Lãnh đạo Tập đoàn Standard Chartered cho biết sẽ dành 8,5 tỉ USD tài chính xanh và tín dụng bền vững cho Việt Nam.
Ông Jose Vinals - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered thông báo Tập đoàn đã cam kết dành 75 tỉ USD tài chính xanh và tín dụng bền vững trên toàn cầu đến năm 2024 như Biên bản ghi nhớ đã ký tại COP26, trong đó, dự kiến sẽ dành cho Việt Nam khoảng 8,5 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Standard Chartered cũng sẽ hợp tác với Ngân hàng Nhà nước để tổ chức hội thảo về tài chính bền vững, hỗ trợ hình thành thị trường mua bán carbon tự nguyện ở Việt Nam với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này.
Việt Nam hiện nay có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Theo đó, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2, Việt Nam cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước. Bởi tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Để làm được điều này, việc xây dựng, vận hành thị trường carbon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Do vậy, để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần xây dựng và ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành...
Nhiều năm nay, Việt Nam sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Trong khi đó, từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việt Nam đã hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.