Nếu ở Tây Đức thì 57% ủng hộ trừng phạt Nga bất chấp khó khăn kinh tế thì tại Đông Đức, số người phản đối lại là 55%. Đặc biệt là nếu việc duy trì trừng phạt gây bất lợi cho nền kinh tế Đông Đức thì 59% phản đối.
Việc di chuyển lại trở nên đắt đỏ hơn đáng kể ở Đức kể từ ngày 1.9. Vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8, thuế năng lượng đối với nhiên liệu đã được giảm và chi phí giao thông công cộng trong khu vực chỉ còn 9 euro mỗi tháng. Nhưng giờ đây, giá nhiên liệu đã tăng chóng mặt và giá vé xe buýt, xe lửa đang quay đầu trở lại mức bình thường. Dự kiến, tới đây giá sẽ tăng tiếp do giá năng lượng tăng.
Đồng thời, ngày càng có nhiều người nhận được thư từ các nhà cung cấp khí đốt và điện thông báo việc sẽ tăng giá đáng kể thời gian tới. Làm thế nào mọi người có thể đối phó với điều này? Câu hỏi này, hơn bất kỳ câu hỏi nào khác, hiện đang chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận công khai ở Đức và do đó cũng là chương trình nghị sự chính trị.
Chính phủ Đức đã công bố "gói cứu trợ" thứ ba, nhưng cho đến nay vẫn chưa cho biết gói này sẽ chứa những gì.
Mặt khác, người dân có những kỳ vọng cụ thể. Điều này được thể hiện qua cuộc khảo sát ARD Deutschlandtrend mới nhất do Infratest-dimap thực hiện. Cuộc khảo sát đã thăm dò ý kiến 1.324 cử tri qua mạng internet và trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 29 đến 31.8.
Nhìn chung, chưa tới một trong ba người được hỏi (29%) cho rằng chỉ nên giới hạn cứu trợ của chính phủ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo quan điểm của việc tăng giá cho đến nay và những dự kiến sẽ tiếp tục tăng, gần một nửa số người được hỏi (45%) ủng hộ các biện pháp cũng nên tính tới việc giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trung lưu. Thu nhập "tầm trung" của người Đức được đặt ở mức 3.500 euro mỗi tháng trước khi trừ thuế, bảo hiểm y tế và thất nghiệp. Một phần năm muốn tất cả công dân được hỗ trợ bất kể thu nhập của họ.
Trong ba tháng mùa hè này, việc đi lại trên các phương tiện giao thông nội địa trên toàn nước Đức có mức vé hàng tháng là 9 euro. 52 triệu vé này đã được bán. Vé hấp dẫn không chỉ vì giá rẻ mà còn vì nó có giá trị trên toàn quốc và loại bỏ những quy định chắp vá khó hiểu của nhiều hiệp hội vận tải khu vực.
Có một sự quan tâm đáng kể đối với một tấm vé đơn giản như vậy trong tương lai. Và 59% những người được khảo sát bởi Infratest sẽ sẵn sàng trả nhiều hơn mức 9 euro để dùng tiếp tấm vé này.
Sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên - mà một nửa số hộ gia đình trên cả nước Đức sử dụng để sưởi ấm - và giá năng lượng tăng cao đang đặt ra một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Làm thế nào để giảm thiểu tác động của giá cao mà không gây quá nhiều căng thẳng cho ngân khố nhà nước? Ai thực sự cần hỗ trợ? Và cần hỗ trợ bao nhiêu để ngăn chặn những biến động xã hội? Đồng thời, áp lực tài chính đang ảnh hưởng đến sự ủng hộ đối với cách tiếp cận chính sách đối ngoại cứng rắn đối với Nga.
Hơn một nửa trong số những người được thăm dò ý kiến ủng hộ việc duy trì các biện pháp trừng phạt hiện có, ngay cả khi đối mặt với giá cả tăng cao, nguồn cung năng lượng bị tắc nghẽn hoặc những bất lợi cho nền kinh tế địa phương.
Khi Nga tấn công Ukraine vào đầu tháng 3, con số này đã ở mức hơn 2/3. Nhưng đến giờ, 4 trong số 10 người lại phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga, nếu chúng gây ra hậu quả tiêu cực và gánh nặng cho chính nước Đức.
Thái độ này thậm chí còn phổ biến hơn ở Đông Đức, nơi có liên kết chặt chẽ với Liên Xô trong quá khứ. Nếu ở Tây Đức thì 57% ủng hộ trừng phạt Nga bất chấp khó khăn kinh tế thì tại Đông Đức, số người phản đối lại là 55%. Đặc biệt là nếu việc duy trì trừng phạt gây bất lợi cho nền kinh tế Đông Đức thì 59% phản đối.
Hiếm có chính phủ Đức nào lại phải giải quyết nhiều vấn đề lớn cùng lúc như liên minh hiện tại của các đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Ngày càng ít cử tri ấn tượng với kỹ năng xử lý khủng hoảng của các nhà lãnh đạo của họ: Chỉ 31% trong số những người được khảo sát cho biết họ hài lòng với công việc của chính phủ liên bang, đây là một mức thấp mới.
Trong vài tuần qua, các vết nứt dường như đã xuất hiện trong liên minh. Và điều này dường như được phản ánh trong kết quả của cuộc khảo sát: Trong khi những người ủng hộ Đảng SPD và Đảng Xanh chủ yếu nói rằng họ hài lòng, hai trong số ba cử tri FDP không hài lòng.
Uy tín của những người đứng đầu cả 3 đảng cũng ngày càng giảm sút. Thủ tướng Olaf Scholz đến từ SPD rơi xuống mức thấp mới, điều tương tự với Bộ trưởng Tài chính đến từ FDP Christian Lindner. Ngay cả Phó thủ tướng Robert Habeck của đảng Xanh cũng mất đi sự ủng hộ đáng kể và phải đối mặt với số điểm ủng hộ thấp thứ hai kể từ khi tiếp quản bộ kinh tế. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock của đảng Xanh nổi lên là chính trị gia được yêu thích nhất. Nhưng bà lại vừa gây phốt khi tuyên bố “Tôi muốn thực hiện lời hứa sát cánh cùng với Ukraine. Cho dù cử tri Đức của tôi nghĩ gì đi nữa, tôi vẫn muốn gửi gắm niềm tin đến người dân Ukraine"
So với kết quả của cuộc bầu cử liên bang chỉ cách đây chưa đầy một năm, tình hình đã thay đổi chóng mặt ở Đức. Hồi đó, SPD đã giành được 25,7% phiếu bầu – con số bây giờ chỉ là17%. Những người thăm dò cho rằng điều này là do hiệu suất yếu kém của thủ tướng và sự bất mãn với chính sách đối ngoại, công bằng xã hội và chính sách thuế của đảng cầm quyền.
Sự ủng hộ với FDP cũng đang xói mòn - ngoại trừ chính sách tài khóa, nơi Bộ trưởng Tài chính từ chối tăng thuế đối với các công ty và những người giàu nhất đất nước, dường như đã đền đáp với cử tri.
Mặt khác, đảng Xanh đã tranh thủ tình thế để nâng tầm thành công. Họ tiếp tục được coi là đáng tin cậy và có năng lực khi nói đến chính sách khí hậu và môi trường, nhưng họ cũng đã nâng tầm trong tất cả các lĩnh vực chính sách khác, đặc biệt là chính sách đối ngoại. Đồng thời, họ đã có thể ghi điểm về vấn đề nguồn cung cấp năng lượng an toàn vừa nảy sinh sau cuộc chiến Ukraine.