Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7,0% trong năm 2022.

Tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay

Lam Thanh | 28/04/2021, 12:51

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7,0% trong năm 2022.

Tăng trưởng thấp nhất thập niên qua

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các biện pháp hiệu quả của Chính phủ đã có tác động lớn trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi đại dịch COVID-19 trong năm 2020, với GDP tăng trưởng 2,9% - một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm qua.

adb.jpg
Tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi, đạt 6,7% năm 2021 - Ảnh: Internet

Dù vậy, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong thập niên vừa qua. Nông nghiệp tăng 2,7% trong năm 2020 so với mức 2,0% năm 2019, nhờ tích cực xúc tiến xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu ngành (như chuyển từ trồng lúa sang các loại cây công nghiệp có giá trị cao và chăn nuôi); và khu vực tư nhân năng động.

Nông nghiệp đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm ngoái – đây là mức tăng trưởng rất tốt trong bối cảnh lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn gia tăng và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh.

Tăng trưởng công nghiệp và xây dựng giảm nhẹ xuống 4,0% trong năm 2020, đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng, nhờ các biện pháp kiểm soát COVID-19 hiệu quả góp phần duy trì nguồn cung lao động ổn định.

Nhu cầu bên ngoài yếu làm tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm gần một nửa còn 5,8%. Nhu cầu đối với dầu lửa và các hàng hoá liên quan trên toàn cầu giảm mạnh làm tốc độ tăng trưởng ngành khai kháng của Việt Nam chậm lại.

Tăng trưởng ngành xây dựng giảm xuống 6,8% trong năm 2020 so với 9,1% vào năm 2019. Tăng trưởng ngành dịch vụ giảm 2,3% mặc dù vào quý 4 có sự phục hồi mạnh về chi tiêu vào các dịch vụ y tế và tài chính, bán lẻ và thương mại điện tử.

Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề do giảm đến 78,7% số lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thể, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm xuống 0,9 điểm phần trăm trong năm 2020, so với mức 2,8% trong năm 2019.

Về phía cầu, tiêu dùng giảm mạnh khi các doanh nghiệp phá sản và thu nhập bị giảm sút do đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng tiêu dùng chỉ ở mức 1,1% trong năm 2020 đã làm giảm mức đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP xuống 0,8 điểm phần trăm. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân giảm xuống 0,6%, nhưng chi tiêu công tăng 6,2%.

Mức tăng trưởng tổng tích luỹ tài sản cố định giảm một nửa xuống còn 4,1% trong năm ngoái, đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng. Sự sụt giảm của đầu tư tư nhân được bù đắp bởi mức tăng đầu tư công ở mức 34,5%, một trong những mức hỗ trợ đầu tư công cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Thương mại quốc tế đạt thành tích tốt bất chấp những khó khăn do COVID-19 gây ra. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ ròng đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng, trong đó xuất khẩu tăng 4,4%, cao hơn so với nhập khẩu tăng 3,9%.

Lạm phát trung bình ở mức 3,2% trong năm 2020, chỉ cao hơn một chút so với mức 2,8% trong năm 2019, mặc dù giá thịt heo tăng đột biến trong quý 1/2020 và lũ lụt nghiêm trọng vào quý 3. Nhu cầu nội địa thấp và giá nhiên liệu thế giới giảm mạnh đã kiềm chế lạm phát một cách đáng kể.

Môi trường kinh doanh ảm đạm

ADB nhận định môi trường kinh doanh ảm đạm và tình trạng phá sản doanh nghiệp làm cho nhu cầu tín dụng sút giảm. Tính đến cuối năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng ước tính vào khoảng 11,0% so với năm 2019, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Cung tiền ước tăng 12,6% trong năm 2020, cao hơn so với mức 12,1% trong năm 2019.

Thặng dư tài khoản vãng lai ước vào khoảng 4,6% GDP trong năm ngoái, hầu như không thay đổi so với năm 2019, dựa trên cơ sở mức thặng dư thương mại đáng kể, mặc dù dịch vụ và thu nhập ròng giảm.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,0%, nhờ có các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, sự đa dạng hoá đối với các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển hướng thương mại. Xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ, chủ yếu là điện thoại di động, linh kiện và hàng dệt may tăng 25,0%.

Trung Quốc (PRC) vượt qua Liên minh châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Nhập khẩu tăng 3,6%, trong đó PRC vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc và các nền kinh tế Đông Nam Á.

Thặng dư tài khoản tài chính giảm hơn một nửa xuống 3,1% GDP trong năm 2020, chủ yếu do sự sụt giảm dòng vốn vào từ vốn vay trung và dài hạn và đầu tư gián tiếp. Vì lý do này mà thặng dư tổng cán cân thanh toán giảm mạnh xuống còn tương đương 6,1% GDP. Dự trữ ngoại hối tăng, ước đạt 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020.

Thâm hụt tài khoá trong năm 2020 tăng lên mức ước tính 5,8% GDP. Thu ngân sách giảm 9,2% do giảm thương mại quốc tế, thu thuế GTGT và tổn thất từ sự sụt giảm giá dầu thô toàn cầu.

Tổng chi ngân sách chỉ tăng 1,2%, vì phần lớn chi tiêu của chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, ước tính tương đương 11,5% GDP được chi bằng nguồn kết dư từ các năm trước, nguồn dự phòng và các quỹ ngoài ngân sách. Nợ công ước tính tăng nhẹ lên 55,4% GDP trong năm 2020, so với mức 55,0% trong năm 2019.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh vào quý 1/2020, nhưng nhanh chóng phục hồi khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và ngân hàng trung ương thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất, kéo các nhà đầu tư trong nước trở lại với thị trường. VN Index đạt mốc 1.200 điểm trong quý 1/2021.

ADB cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7,0% trong năm 2022, theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

“Tiêu dùng nội địa trì trệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch COVID-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau, nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của vi rút,” Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries phát biểu.

“Nhưng năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong chương trình vắc xin của Chính phủ.”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay