Tháng 5, đã qua cái mùa con ong đi tìm mật, mùa hoa cà phê nở ngập triền đồi trong dập dềnh của những đàn bướm. Tôi đến Buôn Ma Thuột trong tháng nóng nhất của Sài Gòn và cũng là tháng cao điểm nóng ở Tây Nguyên, và điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình Buôn Mê của tôi là thác Gia Long.

Thác Gia Long, vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên

13/05/2020, 11:17

Tháng 5, đã qua cái mùa con ong đi tìm mật, mùa hoa cà phê nở ngập triền đồi trong dập dềnh của những đàn bướm. Tôi đến Buôn Ma Thuột trong tháng nóng nhất của Sài Gòn và cũng là tháng cao điểm nóng ở Tây Nguyên, và điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình Buôn Mê của tôi là thác Gia Long.

Thác Gia Long cách TP.Buôn Ma Thuột khoảng 30km. Từ Buôn Ma Thuột, di chuyển theo tuyến QL.14, đến gần cầu 14, rẽ trái, đi thêm khoảng 10km nữa là đến cổng khu du lịch của cụm thác. Từ cổng, bạn chỉ cần đi bộ thêm vài trăm mét là bạn đến được thác Dray Sáp.

Tuy nhiên, để đến được thác Gia Long thì cần đi thêm khoảng 7km nữa theo một con đường trải nhựa đã mòn theo thời gian, lổm chổm đá răm và đất đỏ, con đường băng xuyên rừng trong ánh nắng vàng rực và những tàn cây khô, như một bức tranh sa mạc hoang hoải. Con đường hầu như không có người qua lại, chỉ thỉnh thoảng có người dân địa phương đi làm rẫy lẫn trong những tán cây khô hoặc những đàn bò thẩn thơ gặm cỏ.

Khu du lịch thác Gia Long hiện ra trước mắt, con đường dẫn đến thác vào mùa khô nên cũng hoang sơ, tiêu điều, anh chàng trông coi thác bảo, khách đến tham quan vào đầu mùa mưa, khi lượng mưa chưa quá nhiều, cả ngọn thác hùng vĩ đổ xuống trắng xóa xung quanh là cây rừng mướt xanh…

Thác Gia Long hay còn gọi là Đray Sáp Thượng - một thác nước trên sông Serepôk thuộc địa phận xã Dray Sáp huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk và xã Đăk Sôr của huyện Krông K’Nô, tỉnh Đắk Nông. Thác Gia Long được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ thuần khiết, gần như chưa có bàn tay con người chạm vào. Ngắm thác Gia Long, bạn như đi vào một không gian thiên nhiên mênh mông, cảm giác như ta là người đến đây đầu tiên...

Thác Gia Long gắn với cái tên của một vị vua triều Nguyễn là vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại từng đặt chân đến ngọn thác này. Hồi đó ông thường đi cưỡi ngựa, săn bắn. Cảm hứng trước thiên nhiên xinh đẹp, ông cho xây dựng một dinh thự vào năm 1930 để vãn cảnh, lấy tên vua Gia Long đặt tên cho thác. Người dân địa phương lấy đó làm niềm tự hào.

Di tích mố cầu treo tại thác Gia Long

Thác Gia Long nằm ở gần ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Nước của con thác từ dòng sông Sêrêpôk hùng vĩ của Tây Nguyên về đến đây bị những khối đá chắn lại tạo thành những tầng bậc. Lúc thì dịu dàng lách qua những hòn đá để chảy về hạ nguồn, lúc thì tuôn trào dữ dội.

Tôi chầm chậm bước qua chiếc cầu treo bằng gỗ, một bên là những thân cây cổ thụ già sừng sững đứng đó. Một bên là đập chắn nước mà vua Bảo Đại cho xây dựng cón sót lại, những bệ đá cổ, trầm tích bỏ hoang theo thời gian. Trong khung cảnh hoang vu những gì xưa cũ đã trôi dần vào dĩ vãng, chỉ còn lại tiếng thác vỗ gầm réo trên những vách đá.

Con đường dẫn vào thác

Thác Gia Long sừng sững đó như một dải tuyết trắng xóa, đổ chậm xuống những làn hồ xanh màu ngọc bích và những tàn cây cổ thụ già soi bóng. Trông như một bức tranh thủy mặc đẹp hoang sơ, nao lòng.

Đây là các hồ tự nhiên nhưng hoàn chỉnh đến mức người ta cứ nghĩ có sự can thiệp của con người. Đẹp nhất phải kể đến hồ tắm Tiên. Vẻ đẹp hoang sơ hoàn mỹ của nó khiến người đời đã nghĩ ra một câu chuyện thần tiên để lý giải cho sự hình thành hồ trên núi này.

Chuyện kể rằng, xưa trên trời cao, các nàng tiên nhìn thấy và thường xuyên đến đây vui đùa. Cái hồ rộng lớn ở chân thác quyến rũ các nàng tiên trút bỏ xiêm y để trầm mình trong làn nước mát lạnh. Vì thế, hồ nước này được gọi là hồ tắm Tiên. Khi đến đây vãn cảnh, vua Bảo Đại đã bị câu chuyện này cuốn hút. Đứng trước không gian thiên nhiên hữu tình, ông cũng thường tắm ở hồ nước này mỗi lần đến đây.

Tôi đi men theo những mé đá quanh hồ. Hệ sinh thái quanh khu vực thác Gia Long rất phong phú. Qua thác có vô số cây rừng cổ thụ, có nhiều cây tuổi thọ đến trăm năm. Những cây kiền kiền, bạch tùng, du sam, chò xót... với tàn cây rộng lớn và cao vút. Rừng nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt. Mật độ rừng rậm rạp và rộng lớn nên vẫn còn giữ được hệ sinh thái đa dạng, thu hút chim muông, thú rừng sinh sống.

Trên hành trình khám phá thác Gia Long, tôi ngỡ như đang đi lạc vào một “thế giới bị lãng quên” với khung cảnh thiên nhiên rộng mênh mông hùng vĩ và những trầm tích còn đó theo thời gian. Mới hay, cái vĩnh cửu là cái vô thường nhất. Cái đi mãi cùng năm tháng vẫn là vẻ đẹp trường tồn của thiên nhiên. Đứng trước thiên nhiên nguyên sơ ấy con người ta bỗng trở nên bé nhỏ đến nhường nào.

Bài và ảnh: Tịnh Thu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thác Gia Long, vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên