SpaceX đã phóng thành công vệ tinh Sentinel-6 lên quỹ đạo cho NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hôm 21.11. Vệ tinh này sẽ theo dõi tác động của biến đổi khí hậu ở các đại dương trên khắp thế giới.

SpaceX phóng vệ tinh theo dõi mực nước biển cho NASA và châu Âu

Long Hải | 23/11/2020, 11:50

SpaceX đã phóng thành công vệ tinh Sentinel-6 lên quỹ đạo cho NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hôm 21.11. Vệ tinh này sẽ theo dõi tác động của biến đổi khí hậu ở các đại dương trên khắp thế giới.

ve-tinh-thoi-tiet.jpg
Vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich sẽ theo dõi tác động của biến đổi khí hậu ở các đại dương trên khắp thế giới.

Tên lửa Falcon 9 cao 70 mét được phóng từ Khu tổ hợp Phóng tàu không gian 4E (SLC-4E) tại Căn cứ không quân Vandenberg ở California lúc 9 giờ 17 sáng 21.11 (giờ địa phương). Falcon 9 mang theo trọng tải là vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich do các cơ quan thời tiết và vũ trụ Mỹ cùng châu Âu phát triển.

Vụ phóng đánh dấu lần hoạt động thứ 22 của tên lửa SpaceX Falcon 9 trong năm nay. Khoảng chín phút sau khi cất cánh, tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9 đã quay trở lại và hạ cánh thành công. Vệ tinh Sentinel-6 đã được triển khai thành công khoảng 53 phút sau khi tên lửa cất cánh.

nha-khoa-hoc.jpg
Vệ tinh được đặt theo tên của giáo sư Michael Freilich, cựu Giám đốc khoa Khoa học Trái đất của NASA

Vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich được đặt theo tên của giáo sư Michael Freilich, cựu Giám đốc khoa Khoa học Trái đất của NASA, người đã qua đời vì bệnh ung thư vào tháng 8. NASA và ESA đã đặt tên vệ tinh này vào tháng 1 trước khi ông Freilich qua đời, một vinh dự hiếm có đối với một nhà khoa học còn sống.

Gia đình của Freilich đã trực tiếp xem buổi phóng tên lửa, với con trai Daniel và con gái Sarah, để tưởng nhớ cha họ. Daniel Freilich nói khi chứng kiến ​​vụ phóng trong chương trình trực tiếp của NASA: “Tôi đã nghe ông ấy nói rất nhiều về nó”. “Nó thật lộng lẫy. Tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì lộng lẫy như vậy trước đây”, Sarah nói thêm.

Video vụ phóng Sentinel-6 Michael Freilich tại Căn cứ không quân Vandenberg ở California

Được chế tạo bởi Airbus ở Đức, Sentinel-6 Michael Freilich có kích thước gần bằng một chiếc xe bán tải nhỏ và mang theo nhiều thiết bị theo dõi sự thay đổi của mực nước biển. Để đo mực nước, các nhà khoa học sẽ chiếu tín hiệu điện từ xuống các đại dương trên thế giới và đo thời gian để chúng phản hồi trở lại.

Các nhà khoa học của dự án giải thích rằng mực nước biển dâng cao chỉ là một hệ quả của biến đổi khí hậ. Dữ liệu từ các vệ tinh quan sát Trái đất trước đây cho thấy tốc độ nước biển dâng tăng nhanh, vì vậy họ muốn có thể theo dõi nó trong một khoảng thời gian dài.

Vệ tinh trị giá 97 triệu USD này là vệ tinh đầu tiên trong cặp vệ tinh tập trung vào việc quan sát các đại dương. Vệ tinh tiếp theo là Sentinel-6B sẽ được phóng vào năm 2025. Hai vệ tinh này sẽ tiếp tục sứ mệnh kéo dài ba thập kỷ qua của NASA để ghi lại quá trình mực nước biển dâng, cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn chính xác hơn về đường bờ biển.

Thomas Zurbuchen, người đứng đầu bộ phận khoa học của NASA cho biết: “Khung cảnh đẹp nhất trên đại dương là nhìn từ không gian”.

Với dữ liệu do Sentinel-6 thu thập, các nhà khoa học trên khắp thế giới có thể thực hiện các quan sát với độ phân giải cao hơn về vùng đại dương gần bờ. Từ đó họ sẽ đưa ra các dự báo thời tiết chính xác hơn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Khi một cơn bão lớn phát triển trên biển, mực nước bị dồn lên. Các vệ tinh như Sentinel-6 có thể nhận ra bong bóng nước đang dâng lên và sử dụng thông tin này để dự báo. Các phép đo chi tiết cũng có thể được sử dụng để xem sự thay đổi của mực nước biển gần các đường bờ biển có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc điều khiển tàu và đánh bắt cá thương mại.

Ông Zurbuchen cho biết, NASA bắt đầu công việc nghiên cứu mực nước biển dâng vào những năm 1990. Mực nước biển đã dâng lên ở mức 2 mm mỗi năm trong khoảng thời gian này. Mức tăng đó đã lên 3 mm mỗi năm trong những năm 2000 và hiện nay đã đạt mức đáng kinh ngạc 4-5 mm mỗi năm.

“Chúng tôi đang theo dõi mực nước biển dâng ngay trước mắt. Những vệ tinh này cho phép chúng tôi làm điều đó”, nhà khoa học Josh Willis ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA cho biết.

Vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich gồm hai máy đo độ cao có độ chính xác cao. Một trong số đó có thể đo những thay đổi về chiều cao của bề mặt đại dương với độ phân giải 2 cm. Bằng cách theo dõi những thay đổi nhỏ trên bề mặt, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về các dòng hải lưu dưới đại dương trên khắp thế giới. Các phép đo của Sentinel-6 rất quan trọng trong việc tìm hiểu hiện tượng nào đang gây ra sự gia tăng mực nước ở một số khu vực nhất định.

“Câu hỏi về việc liệu mức nước biển có dâng lên hay không khi Trái đất nóng lên đã được giải quyết bởi các vệ tinh này, nó không còn là một câu hỏi. Cũng chắc chắn như trọng lực ngay tại nơi tôi đang ngồi, những đại dương này đang dâng cao và chúng ta cần xử lý những gì ảnh hưởng đến cuộc sống của mình”, ông Zurbuchen nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SpaceX phóng vệ tinh theo dõi mực nước biển cho NASA và châu Âu