Tập đoàn dầu khí này mong muốn nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư tại Việt Nam

Tuyết Nhung | 20/10/2023, 08:06

Tập đoàn dầu khí này mong muốn nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Ả Rập Saudi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Yasser M.Mufti - Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco.

anh-2.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam - Ảnh: VGP

Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có trị giá vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Năm 2022, Aramco đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỉ USD, tăng 46% so với mức 110 tỉ USD năm 2021.

Ông Yasser M.Mufti - Phó chủ tịch điều hành Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa có đầu tư trực tiếp

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam, phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí như dầu thô, khí hỏa lỏng, hạt nhựa, phân bón...

Thủ tướng cũng đề nghị Aramco tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Ả Rập Saudi, tìm các dự án lớn để cùng đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dầu khí. Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc gặp PVN và Aramco thu xếp làm việc trực tiếp về kế hoạch hợp tác.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng gặp mặt lãnh đạo 3 doanh nghiệp lớn của Ả Rập Saudi và khu vực vùng Vịnh là Tập đoàn Zamil, Tập đoàn Lulu và Tập đoàn Ajlan & Bros.

Lãnh đạo 3 doanh nghiệp đã trao đổi với với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về hoạt động của các công ty và kế hoạch hợp tác với Việt Nam. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được và triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị 3 doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, ưu tiên đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng tán thành với đề xuất về việc cần tăng cường kết nối hàng không, xem xét việc mở đường bay thẳng để tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ả Rập Saudi ngày 19.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh những bước phát triển tốt đẹp trên chặng đường gần 25 năm quan hệ hợp tác giữa hai nước đã tạo đà thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại. Đánh giá quy mô thương mại song phương trong 10 năm trở lại đây liên tục tăng trưởng tích cực, năm 2022 đã đạt trên 2,7 tỉ USD, tăng 32,4% so với năm 2021, Bộ trưởng khẳng định Ả Rập Saudi hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, Bộ trưởng Diên khẳng định hai bên còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác đầu tư, kinh doanh. Về thương mại, phía Ả Rập Saudi có thể nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu từ Việt Nam đối với các mặt hàng điện tử, dệt may, da giầy, hàng nông-thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, sản phẩm nội thất, thủ công mỹ nghệ... và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, hóa dầu, hợp tác về dịch vụ và khai thác dầu khí, tài chính...

Trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, với tiềm lực mạnh về tài chính và ngành công nghiệp dầu mỏ phát triển, các doanh nghiệp Ả Rập Saudi có thể xem xét khả năng đầu tư tại Việt Nam các dự án năng lượng (dầu khí, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, phát triển hạ tầng năng lượng, chuyển đổi năng lượng xanh…), công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, điện tử, hóa chất và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics...

Bài liên quan
Ả Rập Xê Út giành vé đầu tiên dự Olympic, biến Uzbekistan thành cựu vương châu Á
Bàn thắng muộn phút cuối trận bán kết đầu tiên tại VCK U.23 châu Á giúp Ả Rập Xê Út chính thức giành vé tham dự Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới muốn đầu tư tại Việt Nam