ lý do để tin rằng ông ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân một cách hạn chế và tiếp tục sống sót. Trong khi đó, việc Hàn Quốc chú trọng tấn công tiêu diệt có thể khiến Kim dùng đến các cách kiểm soát-chỉ huy nguy hiểm hơn trong một cuộc khủng hoảng, ví dụ ủy quyền sử dụng vũ khí của Triều Tiên ngay cả khi ông bị giết”.

Trong một báo cáo năm 2021, hai nhà nghiên cứu châu Âu là Ian Bowers and Henrik Stalhane Hiim nêu Hàn Quốc lập chiến lược tấn công phủ đầu còn nhằm đề phòng Mỹ "bỏ mặc" Hàn Quốc.

Các lo ngại của Hàn Quốc càng lên cao khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đòi Hàn Quốc đóng thêm hàng tỉ USD để hỗ trợ 28.000 quân Mỹ trú đóng ở Hàn Quốc, và ông còn dọa sẽ rút số quân này về nước.

Park Cheol-kyun phụ trách mảng chính sách quốc tế ở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho đến tháng 5 này, nói việc phát triển các khả năng không nhất thiết phản ánh những lo ngại về các cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Ông nói Bộ Chỉ huy Chiến lược mới của Hàn Quốc sẽ liên quan một hệ điều hành mới và cấu trúc chỉ huy mới, mang lại "sức mạnh tổng hợp" cho các loại vũ khí được sử dụng trong “Chuỗi tiêu diệt” và các hệ thống liên quan để tăng cường khả năng răn đe và phản ứng”.

Một thực tế bất tiện cho Hàn Quốc muốn thể hiện sự dũng cảm độc lập với Triều Tiên là bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào cũng phải được thực hiện với sự tham vấn của Mỹ, theo lời một cựu quan chức cấp cao của Mỹ am hiểu tình hình.

Ông này nói: “Tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu không phải là một hành động tự vệ và điều này sẽ thuộc phạm vi quyết định của đồng minh. Nã đạn vô cớ vào Triều Tiên sẽ là một "sự vi phạm nghiêm trọng" đối với Hiệp định Đình chiến vốn có hiệu lực kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc mà không có hiệp ước hòa bình chính thức”.

Trung tá Martin Meiners, người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối bình luận về việc triển khai các khí tài quân sự hay kế hoạch quân sự trong tương lai với Hàn Quốc, nhưng cho biết các quyết định về vị thế đồng minh sẽ được đưa ra song phương.

Ông nói với Reuters: “Trong khi Mỹ vẫn cam kết với một cách tiếp cận ngoại giao, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của Mỹ và các đồng minh của chúng tôi”.

Mark Esper, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Trump nói với Reuters rằng tự vệ là một nguyên tắc cơ bản gồm các cuộc tấn công phủ đầu nếu cần thiết.

Ông nói: “Nếu chúng tôi có thông tin tình báo rõ ràng rằng Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Seoul, thì đó chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu”.

Bài liên quan
Ông Kim Jong-un siết kỷ luật trong đảng Lao động Triều Tiên
KCNA hôm 28.6 đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lại triệu tập họp để bàn việc siết kỷ luật trong đảng Lao động Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc lập kế hoạch 'phủ đầu' trước đe dọa tấn công hạt nhân từ Triều Tiên