Tình trạng sử dụng kháng sinh liều thấp, phi điều trị trong thức ăn chăn nuôi nhằm tăng trọng lượng vật nuôi đang báo động. Điều này không chỉ dẫn đến việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh vật mà còn gây tác hại cho ngành y tế.

Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gây tác hại cho ngành y tế

Hồ Quang | 23/11/2020, 16:30

Tình trạng sử dụng kháng sinh liều thấp, phi điều trị trong thức ăn chăn nuôi nhằm tăng trọng lượng vật nuôi đang báo động. Điều này không chỉ dẫn đến việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh vật mà còn gây tác hại cho ngành y tế.

PGS.TS Ngô Thị Hoa – Trung tâm Y học nhiệt đới – Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, TP.HCM cho biết, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu Việt Nam không thay đổi cách dùng kháng sinh trong chăn nuôi và cùng với sự phát triển chăn nuôi, trong 10 năm nữa Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lượng sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp đến 157% so với lượng kháng sinh dùng cho nông nghiệp năm 2020.

su-dung-khang-sinh-trong-thuc-an-chan-nuoi-gay-tac-hai-cho-nganh-y-te-hinh-anh(1).jpg
Hiện nay kháng sinh đươc sử dụng ngày càng nhiều trong thức ăn chăn nuôi nhằm tăng trọng lượng vật nuôi đang gây hại cho ngành y tế - Ảnh: PV

Bà Hoa đưa dẫn chứng kết quả nghiên cứu khảo sát việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi có liên quan đến sự lưu hành của chủng E.Coli kháng ciprofloxacin và đa kháng thuốc trong các hộ và trại nuôi gà. Trong đó, kháng sinh colistin được sử dụng phổ biến thứ 3 trong các trại nghiên cứu và được báo cáo sử dụng trong 40/204 trại khảo sát.

Kết quả khảo sát vi sinh trong mẫu phân gà cho thấy, có khoảng 40% trại gà có mẫu phân gà mang vi sinh kháng colistin. Đối với mẫu phân người, dù không sử dụng kháng sinh colistin trên người trong cộng đồng cho thấy có sự hiện diện của vi sinh gram âm kháng colistin trong 25% nông dân, 17% người dân không chăn nuôi sống ở vùng có chăn nuôi (nông thôn) và 9% trên người không chăn nuôi và sống ở thành phố. Ngoài ta, khi khảo sát trong nhóm nông dân có trại gà dương tính với vi sinh kháng colistin, có đến 33% người mang vi sinh kháng colistin.

Theo bà Hoa kết quả này cho thấy việc sử dụng kháng sinh colistin trong chăn nuôi rất có thể là nguyên nhân dẫn đến việc mang vi trùng kháng colistin, là vi sinh mang gen mcr-1, trong phân gà và người. Hiện tượng mang vi trùng kháng colistin này không còn ít phổ biến và cần được quan tâm. Tuy nhiên, tính mang trùng này chưa được khẳng định có phải là mang trùng lâu dài hay không và cần được khảo sát tiếp theo. Các kết quả về người chăn nuôi mang vi sinh kháng colistin trong đường ruột tương tự cũng đã được báo cáo trên thế giới.

“Hiện nay việc sử dụng kháng sinh liều thấp, dưới ngưỡng điều trị trong thức ăn chăn nuôi cho mục tiêu tăng trọng đã được khuyến cáo phải dừng vì tác động của chúng đến việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh vật đã được xác định. Lợi ích kinh tế cho việc dùng kháng sinh cho mục đích tăng trưởng trong chăn nuôi không thỏa đáng so với tác hại chắc chắn mà việc này mang đến cho ngành y tế”, bà Hoa nói.

Trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có lộ trình cho việc dừng và cấm sử dụng kháng sinh liều thấp trong thức ăn vì mục tiêu tăng trưởng.

“Người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc dùng kháng sinh không có toa trong chăn nuôi, cần tuân thủ các quy định hiện hành trong việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi để góp phần làm giảm đi tác động của việc phát triển tính kháng thuốc trên vi sinh trong chuỗi cung cấp thực phẩm hiện nay”, bà Hoa khuyến cáo.

Bài liên quan
 Cảnh báo : Thuốc kháng sinh ciprofloxacin hủy hoại ADN ở người
Do thuốc kháng sinh phổ rộng ciprofloxacin chứa thành phần độc hại fluoroquinolone phá hủy ADN trong tế bào của cơ thể người, phá vỡ sự trao đổi năng lượng trong ty thể và ngăn chặn sự phát triển của tế bào nên các nhà khoa học Phần Lan cảnh báo: chỉ nên sử dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
5 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gây tác hại cho ngành y tế