Để duy trì lợi ích của 24 triệu người Đài Loan, ưu tiên hàng đầu của Đài Bắc không phải là chuẩn bị cho chiến tranh mà là tránh một cuộc chiến. Do đó, để làm được điều này, việc xây dựng quan hệ đối thoại với Trung Quốc là cần thiết.

Tại sao Đài Loan và Trung Quốc cần đối thoại để tránh xung đột quân sự?

Hoàng Vũ | 06/09/2022, 19:06

Để duy trì lợi ích của 24 triệu người Đài Loan, ưu tiên hàng đầu của Đài Bắc không phải là chuẩn bị cho chiến tranh mà là tránh một cuộc chiến. Do đó, để làm được điều này, việc xây dựng quan hệ đối thoại với Trung Quốc là cần thiết.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào đầu tháng 8 đã châm ngòi cho cái gọi là "Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 4", khiến căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang lên mức cao.

Tâm điểm của cuộc thảo luận hiện nay chủ yếu liên quan đến các nỗ lực cải cách quân sự của Đài Loan, tình hình “bình thường mới” ở eo biển cũng như vai trò của Mỹ và Nhật Bản trong trường hợp Trung Quốc “động binh” với đảo tự trị. Những chủ đề này có ý nghĩa quan trọng liên quan đến an ninh của Đài Loan và đáng được quan tâm, phản ánh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng ở eo biển.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích về ngoại giao và chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Ray Weichieh Wang, hiện có rất ít các cuộc thảo luận tập trung vào việc làm thế nào để Đài Bắc có thể giảm bớt căng thẳng hiện tại để tránh leo thang hơn nữa và xung đột trong tương lai thông qua ngoại giao. Hầu hết các cuộc thảo luận ở Đài Loan và hơn thế nữa đều xoay quanh việc đảo tự trị có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến sắp tới chống lại Trung Quốc, bỏ qua tiềm năng của Đài Bắc trong việc giảm bớt căng thẳng và tránh xung đột thông qua giao tranh với Trung Quốc. Để duy trì lợi ích của 24 triệu người Đài Loan, ưu tiên hàng đầu của Đài Bắc không phải là chuẩn bị cho chiến tranh mà là tránh một cuộc chiến. Do đó, để làm được điều này, việc xây dựng quan hệ đối thoại với Trung Quốc là cần thiết.

Lợi ích của đối thoại

Ông Wang cho rằng khi căng thẳng xuyên eo biển lên đến đỉnh điểm, Đài Loan phải áp dụng các biện pháp giảm leo thang hiệu quả để ngăn chặn xung đột trong tương lai. Để làm như vậy, Đài Loan nên ngay lập tức tìm cách bắt đầu đối thoại ngoại giao và quân sự với Trung Quốc.

Thứ nhất, việc thiết lập đối thoại quân sự và ngoại giao có thể ngăn chặn những đánh giá sai lầm về mặt chiến lược bằng cách giao tiếp trong thời gian khủng hoảng. Trao đổi quan điểm giữa hai bên trong những giai đoạn quan trọng cuối cùng có thể làm giảm rủi ro chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Ngoài ra, thúc đẩy đối thoại có thể ngăn chặn xung đột tiềm tàng do các tính toán sai lầm đơn phương gây ra.

Thứ hai, đối thoại tạo ra một con đường để Bắc Kinh và Đài Bắc trao đổi quan điểm về các vấn đề cụ thể, giúp hai bên nhận thức sâu sắc hơn về các chủ đề khác nhau và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ví dụ, các quan chức Đài Loan có thể sử dụng cuộc đối thoại để trực tiếp gửi một thông điệp bày tỏ sự quan ngại tới các quan chức Trung Quốc về cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật gần đây và sự “bình thường mới” đang hình thành ở eo biển. Đài Loan cần có một kênh trực tiếp với Trung Quốc để cho họ biết Đài Bắc nghĩ gì về một số vấn đề nhất định thay vì đưa ra những thông điệp này thông qua các phương tiện truyền thông hoặc các tuyên bố chính thức.

Hơn nữa, Bắc Kinh và Đài Bắc có khả năng hợp tác trong các vấn đề phục vụ lợi ích chung của họ. Ví dụ, vấn đề buôn người nghiêm trọng ở Campuchia, hiện là một vấn đề nổi cộm không chỉ đối với Đài Loan mà cả Trung Quốc. Các chủ đề khác như thương mại, giáo dục và du lịch cũng là những lĩnh vực tiềm năng để tham gia đối thoại. Về lâu dài, hợp tác nhiều hơn giữa hai bên có thể tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và làm dịu đi căng thẳng xuyên eo biển.

Đối thoại giữa Bắc Kinh và Đài Bắc sẽ đưa Đài Loan vào vị thế chủ động hơn để phản ứng với những diễn biến khó lường trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong 6 năm qua, đã không có kênh liên lạc cởi mở nào giữa Đài Loan và Trung Quốc mặc dù quan hệ hai bên đã xuống cấp một cách rõ ràng. Trong khi đó, các tranh chấp ngoại giao và quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ về Đài Loan ngày càng gia tăng. Đài Bắc cần có tiếng nói lớn hơn trong cách cả hai bên tiếp cận căng thẳng xuyên eo biển.

Trong trường hợp Đài Loan tiếp tục không đối thoại với Trung Quốc, Đài Bắc sẽ đặt niềm tin hoàn toàn vào Washington. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Mỹ luôn ưu tiên lợi ích quốc gia của mình trước Đài Loan và chỉ lên tiếng bảo vệ đảo tự trị khi bị xâm phạm lợi ích. Quan trọng hơn, trong một cuộc khủng hoảng, sẽ rất nguy hiểm cho Đài Loan nếu chỉ biết dựa vào Mỹ để thay mặt họ đối thoại với Trung Quốc. Đài Loan phải nhận ra thực tế này và tìm cách tăng cường trao đổi với Trung Quốc để trực tiếp truyền đạt các yêu cầu và theo đuổi lợi ích của mình một cách độc lập.

Các cuộc trao đổi chính thức giữa Bắc Kinh và Đài Bắc bị tạm dừng kể từ khi bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) được bầu làm lãnh đạo Đài Loan hồi năm 2016 và không chấp nhận bản "Đồng thuận năm 1992" vốn là nền tảng cho quan hệ song phương. Theo Đồng thuận năm 1992, chỉ có “một Trung Quốc” nhưng hai bên có cách giải thích khác nhau về khái niệm này.

Trung Quốc kể từ đó đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quanh đảo tự trị cũng như các nỗ lực cô lập ngoại giao nhằm siết chặt không gian quốc tế của Đài Loan. Bất chấp nhiều nỗ lực của bà Thái trong việc mở lại đường dây liên lạc, Bắc Kinh chỉ coi “Đồng thuận năm 1992” là điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán. Ngoài ra, một bộ phận trong chính quyền của bà Thái đã cố gắng tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ để đối phó lại Trung Quốc. Bên cạnh đó, các động thái “ép buộc” về chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan trong những năm gần đây đã làm gia tăng sự bất mãn của người dân đảo tự trị đối với Trung Quốc. Việc những bất đồng chính trị giữa Bắc Kinh và Đài Bắc ngày càng tăng đã khiến các điều kiện đối thoại giữa hai bờ eo biển trở nên khó khăn hơn.

Rất khó để mong đợi Đài Loan và Trung Quốc bắt đầu đối thoại trong một thời gian ngắn trước những thách thức đáng kể đã đề cập. Tuy nhiên, cả hai bên có thể bắt đầu bằng cách xây dựng lòng tin lẫn nhau thông qua hợp tác trong các vấn đề ít nhạy cảm hơn như chống lại các hoạt động bất hợp pháp và cung cấp viện trợ sau thiên tai.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 6.9 đã gửi điện chia buồn đến chính phủ Trung Quốc trước những mất mát của thân nhân những người gặp nạn trong trận động đất Tứ Xuyên hôm 5.9. Theo Reuters, Văn phòng lãnh đạo Đài Loan cho biết bà Thái Anh Văn đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi sau trận động đất vào trưa qua ở Tứ Xuyên, khiến ít nhất 65 người đã thiệt mạng, 12 người mất tích và 248 người bị thương. Bà Thái cũng hy vọng nỗ lực tìm kiếm, cứu trợ và hồi phục sau thiên tai sẽ diễn ra suôn sẻ, cho phép các địa phương gặp nạn có thể sớm quay về cuộc sống bình thường.

Đây cũng có thể được coi là một cử chỉ “thiện chí” của Đài Loan nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại eo biển. Cuối cùng, khi sự “thiện chí” tăng lên, nó sẽ cho phép Bắc Kinh và Đài Bắc thúc đẩy đối thoại.

Bài liên quan
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Đài Loan và Trung Quốc cần đối thoại để tránh xung đột quân sự?