Chính phủ Sri Lanka tuyên bố đã hạ giá xăng dầu để giảm gánh nặng cho người dân sau một năm thiếu hụt và giá cả tăng vọt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước.
Từ đêm 29.3, các loại xăng và dầu diesel khác nhau đã được bán với mức giá giảm từ 8 - 26%.
Trước đó, ông Kanchana Wijesekara, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng Sri Lanka, nói rằng việc giảm giá bán xăng dầu nằm trong thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bao gồm chỉnh sửa chương trình trợ giá xăng dầu và lập mức giá căn cứ theo chi phí sản xuất và thị trường toàn cầu.
Tư nhân hóa tập đoàn dầu mỏ nhà nước để có tiền trả nợ
Trong một diễn biến khác, các công đoàn ngành dầu khí Sri Lanka hôm 29.3 đã phản đối một quyết định của chính phủ, đó là cấp giấy phép cho 3 công ty của Mỹ, Úc và Trung Quốc điều hành các trạm xăng ở Sri Lanka.
Các công đoàn cũng phản đối một kế hoạch tư nhân hóa một phần Tập đoàn Dầu mỏ nhà nước Ceylon. Tập đoàn này đang chỉ phải cạnh tranh với Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ. Họ dọa sẽ đình công khiến người dân đổ xô ra đường và xếp hàng dài để chờ mua nhiên liệu do lo sợ cạn nguồn cung.
Bộ trưởng Wijesekara nói dù đình công có thể gây ra sự gián đoạn, nhưng quân đội đang giúp bảo đảm các hoạt động kinh doanh xăng dầu bình thường. Bất kỳ sự thiếu hụt nào đều do các nhà buôn không đặt mua đủ số lượng nhiên liệu cần thiết vì họ dự đoán sẽ có một đợt giảm giá bán xăng dầu khác trong tháng 4 tới, theo AP.
Chính phủ Sri Lanka đang lên kế hoạch không tham gia kinh doanh và sẽ tư nhân hóa các công ty chủ lực có sự tham gia của nhà nước, nhằm có thêm nguồn thu cho quỹ dự trữ ngoại tệ và nối lại việc trả nợ nước ngoài.
Tuy nhiên, một số đảng chính trị đối lập và những công đoàn thương mại lại phản đối kế hoạch tư nhân hóa, với lập luận rằng việc bán các tài sản nhà nước có thể gây tổn hại cho các quyền lợi quốc gia.
Hồi năm ngoái, Sri Lanka đã phải hoãn trả nợ vay nước ngoài khoảng 7 tỉ USD đến hạn vào năm 2022. Các chủ nợ của Sri Lanka đã đồng ý tái cơ cấu khoản nợ của nước này.
Tổng thống Ranil Wickremesinghe cũng đang tìm kiếm một lệnh giãn nợ kéo dài 10 năm đối với các khoản nợ nước ngoài, do Sri Lanka đã cạn kiệt khoản dự trữ ngoại tệ. Ông nhấn mạnh Sri Lanka nếu không có sự bảo lãnh của IMF thì sẽ phải trả nợ vay từ 6 đến 7 tỉ USD mỗi năm và cho đến năm 2029 mới có thể thanh toán hết nợ.
Ông còn nói Sri Lanka đang nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng trong dài hạn thông qua quản lý tài chính thận trọng và lập một chương trình cải cách mạnh mẽ gồm tăng gấp đôi mức thuế và chấm dứt vung tiền trợ giá xăng dầu.
Tuy nhiên, các biện pháp thắt lưng buộc bụng vẫn khiến người dân bức xúc, dẫn đến các cuộc đình công làm tê liệt các lĩnh vực y tế và giao thông.
Dù đối mặt các thách thức, Bộ trưởng Tài chính Shehan Semasinghe nói rằng khoản bảo lãnh của IMF là “tuyệt đối cần thiết” cho Sri Lanka.
IMF: Chống tham nhũng là trách nhiệm của chính quyền Sri Lanka
Ngày 20.3, IMF đã phê chuẩn một chương trình bảo lãnh trị giá 2,9 tỉ USD cho Sri Lanka thông qua Quỹ mở rộng (EFF, viết tắt của Extended Fund Facility). Quỹ này được sử dụng để hỗ trợ các nước gặp khó về cán cân thanh toán trong dài hạn, đòi hỏi cải cách toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, IMF đã cảnh báo Sri Lanka không để nạn tham nhũng tràn lan gây hậu quả cho nỗ lực bảo lãnh. Trách nhiệm của nước này là giữ mức nợ ở cấp độ bền vững.
Tổng giám đốc IMD Kristalina Georgieva còn nói Sri Lanka cần tiếp tục theo đuổi cải cách thuế và mở rộng mạng lưới an sinh cho người nghèo, đẩy mạnh chống tham nhũng vốn là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế.
Sự hỗ trợ của IMF là một động thái chủ lực giúp Sri Lanka phục hồi từ một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948. Do vỡ nợ quốc tế khoảng 46 tỉ USD, đảo quốc 22 triệu dân lâm cảnh thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế suy giảm tới -7,8% hồi năm 2022.
Người dân nước này phải chịu mức thuế cao cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cùng nạn khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, họ còn phải chịu cảnh bị cắt điện mỗi ngày.
Cuộc sống khốn khổ đã khiến người dân xuống đường phản đối. Ông Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống Sri Lanka lúc đó, đã phải tháo chạy ra nước ngoài và từ chức. Ông bị cáo buộc lãng phí công quỹ vào những dự án phù phiếm do ỷ lại vào những khoản vay không bền vững từ Trung Quốc, quốc gia chiếm 10% trong khoản nợ của Sri Lanka.