Theo The Daily Mail, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra một thuộc tính mới của thuốc romidepsin. Đây là thuốc thường được sử dụng để điều trị u da lympho tế bào T (CTCL), u lympho tế bào T thể ngoại vi (PTCL).
Tuy nhiên, như nghiên cứu mới cho thấy, thuốc này có thể làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tự kỷ mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Loại thuốc này ảnh hưởng đến các gien chịu trách nhiệm về các kỹ năng giao tiếp.
Các chuyên gia đã tiến hành một nghiên cứu trên chuột có vấn đề với gien Shank 3. Gien này điều chỉnh sự tương tác giữa các tế bào thần kinh, làm tăng hoạt tính của N-methyl-D-aspartate (NMDA). Nếu biểu hiện của Shank 3 chậm lại thì các quá trình nhận thức và tương tác xã hội bị rối loạn.
Trong vòng 3 ngày, các đại diện của loài gặm nhấm đã được tiêm romidepsin. Trong 3 tuần tiếp theo, tất cả các con chuột thí nghiệm trở nên hòa đồng hơn. Các nhà nghiên cứu lưu ý 3 tuần ở chuột tương đương với một vài năm cuộc sống của người. Romidepsin cho phép các gien bị phong tỏa hoạt động trở lại, kết quả là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tự kỷ.
Trước đó, theo UPI, các nhà khoa học của Đại học Nam California (Mỹ)đã phân tích dữ liệu của 4.890 người mắc chứng rối loạn tự kỷ và đã phát hiện ra 8 đột biến trong gien TRIO, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của chứng tự kỷ. Các đột biến gien tạo ra phản ứng dây chuyền phá vỡ mối liên hệ giữa các tế bào não cũng như khả năng lưu trữ và xử lý thông tin.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ, thì cứ 68 trẻ em ở Mỹ thì có 1 bé bị chứng tự kỷ. Những trẻ bị khuyết tật về phát triển này có những thách thức về tương tác xã hội, rối loạn giao tiếp và hành vi nghiêm trọng.
Vũ Trung Hương