Đài truyền hình CNN ngày 17.9 bình luận có thể sẽ có thay đổi lớn trong giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua tranh ghế tổng thống Mỹ. Các cuộc thăm dò mới nhất của CNN cho thấy tỷ lệ ủng hộ nữ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang bị tỷ phú bất động sản Donald Trump rút ngắn khoảng cách, với 43% dành cho bà Hillary Clinton và 41% dành cho ông Donald Trump.

Tại sao bà Hillary Clinton và đảng Dân chủ phải lo lắng?

22/09/2016, 15:12

Đài truyền hình CNN ngày 17.9 bình luận có thể sẽ có thay đổi lớn trong giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua tranh ghế tổng thống Mỹ. Các cuộc thăm dò mới nhất của CNN cho thấy tỷ lệ ủng hộ nữ cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang bị tỷ phú bất động sản Donald Trump rút ngắn khoảng cách, với 43% dành cho bà Hillary Clinton và 41% dành cho ông Donald Trump.

Sức khỏe kém đều là yếu điểm của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay. Biếm họa cùa Patrick Chappatte (Thụy Sĩ)

Ở các bang ứng cử viên cần phải thắng như Florida và Ohio, tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa, thậm chí theo cuộc thăm dò ngày 14.9, Trump dẫn trước tới 5 điểm tại Ohio. Tại Iowa, nơi Obama hai lần chiến thắng, Trump dẫn tới 8 điểm qua sự ủng hộ của các cử tri còn “lưỡng lự”.

Điều gì khiến tỷ phú Donald Trump có thể lật ngược thế cờ khiến cho phe Dân chủ phải sợ hãi? Phải chăng do sức khoẻ kém của bà Hillary Clinton? Người viết cho rằng đó không phải là nguyên nhân giúp Trump sáng hơn trong đoạn cuối của đường đua.

Bà Hillary Clinton trở lại đường đua bốn ngày sau khi bị ngất xỉu trong lễ tưởng niệm 15 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 tại New York. Ảnh: AFP

Sức khoẻ kém của bà Hillary không tạo ra ưu thế rõ rệt cho ông Trump bởi lẽ đó đều là điểm yếu của hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm nay. Vậy đâu là lý do mà người không xứng đáng làm tổng tư lệnh của nước Mỹ, theo bà Hillary, lại có thể khiến bà có nguy cơ thất bại?

Hillary Clinton: Chiến lược tranh cử hoàn hảo nhưng không thuyết phục

Giới phân tích cho rằng chiến lược tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton được xem là một trong những chiến lược tranh cử hoàn hảo nhất của một ứng cử viên trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ với 44 kỳ tranh cử đã qua.

Chiến lược tranh cử của bà Hillary được so sánh độ hoàn hảo ngang với chiến lược tranh cử của ứng cử viên Richard Nixon năm 1968 hay của ứng cử viên Ronald Reagan năm 1980. Các chiến lược tranh cử này được hoàn thiện hơn qua mỗi lần thất bại trước đó của các ứng cử viên.

Sự hoàn hảo trong chiến lược tranh cử đã mang lại chiến thắng vang dội cho Nixon và Reagan, song Hillary thì chưa chắc có chiến thắng với sự hoàn hảo ấy. Thậm chí chính sự hoàn hào trong chiến lược tranh cử lại có thể là nguyên nhân khiến bà Hillary thất cử.

Tại sao vậy?

Bà Hillary ra tranh cử tổng thống lần này với quá nhiều thuận lợi. Bà được sự ủng hộ của hai vị tổng thống đã tạo ra nhiều dấu ấn trong lịch sử chính trị của nước Mỹ là cựu Tổng thống Bill Clinton và đương kim Tổng thống Barack Obama.

Trong cuộc đua để tìm đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, bà Hillary gần như chỉ song hành với duy nhất một đối thủ là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. Cùng với đó là kinh nghiệm có được trong cuộc đua tranh cử năm 2008.

Những thuận lợi lớn ấy đã góp phần quan trọng giúp bà Hillary Clinton được đảng Dân chủ chọn làm đại diện đảng ra tranh cử lần này. Song dù nhiều thuận lợi như vậy, nhưng bà Hillary lại không có chiến thắng vang dội, mà vụ tai tiếng tại đại hội đảng Dân chủ đã cho thấy rõ điều ấy.

Bà Hillary Clinton và đội ngũ cố vấn đã quá chủ quan với sự hoàn hảo trong chiến lược tranh cử nên trong hành động chủ yếu hướng tới việc tấn công đối thủ và lo khỏa lấp nỗi lo của cử tri về tình trạng sức khỏe của bà Hillary.

Đây là sai lầm chết người của phe Dân chủ. Bởi lẽ, đến lúc này người ta không thể nhận diện các nội dung cụ thể trong chiến lược tranh cử của ứng cử viên Hillary, không thể đoán biết phương cách giải quyết của Tổng thống Hillary tương lai đối với những vấn đề liên quan tới lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ, sức mạnh Mỹ.

Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, việc bà Hillary có được chiến thắng trước ông Sanders phụ thuộc nhiều vào cảm xúc yêu ghét của những người ủng hộ. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, hình ảnh một vị tổng thống tương lai của nước Mỹ sẽ không được định hình bởi cảm xúc nữa.

Đây là thời điểm mà tính khả thi của giải pháp, tính thực tế của biện pháp phải được ứng cử viên thể hiện. Song giải pháp, biện pháp của bà Hillary lại hết sức mơ hồ. Khi khủng bố đang thách thức an ninh nước Mỹ, thì bà cho rằng sẽ tìm ra biện pháp phù hợp, theo CNN ngày 19.9.

Khủng bố đang thách thức an ninh nước Mỹ với vụ nổ ở New York ngày 17.9 - Ảnh: AP

Trong bối cảnh người dân Mỹ bức xúc vì lợi ích Mỹ đang bị mất đi trong quan hệ với các đối tác chiến lược, bà Hillary lại không đưa ra một biện pháp cụ thể nào để cử tri Mỹ có thể nhận diện mức độ khả thi và lượng hóa tính hiệu quả của nó.

Thậm chí bà Hillary còn mâu thuẫn với chính mình trong các vấn đề chiến lược của nước Mỹ. Trong khi bà ủng hộ Tổng thống Obama xoay trục chiến lược trong quan hệ đối ngoại về khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì bà lại phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, với quan điểm của mình, chẳng khác nào bà Hillary tách giá trị Mỹ khỏi sức mạnh Mỹ, tách lợi ích chính trị khỏi lợi ích kinh tế. Trong khi đó, đây lại là vấn đề mà người dân và chính giới Mỹ đang chỉ trích chính quyền Obama bởi được nhận diện là nguyên nhân khiến Mỹ bất lực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cho đến nay, qua quá trình vận động tranh cử cho thấy những gì bà Hillary thể hiện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm 30 năm tham gia vào đời sống chính trị Mỹ hơn là xuất phát từ tình hình thực tế của nước Mỹ chờ đợi ở một tổng thống tương lai. Điều đó khiến cho bà Hillary có vẻ ngày càng đuối trong cuộc đua với tỷ phủ Trump, nhất là ở giai đoạn nước rút quan trọng này.

Donald Trump: Chiến lược tranh cử mảnh ghép ngày càng hoàn thiện

CNN cho rằng chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 có thể được định hình lại ngay lập tức sau khi tỷ phú Trump kết thúc thuyết âm mưu về nơi sinh của Tổng thống Obama. Ông Trump đã chính thức thừa nhận ông Obama đã được sinh ra tại Mỹ.

Đây là sự khôn ngoan của ông Trump và sự xuất sắc của đội ngũ cố vấn chính trị của ông. Sự kiện này là một thời khắc quan trọng trong chiến dịch của cả hai ứng cử viên, song chỉ mang lại lợi thế cho riêng ông Trump mà thôi.

Ứng cử viên Donald Trump vốn bị cho là không có chiến lược tranh cử khi “bạ đâu nói đó”. Vậy nhưng khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ diễn ra thì có thể nhận diện chiến lược tranh cử của Trump đã thành hình với đầy đủ góc cạnh.

Theo cá nhân người viết thì Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz mới là đối thủ khiến Donald Trump lo ngại nhất. Khi Ted Cruz rời đường đua thì những mảnh ghép trong chiến lược tranh cử của Trump ngày càng chặt chẽ và liền khít hơn.

Cho đến lúc này, Donald Trump đã chứng minh được rằng một doanh nhân lọc lõi trên thương trường khi bước vào chính trường cũng lọc lõi không kém chứ không non nớt hay mù mờ. Việc Trump mất điểm chủ yếu do ông đã phá vỡ nguyên tắc của chính trị truyền thống mà thôi.

Tuy nhiên, việc tạo ra nét mới trong cuộc đua lần này đã bắt đầu mang lại những hiệu ứng tốt cho Trump. Có thể thấy khi người dân Mỹ không còn đặt niềm tin vào những chính trị gia chuyên nghiệp thì việc lựa chọn tỷ phú bất động sản được xem là hợp lý đối với họ.

Điều đó cho thấy, chỉ cần Trump khắc phục được những nhược điểm cố hữu của mình là cơ hội dành cho ông sẽ tăng lên. Và Trump đã thực hiện điều đó. Việc Trump không lợi dụng sự kiện bà Hillary bị ngất xỉu để công kích đối thủ là một sự đổi thay tính cách hợp thời.

Không những vậy, ông Trump còn lấy điểm qua ứng xử nhân văn trong sự kiện này. Khi trả lời Fox News ngày 12.9 rằng: "Tôi hy vọng bà ấy sớm khỏe và tiếp tục tranh cử. Tôi còn gặp lại bà ấy trong vòng tranh luận", Trump đã lấy được thiện cảm của nhóm cử tri vốn ghét bỏ ông.

Chiến lược tranh cử ghép mảnh của ông Donald Trump ngày càng hoàn thiện, khiến phe Dân chủ lo lắng - Ảnh: AP

Tuy nhiên, điều khiến nhiều cử tri Mỹ ngày càng hướng về Trump đó chính là sự hiệu chỉnh chiến lược không chỉ qua lời nói mà còn bằng hành động. Có thể nhận định việc Trump có cuộc gặp với Tổng thống Mexico Enrique Nieto là đi một nước cờ cao trong hoàn thiện chiến lược.

Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bị Trump xem là một trong những hiệp định gây thiệt hại lớn cho kinh tế Mỹ, người Mexico nhập cư bất hợp pháp bị Trump xem là lực lượng cướp công ăn việc làm lớn nhất của người dân Mỹ.

Chuyến đi nắn gân Mexico đã giúp cho Trump có thể vững vàng trong thể hiện quan điểm về vấn đề này, bởi lẽ Thủ tướng Canada Justin Trudeau được xem là đã ủng hộ Trump. Như vậy, trong vấn để NAFTA, Trump đã có thể xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo đảm lợi ích Mỹ.

Trump lên án Trung Quốc tạo bất bình đẳng trong quan hệ thương mại gây thiệt hại cho Mỹ và đưa ra biện pháp trừng phạt bằng tăng thuế. Khi gạt TPP thì Trump kêu gọi đơn giản hóa thủ tục trong kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho những thỏa thuận ngắn hạn với các đối tác.

Nghĩa là Trump dựa vào thực tế để thay đổi và hoàn thiện chiến lược tranh cử của mình cũng như kế hoạch hành động của chính phủ Mỹ tương lai, nếu Trump thắng cử. Người Mỹ đã có thể phần nào nhận diện chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump tương lai.

Trong khi đó, theo The New York Times ngày 1.8.2016, trong 324 triệu người Mỹ thì có 103 triệu người không có quyền bỏ phiếu, bao gồm trẻ em, người chưa phải là công dân Mỹ hoặc tội phạm bị tước quyền công dân.

Có 88 triệu người Mỹ trưởng thành đủ điều kiện nhưng không tham gia bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử. Có thêm 73 triệu người đã không tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016 này, nhưng rất có thể sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống.

Như vậy, chỉ có 60 triệu người đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ, khoảng 30 triệu cho mỗi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Tuy nhiên, một nửa trong số đó thì đã bầu cho các ứng cử viên bị rơi rụng trên đường đua như Bernie Sanders hay Ted Cruz…

Điều đó cho thấy, chỉ có 30 triệu người Mỹ đã tham gia bầu cho Trump và Hillary trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Nghĩa là số người đã tham gia bầu cử sơ bộ bỏ phiếu cho Trump và Hillary chỉ chiếm khoảng 9% dân số Mỹ và chiếm khoảng 14% cử tri Mỹ.

Vì vậy, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới thì các ứng viên phải tác động vào 3 lực lượng: 88 triệu người không chịu đi bầu, 73 triệu người không đi bầu sơ bộ nhưng có thể đi bầu tổng thống và 30 triệu người bầu cho các ứng viên đã thất bại.

Rõ ràng với những gì đã và đang thể hiện thì có thể nhận thấy ứng cử viên Donald Trump làm tốt hơn ứng cử viên Hillary Clinton trong việc kéo cử tri “lưỡng lự” về phía mình. Điều đó được chứng minh bằng kết quả thăm dò mới nhất của Los Angles Times và Đại học Nam California.

Theo đó, từ ngày 10.9 đến ngày 16.9, tỷ lệ người gốc Phi ủng hộ ứng cử viên Donald Trump đã tăng hơn 6 lần, lên 19,6%. Cho dù Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng cử tri gốc Phi không bầu cho bà Hillary Clinton là một sự sỉ nhục.

Tóm lại, chiến lược tranh cử của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống thứ 45 của Mỹ đang tạo ra những khác biệt trên đường đua. Với những chiến thuật sắc sảo của mình cùng đội ngũ cố vấn, tỷ phú Donald Trump đang tạo nên hiệu ứng có thể khiến lặp lại kịch bản của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 – đầy kịch tính và bất ngờ.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao bà Hillary Clinton và đảng Dân chủ phải lo lắng?