Tại sao những hạt cà phê Việt Nam ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài?”, đó là câu hỏi đáng suy ngẫm mà nhà sử học Dương Trung Quốc đặt ra. Ông cũng nhắc đến chuyện cà phê cát Thổ Nhĩ Kỳ trở thành di sản UNESCO - điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Suy ngẫm về ly cà phê Việt và di sản cà phê cát Thổ Nhĩ Kỳ

04/10/2018, 14:51

Tại sao những hạt cà phê Việt Nam ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài?”, đó là câu hỏi đáng suy ngẫm mà nhà sử học Dương Trung Quốc đặt ra. Ông cũng nhắc đến chuyện cà phê cát Thổ Nhĩ Kỳ trở thành di sản UNESCO - điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Mỗi nền văn hóa khác nhau luôn có những câu chuyện khác nhau về cà phê để kể. “Thức dậy mỗi buổi sáng với một ly cà phê từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt”, đó là cách trang Lonely Planet mở đầu phần giới thiệu về văn hóa đồ uống phổ biến tại Việt Nam dưới con mắt của các du khách nước ngoài.

Thậm chí, ở Việt Nam, khái niệm du lịch với các tour du lịch cà phê, một ngày thử làm nông dân cũng không còn là khái niệm mới mẻ. Nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam đã có cơ hội được tìm hiểu và khám phá quá trình hình thành, phát triển của cà phê, các quy trình trồng, chăm sóc, chế biến để cho ra những ly cà phê.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 3/10, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã có những chia sẻ sâu sắc về câu chuyện văn hóa cà phê của người Việt. Ông cho biết, trong lịch sử ẩm thực Việt Nam có hai món đồ uống không thể không nói đến đó là trà (hay chè) và cà phê.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những chia sẻ sâu sắc về văn hóa uống cà phê của người Việt.

Có thể nói xứ ta là một trong những quốc gia của văn hóa trà, nhiều cây chè cổ cũng nằm ở lãnh thổ nước ta. Hiếm có nước nào uống trà xanh như Việt Nam, chỉ ngắt mấy lá trà tươi, không qua chế biến mà hãm luôn vào nước sôi là đã có thể có một tách trà.

“Trong lịch sử, khi Bác Hồ đến thăm nhà máy chè Phú Thọ, năm đó sản lượng chè tăng, Bác nhắc rằng, điều quan trọng nhất không phải là sản lượng mà quan trọng nhất phải là chất lượng”, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Một thức uống thứ 2 rất phổ biến đối với người Việt là cà phê. Cà phê không phải thức uống có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng sớm du nhập vào nước ta. Cà phê có nguồn gốc từ phương Tây, du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc địa.

Giờ đây, Việt Nam trở thành một trong 2 quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ý tưởng xây dựng tour du lịch cà phê cũng được cộng đồng làm du lịch mở ra.

Bắt đầu từ đó, những hạt cà phê được gieo ở Việt Nam và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

“Cà phê trở thành thức uống của ta, tạo nên phong cách của đô thị. Giờ đây chúng ta trở thành một trong 2 quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng lại yếu về chế biến. Sản lượng phải đi cùng với cất lượng và định hình phong cách uống cà phê là câu chuyện chúng ta cần đi tìm lời giải”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Năm 2013, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ lọt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận. Từ đó, thế giới bắt đầu quan tâm hơn nữa đối với thức uống quen thuộc nhưng cực hấp dẫn này ở Thổ Nhĩ Kỳ và cách thức uống cà phê trở thành nét hấp dẫn riêng thu hút khách du lịch đối với quốc gia này.

Phương pháp thưởng thức cà phê truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ là cà phê được nghiền rất mịn (mịn nhất trong tất cả các kỹ thuật pha chế) sau đó đun sôi với nước trong một dụng cụ đặc biệt gọi là Ibrik. Sau khi sôi lên, cà phê được rót ra cốc và dùng ngay, không cần lọc.

“Trong một ly cà phê Thổ Nhĩ Kỳ chứa đựng nhiều giá trị thành chuẩn mực”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Ông cho biết, ông từng có cơ hội gặp gỡ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cà phê, họ nói rằng, chúng ta có những ưu thế mà nhiều nước khác không có, đó là người dân không xa lạ gì với cà phê nhưng cách sử dụng lại rất khác biệt, mỗi quán có cách pha riêng, người dân và du khách có thể rất thích nhưng không tạo nên một chuẩn chung để nhận diện giá trị, đó chính là điểm trừ.

Anh Phan Minh Thông lại chỉ ra câu chuyện đáng suy ngẫm về cà phê Việt.

Anh Phan Minh Thông - người được ví là vua xuất khẩu nông sản Việt Nam lại chỉ ra câu chuyện đáng suy ngẫm, ngay ở xứ sở trồng cà phê nhưng việc được uống một ly cà phê nguyên chất lại không hề đơn giản.

“Có một nghịch lý: Việt Nam là nước đứng thứ 2 về sản lượng cà phê phục vụ toàn cầu, nhưng dân mình lại ít uống cà phê nguyên chất. Trong khi cả thế giới đang đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu và chỉ uống cà phê nguyên chất, thì duy nhất ở Việt Nam vẫn còn uống cà phê rang xay độn bắp, đậu nành, hương liệu, thậm chí pha hóa chất có hại cho sức khoẻ.

Trong một tách cà phê pha tạp, lượng caffeine rất ít và có màu đen bạc, còn cà phê nguyên chất sẽ nhiều caffeine hơn nên màu nâu nhạt và mùi thơm cà phê chứ không phải hương liệu”, anh Thông tâm sự.

Từ lâu nhiều người ngộ nhận cà phê phải có nước pha đen sóng sánh, quánh kẹo bám thành ly, bám lấy đá. Trên thực tế, một ly cà phê nguyên chất sẽ có hương nhẹ nhàng, tinh tế, độ chua thanh, tươi,...

Cà phê nguyên chất có màu cánh gián hoặc nâu đậm, không phải loại màu đen khét lẹt như nhiều người vẫn lầm tưởng.

“Tại sao những hạt cà phê ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài?”, đó là câu hỏi mà nhà sử học Dương Trung Quốc và anh Minh Thông đặt ra.

Xây dựng những chuẩn mực về phong cách cà phê không đơn giản nhưng là việc không thể không làm, đó là một ly cà phê đảm bảo độ an toàn và chất lượng, định hình phong cách pha chế để tạo ra hương vị chinh phục thế giới.

“Trong hồi ức của các nhà ngoại giao nước ngoài có kể câu chuyện đã ghi vào sách, năm 1956, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đoàn ngoại giao ở phủ Chủ tịch, Người tự tay pha cà phê cho mọi người và nói rằng, tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng, cà phê Việt Nam thuộc những hạt cà phê ngon nhất. Sau này, Người cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải làm cho hạt cà phê ra được với thế giới.

Đến bây giờ, chúng ta đã làm được vượt xa những điều Người nhắn nhủ. Sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam rất cao nhưng điều đáng nói cà phê Việt chủ yếu là xuất thô, đây là một trong những điều thiệt thòi nhất, điều này liệu có tạo nên giá trị bền vững hay không?”, Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

“Phải chăng đã đến lúc phải thay đổi tâm thế từ chỗ hô hào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” sang “hàng Việt Nam phải chinh phục người Việt Nam”. Tại sao những sản phẩm tốt nhất chúng ta hướng ngoại trong khi thị trường Việt Nam lại bỏ ngỏ”, ông Dương Trung Quốc gửi gắm.

Theo Phương Nhung/ Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy ngẫm về ly cà phê Việt và di sản cà phê cát Thổ Nhĩ Kỳ