Trước khủng hoảng năng lượng, Trung Quốc có lý do chính đáng để tìm nguồn năng lượng thay thế nhằm mục tiêu giảm khí thải carbon từ năm 2030 và xuống tới 0 vào năm 2060.
Ngày 22.9, phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố nước này đặt mục tiêu lượng phát thải carbon dioxide ở mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060.
Chủ tịch Trung Quốc lưu ý rằng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra lộ trình để thế giới chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, theo đó ông kêu gọi tất cả quốc gia "thực hiện các bước đi quyết liệt" tuân thủ thỏa thuận này.
Theo hãng tin Reuters, ông Tập không nói thông tin cụ thể, song tùy thuộc vào cách thức thực hiện chính sách này, động thái của Trung Quốc có thể hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than ở các nước đang phát triển.
Sở dĩ Trung Quốc chấp nhận như vậy một phần là do họ đang chịu sức ép ngoại giao trong việc ngừng đổ vốn vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, nhằm đảm bảo những cam kết của Bắc Kinh trong việc giảm lượng khí thải carbon, đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiện Trung Quốc là quốc gia có lượng phát thải carbon cao nhất trên thế giới, chiếm 25%.
Khỏi phải nói, các nước sau khi nghe cam kết từ Trung Quốc thì vỗ tay rào rào. Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã hoan nghênh tuyên bố của ông Tập, gọi đó là một đóng góp to lớn. "Chúng tôi đã nói chuyện với Trung Quốc một thời gian dài về vấn đề này. Tôi thực sự vui mừng khi nghe Chủ tịch Tập đã có một quyết định quan trọng", ông Kerry nói thêm.
Ông Alok Sharma - Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) - cũng hoan nghênh tuyên bố trên của ông Tập.
Và sau tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình thì Trung Quốc tự làm gương trước. Từ cuối tháng 9, Trung Quốc bắt đầu cắt giảm điện cung cấp cho các nhà máy. Họ có vẻ rất quyết tâm trong việc không đánh đổi lợi ích kinh tế bằng ô nhiễm môi trường.
Nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhà cung cấp của Apple, Tesla tại khu vực đông bắc đã phải dừng hoạt động. Các nhà cung cấp của Apple còn đang lo đứt gãy chuỗi cung ứng khi chuẩn bị bước vào mùa sản xuất cao điểm một số mặt hàng như mẫu iPhone mới nhất. Tại Giang Tô, một tỉnh gần Thượng Hải với nền kinh tế lớn gần bằng Canada, các nhà máy thép đã đóng cửa và một số thành phố tắt đèn đường. Ở Chiết Giang, khoảng 160 công ty sử dụng nhiều năng lượng bao gồm cả các công ty dệt may đã phải đóng cửa.
Theo Bloomberg, gần một nửa địa phương của Trung Quốc đã vượt các mục tiêu tiêu thụ năng lượng do trung ương đặt ra và đang chịu áp lực hạn chế sử dụng điện. Những nơi ảnh hưởng lớn nhất là Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - bộ ba tỉnh công nghiệp, chiếm gần một phần ba nền kinh tế Trung Quốc. Các địa phương tại phía bắc cũng phải cắt giảm nhu cầu điện, nhất là khi mùa đông tại đây lạnh giá hơn dẫn đến nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao.
Bloomberg phân tích cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc xảy ra một phần do nước này tự tạo ra. Về trước mắt, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn có một bầu trời trong xanh tại Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2.2022. Đó sẽ là minh chứng cho cộng đồng quốc tế thấy rằng ông nghiêm túc trong việc khử carbon hóa nền kinh tế.
Nhưng Trung Quốc sẽ phải có một chiến lược dài hơi hơn để giải quyết bài toán khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh họ không thể để tình trạng như hiện giờ kéo dài, các nhà máy cần phải có nguồn điện ổn định để sản xuất, nền kinh tế vẫn phải được hoạt động hết công suất... Trung Quốc có lý do chính đáng để tìm nguồn năng lượng thay thế nhằm mục tiêu giảm khí thải carbon từ năm 2030 và xuống tới 0 vào năm 2060.
Tuần qua, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc đã công bố một báo cáo đề cao ý thức bảo vệ môi trường của nước này là về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học. Báo cáo được nêu ngay trước thềm cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học, hay COP 15, được tổ chức tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, từ ngày 11-15.10.
Theo báo cáo về bảo tồn đa dạng sinh học, tổng lợi ích vốn tự nhiên của Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Daya do CGN và EDF hợp tác xây dựng cách đây hơn 30 năm, cũng là nhà máy thương mại quy mô lớn đầu tiên trên lục địa Trung Quốc, đạt 424,49 tỉ nhân dân tệ từ năm 1994 đến năm 2019.
Theo người phát ngôn của Công ty Yuan Changhong, công ty sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc phát triển năng lượng sạch một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo tính đa dạng sinh học. Công ty báo cáo đã cung cấp 263 tỷ kilowatt giờ năng lượng sạch hòa vào mạng lưới quốc gia năm ngoái, tương đương với việc giảm gần 210 triệu tấn carbon dioxide.
Dường như Trung Quốc đã sẵn sàng đẩy mạnh việc tăng cường sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân để thay thế cho điện phát khí thải carbon. Bằng không, Trung Quốc không thể dễ dàng tính việc đoạn tuyệt dần với nhiệt điện vốn tạo nhiều khí thải ra môi trường. Nói một cách hình ảnh, bạn cần ăn để nạp một lượng calo vào cơ thể và bạn chỉ có thể tuyên bố thôi ăn bánh bao sau khi bạn đã dự trữ nhiều mì gói trong nhà.
Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có quyền phát triển năng lượng xanh, trong đó có năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình. Chỉ có điều cần phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng nguồn năng lượng này, bởi vì chỉ cần sự cố nhỏ sẽ là thảm họa về môi trường lâu dài không chỉ cho chính nước sử dụng mà cho cả các nước láng giềng.
Không nói đâu xa mà ngay hồi giữa năm nay, ngày 16.6, Chính phủ Trung Quốc thông báo Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn gần Hồng Kông có 5 thanh nhiên liệu bị vỡ nhưng "không gây rò rỉ phóng xạ". Một tháng sau, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc khẳng định nguyên nhân làm rò rỉ khí trong lò phản ứng số một của nhà máy là có khoảng năm trong số hơn 60.000 thanh nhiên liệu của lò phản ứng này, chiếm 0,01% tổng số thanh nhiên liệu, bị lỗi.
Cụ thể là do sự hư hỏng của lớp vỏ bên ngoài một số thanh nhiên liệu, vốn không có biểu hiện trong quá trình sản xuất, vận chuyển và tải vào lò phản ứng. “Không tìm thấy các tham số bất thường khi giám sát môi trường ở vùng phụ cận của nhà máy Đài Sơn… Điều đó chứng tỏ không có sự rò rỉ khí phóng xạ ra bên ngoài lò phản ứng”.
Sự cố đó còn dẫn đến lo ngại về khả năng ảnh hưởng của phóng xạ đến Việt Nam. Rất may sau đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, do việc gia tăng phóng xạ không ảnh hưởng đến bên ngoài khu vực lò phản ứng nên không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhà máy cũng như không ảnh hưởng đến Việt Nam. Mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia cũng không ghi nhận được bất cứ dao động bất thường nào về chỉ số phóng xạ.
Cũng phải nói thêm rằng Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn có công nghệ hiện đại bậc nhất của Trung Quốc. Nhà máy có hai lò phản ứng nước áp lực, công nghệ tiên tiến EPR1600 của Pháp, mỗi lò công suất 1600 Mwe do Framatome thiết kế – công ty chuyên về lò phản ứng hạt nhân của Bộ Năng lượng Pháp. Đài Sơn bắt đầu được xây dựng vào năm 2008, lò phản ứng thứ nhất mới được đưa vào vận hành nối lưới điện 13.12.2018, lò phản ứng thứ hai vừa được vận hành vào ngày 7.9.2019. Ấy vậy mà sơ suất vẫn có thể xảy ra.